Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 1174/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt Chương trình khuyến công giai đoạn 2010 - 2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành

Số hiệu 1174/QĐ-UBND
Ngày ban hành 29/06/2010
Ngày có hiệu lực 29/06/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Trà Vinh
Người ký Nguyễn Văn Phong
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 1174/QĐ-UBND

Trà Vinh, ngày 29 tháng 6 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH KHUYẾN CÔNG GIAI ĐOẠN 2010 - 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 136/2007/QĐ-TTg ngày 20 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2012;
Căn cứ Chỉ thị số 02/2007/CT-BCT ngày 14 tháng 11 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc triển khai thực hiện Quyết định số 136/2007/QĐ-TTg ngày 20 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ;
Theo Công văn số 7273/BCT-CNĐP ngày 28 tháng 7 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Công thương về việc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khuyến công ở địa phương;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công thương tại Tờ trình số 36/TTr-SCT ngày 27/4/2010 về việc phê duyệt Chương trình khuyến công giai đoạn 2010 - 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình khuyến công giai đoạn 2010 - 2015.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính; Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan cấp tỉnh có liên quan căn cứ quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Phong

 

CHƯƠNG TRÌNH

KHUYẾN CÔNG ĐỊA PHƯƠNG GIAI ĐOẠN 2010 – 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1174/QĐ-UBND ngày 29/6/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh)

Phần I

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG KHUYẾN CÔNG QUA 4 NĂM THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN 2006 - 2009

I. Bộ máy tổ chức và triển khai kế hoạch

Thực hiện nghị định 134/2004/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2004 của Chính Phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh giao Sở Công thương tổ chức triển khai trước hết trong phạm vi ngành và phối hợp với các ngành liên quan để xây dựng kế hoạch thực hiện.

Ngày 08 tháng 11 năm 2005, Ủy ban nhân dân tỉnh có Quyết định số 64/2005/QĐ-UBND về việc thành lập Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp tỉnh Trà Vinh (gọi tắt là Trung tâm khuyến công) trực thuộc Sở Công nghiệp (nay là Sở Công thương) hoạt động chính thức từ ngày 01 tháng 01 năm 2006, với chức năng và nhiệm vụ sau:

- Thực hiện các Đề án khuyến công từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương hàng năm;

- Thực hiện các Đề án khuyến công từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hàng năm do Bộ Công thương giao;

- Thực hiện các dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực hoạt động điện lực như: Thẩm tra, giám sát, thiết kế, lập hồ sơ mời thầu, . . . đối với công trình xây dựng điện với cấp điện áp dưới 35 KV.

Đến ngày 08 tháng 10 năm 2009 Ủy ban nhân dân tỉnh có Quyết định số1871/2009/QĐ-UBND về việc ban hành bổ sung quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp thuộc Sở Công thương.

Trên cơ sở tổng hợp các kế hoạch, đề án khuyến công của các huyện thị, Trung tâm xây dựng kế hoạch hoạt động khuyến công và lập các đề án chi tiết hàng năm gửi Cục Công nghiệp địa phương và Ủy ban nhân dân tỉnh.

Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp có trụ sở làm việc riêng.

II. Kết quả hoạt động khuyến công

1. Công tác khuyến công

a) Hoạt động đào tạo nghề, truyền nghề:

Qua 04 năm thực hiện hoạt động khuyến công và tư vấn, từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, chương trình khuyến công đã tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề cho 3.513 lao động, với tổng kinh phí hỗ trợ 377.668.000 đồng. Kết quả sau khi kết thúc lớp truyền nghề có hơn 65% lao động có việc làm và có thu nhập ổn định từ 700.000 đồng - 1.000.000 đồng/người/tháng. Các ngành nghề được truyền nghề như: Sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu cây lát, lục bình, xơ dừa, dây chuối, dây nhựa đan khung sắt các loại.... Một số sản phẩm có thị trường đầu ra tương đối ổn định như mành tâm tre, các sản phẩm đan trên khung sắt, gỗ mỹ nghệ, tranh ghép lá, ghép gỗ, ....

[...]