Nghị quyết số 100-CP về nguyên tắc quản lý tài chính hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp do Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu 100-CP
Ngày ban hành 03/07/1968
Ngày có hiệu lực 18/07/1968
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Nguyễn Duy Trinh
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Tài chính nhà nước

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

 VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 100-CP

Hà Nội, ngày 03 tháng 07 năm 1968 

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NGUYÊN TẮC QUẢN LÝ TÀI CHÍNH HỢP TÁC XÃ TIỂU CÔNG NGHIỆP, THỦ CÔNG NGHIỆP

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Hội đồng Chính phủ trong phiên họp Hội nghị thường vụ ngày 15-02-1968, sau khi nghe báo cáo của Bộ Tài chính, quyết định nguyên tắc quản lý tài chính hợp tác xã công nghiệp, thủ công nghiệp như sau:

I. NHIỆM VỤ VÀ NGUYÊN TẮC QUẢN LÝ TÀI CHÍNH HỢP TÁC XÃ TIỂU CÔNG NGHIỆP, THỦ CÔNG NGHIỆP.

Tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp giữ vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Phát triển tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp là một chính sách lớn và lâu dài trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; đồng thời đó là yêu cầu cấp thiết trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước hiện nay, nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương, phục vụ chiến đáu và bảo đảm đời sống nhân dân.

Hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp là một tổ chức kinh tế độc lập xã hội chủ nghĩa do xã viên làm chủ. Được sự giúp đỡ to lớn của Nhà nước, hợp tác xã phải ra sức phát huy tinh thần tập thể, ý thức tự lực cánh sinh, cần kiệm xây dựng hợp tác xã, phải tiến hành sản xuất, kinh doanh, phân phối theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; phải tổ chức quản lý theo nguyên tắc quản lý xã hội chủ nghĩa.

Trong công tác quản lý hợp tác xã, quản lý tài chính có vị trí rất quan trọng; nó nhằm mục đích phục vụ và thúc đẩy phát triển sản xuất, phục vụ đời sống của xã viên, bảo đảm nghĩa vụ đối với Nhà nước, tăng cường quản lý hợp tác xã và củng cố quan hệ sản xuất tập thể xã hội chủ nghĩa.

Nhằm mục đích đó, quản lý tài chính hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp có những nhiệm vụ như sau:

1. Động viên mọi nguồn vốn trong hợp tác xã, sử dụng các nguồn vốn ấy một cách hợp lý và tiết kiệm;

2. Phân phối thu nhập của hợp tác xã theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước;

3. Bảo vệ tốt tài sản của hợp tác xã và của Nhà nước, sử dụng tài sản vào sản xuất và kinh doanh với hiệu quả kinh tế cao;

4. Bảo đảm chấp hành nghiêm chỉnh các chính sách, chế độ quản lý kinh tế, tài chính của Nhà nước trong hợp tác xã;

5. Giám đốc chặt chẽ mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, phân phối của hợp tác xã;

Quản lý tài chính hợp tác xã phải vừa bảo đảm quyền làm chủ tập thể của hợp tác xã và xã viên, vừa đảm bảo quyền lãnh đạo tập trung và quản lý thống nhất của Nhà nước. Phải quán triệt những nguyên tắc sau:

1. Quản lý dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ tập thể của hợp tác xã và xã viên;

2. Quản lý theo đúng chính sách, chế độ của Nhà nước, nội quy của hợp tác xã;

3. Quản lý thống nhất, có kế hoạch, và theo chế độ hạch toán kinh tế;

4. Kết hợp đúng đắn lợi ích của Nhà nước, lợi ích của hợp tác xã và lợi ích xã viên.

II. NỘI DỤNG QUẢN LÝ TÀI CHÍNH HỢP TÁC XÃ TIỂU CÔNG NGHIỆP, THỦ CÔNG NGHIỆP.

1. Hợp tác xã cần thực hiện chế độ hạch toán kinh tế: bảo đảm bù đắp đủ các hao phí vật chất, các chi phí quản lý của hợp tác xã, kinh doanh có lãi và không ngừng tăng thu nhập của hợp tác xã và của xã viên.

Các hoạt động sản xuất, kinh doanh phân phối của hợp tác xã được tiến hành có kế hoạch. Hợp tác xã phải lập kế hoạch tài chính; kế hoạch tài chính phải được và có tác dụng kiểm tra các mặt cân đối của kế hoạch sản xuất, kinh doanh, phân phối.

Thu, chi tài chính phải kịp thời phục vụ các nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, phân phối của hợp tác xã, phải quán triệt nguyên tắc, chính sách, chế độ tài chính của Nhà nước và phải theo đúng nội quy của hợp tác xã.

2. Hợp tác xã căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh mà tiến hành phân phối thu nhập, bảo đảm ba mặt:

- Làm đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước theo đúng chính sách, chế độ;

- Tăng tích lũy của hợp tác xã để xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật và tăng thêm vốn sản xuất, kinh doanh.

- Phân phối thu nhập cho xã viên một cách công bằng, hợp lý, dân chủ, nâng dần phúc lợi tập thể, từng bước cải thiện đời sống và giải quyết các yêu cầu về bảo hiểm xã cho xã viên.

Gặp trường hợp sản xuất, kinh doanh có nhiều khó khăn, thu nhập quá thấp, thì hợp tác xã dành phần thu nhập cần thiết và động viên khả năng trong nội bộ để bảo đảm đời sống cho xã viên, tùy tình hình cụ thể hợp tác xã có thể được Nhà nước giúp đỡ như giảm thuế, miễn thuế, hoặc hoãn trả nợ ngân hàng… theo chính sách, chế độ hiện hành.

[...]