Quyết định 3316/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề cương nhiệm vụ Giải pháp phát huy các nguồn lực văn hóa của thành phố Hà Nội trong xây dựng và phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”

Số hiệu 3316/QĐ-UBND
Ngày ban hành 12/09/2022
Ngày có hiệu lực 12/09/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Chử Xuân Dũng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3316/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 12 tháng 9 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ CƯƠNG NHIỆM VỤ GIẢI PHÁP PHÁT HUY CÁC NGUỒN LỰC VĂN HÓA CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI TRONG XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU “THÀNH PHỐ SÁNG TẠO”

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Quyết định số 5199/QĐ-UBND ngày 10/12/2021 của UBND Thành phố về giao chỉ tiêu Kế hoạch Kinh tế - Xã hội và dự toán thu chi ngân sách năm 2022 của thành phố Hà Nội;

Căn cứ Chương trình hành động số 02/CTr-UBND ngày 19/01/2022 của UBND Thành phố về chương trình hành động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH và dự toán ngân sách năm 2022;

Theo đề nghị của Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội tại Tờ trình số 405/TTr-VNC ngày 10/8/2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề cương nhiệm vụ Giải pháp phát huy các nguồn lực văn hóa của thành phố Hà Nội trong xây dựng và phát triển thương hiệu “Thành phố sáng tạo”.

Điều 2. Thời gian và kinh phí thực hiện

- Thời gian hoàn thành: Tháng 12/2022.

- Kinh phí thực hiện: 1.000.000.000 đồng (Một tỷ đồng chẵn), được xác định trên cơ sở Thuyết minh và Dự toán kinh phí nhiệm vụ được phê duyệt. Dự toán kinh phí được áp dụng theo Nghị quyết số 10/2019/NQ-HĐND ngày 04/12/2019 của Hội đồng nhân dân Thành phố về việc quy định một số nội dung, mức chi thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân Thành phố và các quy định hiện hành.

- Nguồn kinh phí đã được bố trí tại Quyết định số 5199/QĐ-UBND ngày 10/12/2021 của UBND Thành phố về việc giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2022 của thành phố Hà Nội giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các Sở, Ban, ngành liên quan và UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện các nội dung công việc được phân công tại Phụ lục kèm theo; tổng hợp, tổ chức nghiệm thu các sản phẩm, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố theo quy định.

Điều 4. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố; Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, Giám đốc Kho bạc Nhà nước Hà Nội; Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 4;
- Thường trực Thành ủy;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Thường trực HĐND Thành phố;
- Phó Chủ tịch UBND Thành phố: Chử Xuân Dũng, Hà Minh Hải;
- VPUB: PCVP P.T.T.Huyền, KGVX, KTTH, TH;
- Lưu: VT, KGVXHg.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Chử Xuân Dũng

 

ĐỀ CƯƠNG

NHIỆM VỤ GIẢI PHÁP PHÁT HUY CÁC NGUỒN LỰC VĂN HÓA CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI TRONG XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU “THÀNH PHỐ SÁNG TẠO”
(Kèm theo Quyết định số
3316/QĐ-UBND ngày 12/9/2022 của UBND thành phố Hà Nội)

I. Sự cần thiết thực hiện Nhiệm vụ

Tháng 10/2019, UNESCO đã công nhận Hà Nội cùng 65 Thành phố khác trên thế giới chính thức gia nhập Mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO. Đây chính là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi để Hà Nội quảng bá hình ảnh cũng như gia tăng cơ hội hợp tác trên mọi lĩnh vực sáng tạo, phát huy sức mạnh tổng hợp của các nguồn lực kinh tế, chính trị, trong đó trọng tâm là nguồn lực văn hóa và giáo dục vì mục tiêu phát triển Thủ đô bền vững. Để cụ thể hóa những ước mơ, khát vọng sáng tạo của Nhân dân Thủ đô, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra một trong những định hướng mục tiêu lớn là: “Chú trọng phát triển văn hóa và con người Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, ngàn năm văn hiến và anh hùng; Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại”.

Sau hơn 2 năm tham gia Mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO. Hà Nội từng bước triển khai các giải pháp, đổi mới: Thành ủy Hà Nội xem xét, thông qua Nghị quyết về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, 42 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Để phát huy, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, Hà Nội đẩy mạnh triển khai xây dựng nhiều công trình, dự án đổi mới, sáng tạo, góp phần hình thành kết cấu hạ tầng hiện đại, phát triển các không gian sáng tạo. Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số lượng không gian sáng tạo, tiêu biểu, như không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố đi bộ Trịnh Công Sơn; không gian bích họa Phùng Hưng, hợp tác xã Vụn Art (tranh ghép vải), dự án Tinh hoa làng nghề Việt Nam, không gian kiến trúc văn hóa Bảo tàng Hà Nội... Trong thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hàng loạt các tổ chức, cá nhân đã thực hiện số hóa dữ liệu, chương trình, các hoạt động văn hóa thông qua internet thu hút được nhiều sự quan tâm, tương tác của công chúng. Hà Nội đang tích cực khai thác, chuyển hóa các nguồn lực văn hóa thành sức mạnh, động lực phát triển Thủ đô.

Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu Thành phố sáng tạo của Hà Nội chưa được như kỳ vọng. Hầu hết sản phẩm sáng tạo của Hà Nội còn thiếu sự độc đáo, thiếu tính ứng dụng và cách thể hiện sống động bản sắc văn hóa. Bên cạnh đó, Thành phố chưa có Trung tâm sáng tạo, chưa có megashow. Mặt khác, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm văn hóa ở Hà Nội mới chủ yếu là các cơ sở sản xuất, kinh doanh với quy mô nhỏ, chưa có các tập đoàn lớn, các tổ hợp đa chức năng. So với các thành phố sáng tạo khác có nền công nghiệp văn hóa phát triển trên thế giới, các hoạt động sáng tạo đang diễn ra ở Hà Nội có khoảng cách khá xa. Có những lĩnh vực thiếu vắng vai trò quản lý nhà nước. Theo kế hoạch, chỉ còn hơn 1 năm nữa, Hà Nội sẽ phải hoàn thành cam kết với UNESCO như trong Hồ sơ khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo ở lĩnh vực thiết kế, song đến nay, nhiều nội dung vẫn chưa được triển khai như: Kiến tạo Trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội; Tổ chức lễ hội thiết kế sáng tạo, diễn đàn mạng lưới Thành phố sáng tạo Đông Nam Á, mạng lưới các nhà sáng tạo trẻ...

[...]