Quyết định 3013/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững kinh tế xã hội tỉnh Thái Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
Số hiệu | 3013/QĐ-UBND |
Ngày ban hành | 15/12/2014 |
Ngày có hiệu lực | 15/12/2014 |
Loại văn bản | Quyết định |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Thái Bình |
Người ký | Phạm Văn Sinh |
Lĩnh vực | Thương mại |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3013/QĐ-UBND |
Thái Bình, ngày 15 tháng 12 năm 2014 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Quyết định số 733/QĐ-TTg ngày 17/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thái Bình đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020;
Căn cứ Quyết định số 795/QĐ-TTg ngày 23/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2020;
Căn cứ Nghị Quyết số 32/NQ-HĐND ngày 5/12/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình về việc thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững kinh tế xã hội tỉnh Thái Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Báo cáo thẩm định số 01/BC-HĐTĐ ngày 28/11/2014 của Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững kinh tế xã hội tỉnh Thái Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 305/TTr-SKHĐT ngày 12/12/2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững kinh tế xã hội tỉnh Thái Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, với những nội dung chính như sau:
1. Quan điểm phát triển theo hướng bền vững
- Tiếp tục xây dựng và phát triển nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng hợp lý, rút ngắn khoảng cách của tỉnh Thái Bình so với Vùng, trở thành tỉnh phát triển ở mức khá trong vùng Nam Đồng bằng Sông Hồng; trong đó trọng tâm phát triển bền vững là đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn sản xuất và tiêu dùng bền vững, phát triển công nghiệp thân thiện môi trường, bảo đảm an ninh lương thực.
- Tái cơ cấu kinh tế, tập trung phát triển các ngành có lợi thế cạnh tranh. Đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế biển, phát triển nông nghiệp công nghệ cao coi đây là khâu bứt phá để chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; hình thành rõ nét những sản phẩm mũi nhọn, những vùng động lực của tỉnh.
- Chú trọng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện năng suất lao động xã hội, ổn định quy mô dân số, chăm lo sức khỏe cộng đồng.
- Tăng trưởng, phát triển kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội; giảm chênh lệch về mức sống giữa khu vực nông thôn và thành thị.
- Gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, hài hòa giữa lợi ích kinh tế với lợi ích môi trường sinh thái, giữ gìn môi trường, môi sinh trong sạch cho những năm sau.
- Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh chính trị.
2. Mục tiêu phát triển
- Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 8,5%/năm trở lên, trong đó nông, lâm, ngư nghiệp: 2,5-3,0%/năm; công nghiệp - xây dựng: 13-14%/năm và dịch vụ: 9-10%/năm; giai đoạn 2021-2030 khoảng 7,5%/năm trở lên, trong đó nông, lâm, ngư nghiệp: 2-2,5%/năm; công nghiệp - xây dựng: 9,0-9,5%/năm và dịch vụ: 7,5-8,0%/năm.
- Cơ cấu kinh tế đến năm 2020: tỷ trọng ngành nông, lâm, ngư nghiệp chiếm khoảng 24-26%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 39-41% và dịch vụ chiếm khoảng 34-36%. Định hướng đến năm 2030, tương ứng khoảng 17- 18%; 46-47% và 37-38%.
- Kim ngạch xuất khẩu đến năm 2020 đạt 2.000 triệu USD trở lên. Giá trị xuất khẩu bình quân đầu người đạt 1.000-1.100 USD trở lên. Định hướng đến năm 2030 kim ngạch xuất khẩu đạt trên 6.500 triệu USD.
- Tăng thu ngân sách nhằm đảm bảo chủ động các nhiệm vụ chi của tỉnh và từng bước phấn đấu để có tích lũy cho nền kinh tế. Phấn đấu đến năm 2020 tổng thu nội địa đạt từ 4.100 tỷ đồng trở lên, tăng bình quân trên 8%/năm.
- Tốc độ tăng dân số bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 0,06%/năm. Định hướng giai đoạn 2021-2030 tăng dân số bình quân đạt 0,05%/năm
- Đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 70%, trong đó đào tạo nghề khoảng 56,5%. Định hướng đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 85%, đào tạo nghề 70-75%.
- Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) bình quân mỗi năm giảm 1% trở lên.