Quyết định 317/QĐ-UBND năm 2016 về công nhận, công bố và giao trách nhiệm ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học do tỉnh Vĩnh Long ban hành

Số hiệu 317/QĐ-UBND
Ngày ban hành 16/02/2016
Ngày có hiệu lực 16/02/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Long
Người ký Lữ Quang Ngời
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 317/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 16 tháng 02 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC CÔNG NHẬN, CÔNG BỐ VÀ GIAO TRÁCH NHIỆM ỨNG DỤNG KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ, ngày 18/6/2013;

Căn cứ Nghị định số 08/2014/NĐ-CP, ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Quyết định số 17/2010/QĐ-UBND, ngày 09/7/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế quản lý đề tài, dự án khoa học và công nghệ tỉnh Vĩnh Long;

Xét Tờ trình số 21/TTr-SKHCN, ngày 11/01/2016 của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ về việc công nhận, công bố và giao trách nhiệm ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Công nhận và cho phép công bố kết quả 11 đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp tỉnh.

(Kèm theo nội dung chi tiết kết quả 11 đề tài nghiên cứu khoa học).

Điều 2. Các tổ chức chủ trì và cá nhân chủ nhiệm 11 đề tài nêu trên có trách nhiệm phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Sản phẩm đề tài được quản lý đúng theo các quy định của Nhà nước.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Sở Tài chính, các tổ chức chủ trì và cá nhân chủ nhiệm đề tài có tên tại Điều 1 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lữ Quang Ngời

 

KẾT QUẢ 11 ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP TỈNH

(Ban hành kèm theo Quyết định số 317/QĐ-UBND, ngày 16/02/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long)

ĐỀ TÀI 1:

1

Tên đề tài: Nghiên cứu xây dựng mô hình ứng dụng chất keo tụ tích điện nhằm nâng cao hiệu quả quá trình xử lý nước thải có chứa độ đục và hàm lượng chất rắn lơ lửng cao.

2

Cơ quan chủ trì: Trung tâm Công nghệ môi trường (ENTEC).

3

Chủ nhiệm đề tài: PGS.TS. Phùng Chí Sỹ

4

Ngày nghiệm thu: 28/9/2015 xếp loại: Khá

5

Kết quả và sản phẩm chính:

- Điều tra khảo sát khả năng áp dụng chất keo tụ tích điện đối với các nguồn nước và nước thải có độ đục và hàm lượng chất rắn lơ lửng cao: Tập trung đánh giá hiện trạng và tiềm năng áp dụng chất keo tụ tích điện để xử lý ô nhiễm nước mặt ao hồ, kênh rạch; nước thải từ các ao nuôi cá tra; nước thải sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, chủ yếu ô nhiễm do độ đục và chất rắn lơ lửng cao.

- Lập danh mục các nguồn nước và nước thải có độ đục và hàm lượng chất rắn lơ lửng cao có khả năng xử lý bằng chất keo tụ tích điện.

- Đánh giá hiệu quả của chất keo tụ tích điện và đề xuất công nghệ xử lý nước thải có độ đục và hàm lượng chất rắn lơ lửng cao:

+ Thực hiện các thí nghiệm trong phòng đánh giá hiệu quả của chất keo tụ tích điện trong xử lý nước thải có độ đục và hàm lượng chất rắn lơ lửng cao.

+ Đề xuất công nghệ xử lý nước mặt có độ đục và hàm lượng chất rắn lơ lửng cao (thực hiện thí điểm tại Trạm cấp nước xã Thạnh Quới, huyện Long Hồ có công suất 10.000 m3/ngày đêm, lấy từ nguồn nước sông Cổ Chiên).

+ Đề xuất công nghệ xử lý nước thải ao nuôi cá tra có độ đục và hàm lượng chất rắn lơ lửng cao (thực hiện thí điểm tại hộ Trần Văn Chiến, ấp Tân Thạnh, xã Tân Hội, thành phố Vĩnh Long, diện tích ao 5.000 m2, nguồn nước lấy từ sông Cổ Chiên và cũng thải ra sông Cổ Chiên, khoảng 5.000 m3/ngày).

+ Đề xuất công nghệ xử lý nước thải sản xuất gạch ngói, gốm có độ đục và hàm lượng chất rắn lơ lửng cao (thực hiện thí điểm tại cơ sở sản xuất gạch Tân Tạo, xã An Phước, huyện Măng Thít; công suất 200.000 viên/năm).

- Đề xuất biện pháp nhân rộng kết quả đề tài: Các giải pháp về quản lý, kinh tế, kỹ thuật, hợp tác quốc tế nhằm phát huy, nhân rộng kết quả đề tài (trong lĩnh vực cấp nước, xử lý nước thải nuôi trồng thủy sản, nước thải sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp); Đánh giá bước đầu khả năng chế tạo chất keo tụ tích điện có tính năng tương tự trên cơ sở vật liệu tại Việt Nam, điều kiện của tỉnh Vĩnh Long (khả năng về pháp lý, về nguyên vật liệu, nhân công, về công nghệ, khoa học kỹ thuật và cơ sở vật chất).

* Sản phẩm chính:

- Công nghệ xử lý nước mặt ao hồ, kênh rạch đạt quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước ăn, uống đối với chỉ tiêu độ đục, chất rắn lơ lửng (QCVN 01: 2009/BYT).

 

- Công nghệ xử lý nước thải ao nuôi cá tra đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt bảo vệ đời sống thủy sinh đối với chỉ tiêu độ đục, chất rắn lơ lửng (QCVN 38:2011/BTNMT).

- Công nghệ xử lý nước thải sản xuất gạch ngói, gốm đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp đối với chỉ tiêu độ đục, chất rắn lơ lửng (QCVN 40:2011/BTNMT, cột A).

- Giải pháp ứng dụng và phát huy kết quả nghiên cứu của đề tài.

- Báo cáo khoa học tổng kết đề tài.

6

Trách nhiệm tổ chức ứng dụng kết quả:

- Đơn vị có trách nhiệm chuyển giao và phối hợp tổ chức ứng dụng kết quả: Trung tâm công nghệ môi trường - ENTEC (Cơ quan chủ trì đề tài), PGS.TS. Phùng Chí Sỹ (chủ nhiệm đề tài);

- Đơn vị có trách nhiệm chính tổ chức ứng dụng kết quả nghiên cứu và báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (thông qua Sở Khoa học và Công nghệ): Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long.

 

ĐỀ TÀI 2:

1

Tên đề tài: Chiến lược Marketing (về tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội) địa phương tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020.

2

Cơ quan chủ trì: Đại học Tài chính - Marketing.

3

Chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Văn Hiến

4

Ngày nghiệm thu: 29/9/2015 Xếp loại: Khá

5

Kết quả và sản phẩm chính:

- Nghiên cứu cơ sở lý luận về Marketing địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, các mô hình chiến lược Marketing địa phương, kinh nghiệm vận dụng Marketing địa phương trong và ngoài nước, bài học kinh nghiệm về Marketing địa phương cho tỉnh Vĩnh Long.

- Khảo sát, nhận diện các giá trị về tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội và thực trạng marketing địa phương tỉnh Vĩnh Long trên các lĩnh vực: xúc tiến thương mại và đầu tư, xuất khẩu, văn hóa, du lịch, y tế, nguồn nhân lực, dân cư và doanh nghiệp.

- Đánh giá những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của tỉnh Vĩnh Long trong điều kiện phát triển sắp tới trên các lĩnh vực: Xúc tiến thương mại và đầu tư, xuất khẩu, văn hóa, du lịch, y tế, nguồn nhân lực, dân cư và doanh nghiệp.

- Định hướng chiến lược, xây dựng các mô hình chiến lược marketing địa phương tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020 trên các lĩnh vực: Xúc tiến thương mại và đầu tư, xuất khẩu, văn hóa, du lịch, y tế, nguồn nhân lực, dân cư và doanh nghiệp.

- Đề xuất giải pháp thực hiện chiến lược marketing địa phương tỉnh Vĩnh Long; giải pháp nâng cao chỉ số PCI của tỉnh.

- Tổ chức phổ biến kiến thức cơ bản về marketing địa phương cho cán bộ, công chức, viên chức tỉnh và phổ biến trên phương tiện thông tin đại chúng (tổ chức hội thảo khoa học cấp tỉnh, tổ chức chương trình tọa đàm trên Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long, tập huấn phổ biến kiến thức, xuất bản ấn phẩm tuyên truyền).

* Sản phẩm chính:

- Báo cáo khoa học tổng hợp kết quả đề tài.

- Các Mô hình chiến lược và quy trình marketing địa phương tỉnh Vĩnh Long đến 2020: Về thu hút khách du lịch; về dân cư và thu hút lao động; về nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; về thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm của tỉnh.

Báo cáo khuyến nghị khoa học về ý tưởng chiến lược Marketing địa phương tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020 (nhằm xây dựng ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Vĩnh Long).

- 1.000 ấn phẩm tuyên truyền phổ biến kiến thức Marketing (Tài liệu hỏi đáp); 01 tài liệu tập huấn chuyển giao kiến thức về marketing.

- Chương trình tọa đàm phổ biến kiến thức Marketing địa phương trên Truyền hình Vĩnh Long chuyên mục “Chuyện hôm nay”.

6

Trách nhiệm tổ chức ứng dụng kết quả:

- Đơn vị có trách nhiệm chuyển giao và tổ chức ứng dụng kết quả: Đại học Tài chính - Marketing (Cơ quan chủ trì đề tài), TS. Nguyễn Văn Hiến (chủ nhiệm đề tài);

- Đơn vị có trách nhiệm chính tổ chức ứng dụng kết quả nghiên cứu và báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (thông qua Sở Khoa học và Công nghệ): Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long.

 

ĐỀ TÀI 3:

1

Tên đề tài: Hoàn thiện mô hình mỗi làng một sản phẩm (OVOP) đối với bánh tráng Cù Lao Mây tại xã Lục Sỹ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long

2

Cơ quan chủ trì: Viện Năng suất Việt Nam

3

Chủ nhiệm đề tài: ThS.Nguyễn Thu Hiền (trước là ThS.Phạm Trường Sơn)

4

Ngày nghiệm thu: 30/9/2015 xếp loại: Khá

5

Kết quả và sản phẩm chính:

- Nghiên cứu cơ sở lý thuyết và thực tiễn của việc hoàn thiện mô hình “mỗi làng một sản phẩm (OVOP)” đối với bánh tráng Cù Lao Mây, xã Lục Sỹ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long.

- Đánh giá thực trạng làng nghề bánh tráng Cù Lao Mây và hướng triển khai, hoàn thiện mô hình OVOP.

- Xây dựng và thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực tổ chức sản xuất và quản lý mô hình Hợp tác xã Bánh tráng Cù Lao Mây:

+ Ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ, các công cụ nâng cao năng suất chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm bánh tráng Cù Lao Mây;

+ Nghiên cứu và triển khai các giải pháp đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, bao bì, tiếp thị sản phẩm, mở rộng các kênh tiêu thụ trên thị trường cho 03 nhóm sản phẩm: Bánh tráng nướng, bánh tráng ngọt, bánh tráng nem (sản phẩm đã được siêu thị Coop.Mart Vĩnh Long chấp nhận); xây dựng cơ chế hợp tác giữa làng nghề và các nhà bán lẻ.

- Đánh giá hiệu quả mô hình trước và sau áp dụng. Đề xuất giải pháp duy trì và giải pháp nhân rộng mô hình.

- Tổ chức các Hội thảo khoa học thu thập ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, nhà kỹ thuật, hộ dân làng nghề.... trong việc đánh giá hiệu quả mô hình và đề xuất các giải pháp duy trì, nhân rộng mô hình.

- Đề tài đã đưa ra các phương pháp nghiên cứu mô hình OVOP, xuất phát từ Nhật Bản và đã có thực tế áp dụng thành công tại một số nước trong khu vực châu Á và châu Phi như một giải pháp phát triển sản xuất và nâng cao mức tăng trưởng của các tỉnh có mức đóng góp lớn của sản xuất nông nghiệp. Mô hình được áp dụng cho địa chỉ cụ thể, từ đó rút ra cách tiếp cận và khả năng nhân rộng đối với riêng địa phương được áp dụng cũng như trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Đề tài giúp hoàn thiện mô hình OVOP đối với bánh tráng Cù Lao Mây, xã Lục Sỹ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long; Đề xuất phương án quảng bá và nhân rộng mô hình OVOP phù hợp với điều kiện của tỉnh; Đưa ra các giải pháp tận dụng những điểm mạnh và cơ hội, khắc phục và cải thiện điểm yếu, đối phó chủ động với các thách thức trong quá trình xây dựng mô hình OVOP; Nâng cao tinh thần tự chủ và sáng tạo của Hợp tác xã và làng nghề, giúp cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của Hợp tác xã và làng nghề phát triển bền vững, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân địa phương;

Kết quả nghiên cứu để tái tạo cơ sở để tỉnh đưa ra các chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn Vĩnh Long phù hợp trong tương lai.

* Sản phẩm chính:

- Báo cáo khoa học tổng hợp kết quả đề tài.

- Báo cáo xây dựng Mô hình hoàn thiện “mỗi làng một sản phẩm” đối với làng nghề bánh tráng Cù Lao Mây, xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn;

 

- Báo cáo đề xuất các giải pháp duy trì và nhân rộng mô hình (phương án duy trì kết quả của Hợp tác xã để phát triển bền vững gắn với chính sách phát triển địa phương; Duy trì kết quả áp dụng mô hình OVOP tại Hợp tác xã Bánh tráng Cù Lao Mây; phương án quảng bá và mở rộng mô hình OVOP; phương án mở rộng mô hình trong khuôn khổ Hợp tác xã và xã Lục Sỹ Thành; phương án mở rộng mô hình trong tỉnh Vĩnh Long; các khó khăn vướng mắc cần được giải quyết để có thể duy trì và phát triển mô hình);

- Tài liệu đào tạo cho các hộ sản xuất về các giải pháp xây dựng mô hình mỗi làng một sản phẩm;

Hồ sơ Hợp tác xã làng nghề bánh tráng Cù Lao Mây (giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Cù Lao Mây; giấy chứng nhận sử dụng mã số mã vạch 8938509269; Hồ sơ công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; biên bản nhận hỗ trợ 07 máy ép hút chân không từ đề tài).

6

Trách nhiệm tổ chức ứng dụng kết quả:

Đơn vị có trách nhiệm chuyển giao và tổ chức ứng dụng kết quả: Viện Năng suất Việt Nam (Cơ quan chủ trì đề tài), ThS. Nguyễn Thu Hiền (chủ nhiệm đề tài);

Đơn vị có trách nhiệm chính tổ chức ứng dụng kết quả nghiên cứu và báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (thông qua Sở Khoa học và Công nghệ): Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long.

 

[...]