Quyết định 323-TC/TQD năm 1968 về việc ban hành chế độ quản lý tài chính hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 323-TC/TQD
Ngày ban hành 06/08/1968
Ngày có hiệu lực 06/08/1968
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trịnh Văn Bính
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Kế toán - Kiểm toán,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH

 

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

Số: 323-TC/TQD

Hà Nội, ngày 06 tháng 8 năm 1968

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH HỢP TÁC XÃ TIỂU CÔNG NGHIỆP, THỦ CÔNG NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 197-CP ngày 07/11/1961 của Hội đồng Chính phủ  quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị quyết số 100-CP ngày 03/07/1968 của Hội đồng Chính phủ về nguyên tắc quản lý tài chính hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp và giao trách nhiệm cho Bộ Tài chính ban hành chế độ quản lý tài chính hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban hành chế độ quản lý tài chính hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, nhằm giúp hợp tác xã tăng cường quản lý kinh tế - tài chính, đẩy mạnh phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm, mở rộng xây dựng cơ sở vật chất, cải thiện từng bước đời sống xã viên, củng cố mối quan hệ sản xuất tập thể xã hội chủ nghĩa.

Điều 2. Chế độ quản lý tài chính hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp áp dụng cho tất các hợp tác xã tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp.

Các hợp tác xã nghề cá, nghề muối, nghề vận tải… có chế độ quản lý tài chính riêng.

Điều 3. Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn việc thực hiện chế độ quản lý tài chính hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, cho phù hợp với trình độ phát triển tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, với đặc điểm các ngành nghề sản xuất, kinh doanh và trình độ tổ chức của hợp tác xã ở địa phương; lãnh đạo Ủy ban hành chính cấp dưới và phối hợp các ngành liên quan của tỉnh, thành phố thường xuyên kiểm tra, giúp đỡ hợp tác xã  thực hiện chế độ quản lý tài chính của Nhà nước; nâng cao không ngừng trình độ quản lý tài chính trong hợp tác xã.

Điều 4. Căn cứ vào chế độ quản lý tài chính hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, Ủy ban hành chính các khu tự trị, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định chế độ quản lý tài chính thích hợp đối với các hợp tác xã  cung tiêu, các tổ sản xuất thủ công nghiệp.

Căn cứ vào chế độ quản lý tài chính hợp tác xã nông nghiệp và chế độ quản lý tài chính hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, Ủy ban hành chính các khu tự trị, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định chế độ quản lý tài chính thích hợp cho bộ phận sản xuất thủ công nghiệp trong hợp tác xã  nông nghiệp.

Điều 5. Chế độ quản lý tài chính hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp bắt đầu thi hành từ ngày ban hành. Những điều quy định trước đây về quản lý tài chính hợp tác xã  tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp trái với chế độ này đều bãi bỏ.

 

 

KT. BỘ TRƯỎNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Trịnh Văn Bính

CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH HỢP TÁC XÃ TIỂU CÔNG NGHIỆP, THỦ CÔNG NGHIỆP

Chương 1.

NHIỆM VỤ CÔNG TÁC QUẢN LÝ TÀI CHÍNH VÀ NGUYÊN TẮC QUẢN LÝ TÀI CHÍNH TRONG HỢP TÁC XÃ TIỂU CÔNG NGHIỆP VÀ THỦ CÔNG NGHIỆP

Điều 1. Tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp giữ vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Phát triển tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp là một chính sách lớn và lâu dài trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; đồng thời là một yêu cầu cấp thiết trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước hiện nay, nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương, phục vụ chiến đấu và bảo đảm đời sống nhân dân.

Hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp là tổ chức kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa do xã viên làm chủ. Được sự giúp đỡ to lớn của Nhà nước, hợp tác xã phải ra sức phát huy tinh thần làm chủ tập thể, ý thức tự lực cánh sinh, cần kiệm xây dựng hợp tác xã, phải tiến hành sản xuất, kinh doanh, phân phối theo đường lối, chính sách của đảng và Nhà nước, phải tổ chức quản lý theo nguyên tắc quản lý xã hội chủ nghĩa.

Trong công tác quản lý hợp tác xã, quản lý tài chính có vị trí quan trọng; nó nhằm mục đích phục vụ và thúc đẩy phát triển sản xuất, thực hành tiết kiệm, phục vụ đời sống của xã viên, bảo đảm nghĩa vụ đối với Nhà nước, tăng cường quản lý hợp tác xã và củng cố quan hệ sản xuất tập thể xã hội chủ nghĩa.

Điều 2. Công tác quản lý tài chính hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp có những nhiệm vụ sau đây:

- Động viên mọi nguồn vốn của hợp tác xã để đảm bảo duy trì và mở  rộng sản xuất, quản lý chặt chẽ, phân phối và sử dụng vốn hợp lý, tiết kiệm, ngăn ngừa lãng phí, tham ô, nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao nhất với mức hao phí ít nhất;

- Thực hiện phân phối thu nhập của hợp tác xã, bảo đảm nghĩa vụ đối với Nhà nước đồng thời bảo đảm tích lũy thích đáng cho hợp tác xã, bảo đảm thu nhập hợp lý và phúc lợi tập thể của xã viên, theo đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước;

- Bảo vệ tốt tài sản của hợp tác xã và của Nhà nước, không ngừng củng cố và tăng cường cơ sở vật chất và kỹ thuật của hợp tác xã và sử dụng các tài sản đó vào sản xuất, kinh doanh với hiệu quả kinh tế cao;

- Bảo đảm chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách, chế độ bảo quản lý kinh tế - tài chính của Đảng và của Nhà nước trong hợp tác xã;

- Giám đốc chặt chẽ mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, phân phối của hợp tác xã, nhằm thúc đẩy sản xuất, giúp hợp tác xã tăng cường quản lý, thực hành tiết kiệm, phân phối thu nhập cho hợp lý, bảo vệ quyền lợi của hợp tác xã và của xã viên củng cố mối quan hệ sản xuất tập thể xã hội chủ nghĩa.

Điều 3. Quản lý tài chính hợp tác xã phải vừa đảm bảo quyền làm chủ tập thể của hợp tác xã và xã viên, vừa bảo đảm quyền lãnh đạo tập trung và quản lý thống nhất của Nhà nước; phải quán triệt những nguyên tắc sau:

- Quản lý dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ tập thể của hợp tác xã và xã viên;

- Quản lý theo đúng chính sách, chế độ của Nhà nước, nội quy của hợp tác xã;

[...]