THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
12/2011/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 24 tháng 02 năm 2011
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN MỘT SỐ NGÀNH CÔNG
NGHIỆP HỖ TRỢ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ
chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12 ngày 03 tháng 6
năm 2008;
Căn cứ Luật Công nghệ cao số 21/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Quyết định số 49/2010/QĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2010 của Thủ tướng
Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển
và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quyết định này quy định các chính sách khuyến khích phát triển công
nghiệp hỗ trợ đối với các ngành: cơ khí chế tạo, điện tử - tin học, sản xuất lắp
ráp ô tô, dệt - may, da - giầy và công nghiệp hỗ trợ cho phát triển công nghiệp
công nghệ cao.
2. Đối tượng áp dụng
a) Các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức và cá nhân có liên quan đến
công nghiệp hỗ trợ.
b) Các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Quyết định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Công nghiệp hỗ trợ: là các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu,
phụ tùng linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp
sản xuất, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh là tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm
tiêu dùng.
2. Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ: là sản phẩm của các ngành quy định
tại khoản 1 Điều 1 gồm: vật liệu, phụ tùng, linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm
sản xuất tại Việt Nam để cung cấp cho khâu lắp ráp, sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh.
3. Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ: là dự án đầu tư tại
Việt Nam (kể cả đầu tư mới và đầu tư bổ sung) để sản xuất sản phẩm công nghiệp
hỗ trợ.
Điều 3. Khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ
trợ
1. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân
trong và ngoài nước đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ.
2. Khuyến khích phát triển thị trường
a) Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được quảng cáo, giới thiệu
miễn phí sản phẩm trên Trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương và các Sở Công
Thương.
b) Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên xem xét hỗ
trợ nguồn kinh phí của các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư
theo quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện các chương trình đó.
c) Chủ đầu tư dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho phát triển
công nghiệp công nghệ cao được Nhà nước tạo điều kiện tham gia hình thành mạng
lưới cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo quy định của pháp luật về công nghệ cao,
3. Khuyến khích về hạ tầng cơ sở
a) Các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được ưu tiên hỗ trợ
và dành quỹ đất thích hợp cho dự án về diện tích, vị trí, tiền thuê đất.
b) Các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sử dụng đất trong khu
cụm công nghiệp được sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng, các dịch vụ công cộng
và các dịch vụ khác trong khu, cụm công nghiệp; được hỗ trợ và tạo điều kiện
trong việc tuyển dụng, đào tạo lao động; được hưởng các chính sách hỗ trợ khác
theo quy định tại Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19 tháng 8 năm 2009 của Thủ
tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp.
c) Chủ đầu tư dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ là doanh nghiệp
nhỏ và vừa được hưởng các chính sách khuyến khích về mặt bằng sản xuất theo quy
định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ về
trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
d) Các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho phát triển công
nghiệp công nghệ cao được áp dụng chính sách khuyến khích về đất đai theo quy định
của pháp luật về công nghệ cao.
4. Khuyến khích về khoa học và công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực
a) Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được xem xét, hỗ trợ một
phần kinh phí từ nguồn vốn Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia và các
quỹ khác liên quan đến hoạt động khoa học và công nghệ đối với các chi phí chuyển
giao công nghệ, mua bản quyền thiết kế, mua phần mềm, thuê chuyên gia nước
ngoài.
b) Chủ đầu tư dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ là doanh nghiệp
nhỏ và vừa được hưởng các chính sách khuyến khích nâng cao năng lực công nghệ,
trình độ kỹ thuật và chính sách trợ giúp phát triển nguồn nhân lực theo quy định
của Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ về trợ
giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
c) Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được xem xét hỗ trợ một
phần kinh phí đào tạo nhân lực từ nguồn vôn ngân sách nhà nước theo quy định hiện
hành.
đ) Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho phát, triển công nghiệp
công nghệ cao được áp dụng chính sách khuyến khích về phát triển nguồn nhân lực
theo quy định của pháp luật về công nghệ cao.
5. Về cung cấp thông tin
a) Các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
thông qua Cổng thông tin điện tử thường xuyên cung cấp thông tin cập nhật về
các văn bản pháp luật liên quan đến việc phát triển công nghiệp hỗ trợ và các
chương trình hỗ trợ kỹ thuật của Nhà nước đối với các dự án sản xuất sản phẩm
công nghiệp hỗ trợ.
b) Chủ đầu tư các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ là doanh
nghiệp nhỏ và vừa được hưởng các chính sách về cung cấp thông tin, tư vấn theo
quy định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2009 của Chính phủ
về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
6. Về tài chính
a) Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được
hưởng ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu theo quy định của pháp luật hiện hành về
thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
b) Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ được
xem xét vay một phần vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước theo quy định
hiện hành.
c) Chủ đầu tư các dự án sản xuất sản phẩm công
nghiệp hỗ trợ là doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng các chính sách trợ giúp tài
chính theo quy định tại Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2009 của
Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
d) Dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ
cho phát triển công nghiệp công nghệ cao được xem xét, cho hưởng các chính sách
về thuế theo theo quy định của pháp luật về công nghệ cao.
Điều 4. Ưu đãi phát triển công nghiệp hỗ trợ
Các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm
công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được xem xét áp dụng cơ chế ưu đãi thích
hợp. Chủ đầu tư xây dựng dự án theo quy định hiện hành, trong đó đề xuất cụ thể
các cơ chế ưu đãi thích hợp, trình Hội đồng thẩm định dự án phát triển công
nghiệp hỗ trợ xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Điều 5. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Công Thương:
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành có
liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục sản phẩm công
nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển. Định kỳ rà soát, cập nhật, bổ sung điều chỉnh
Danh mục nêu trên cho phù hợp với yêu cầu phát triển của từng thời kỳ trình Thủ
tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
b) Thành lập Hội đồng thẩm định dự án phát triển công nghiệp hỗ trợ do
Thứ trưởng Bộ Công Thương làm Chủ tịch hội đồng, thành viên gồm đại diện các Bộ:
Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền
thông, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các
Hiệp hội ngành nghe có liên quan để thẩm định dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp
hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan trực
thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương, Thủ trưởng các cơ quan có liên quan, trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ
của mình, chịu trách nhiệm hướng dẫn cụ thể và kiểm tra việc thực hiện Quyết định
này.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc hoặc cần sửa đổi, bổ sung,
điều chỉnh Quyết định này, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh kịp
thời phản ánh với Bộ Công Thương để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem
xét, quyết định.
Điều 6. Hiệu lực thi hành
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 4 năm 2011.
Điều 7. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc
Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,
Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
|
THỦ
TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|