Thứ 3, Ngày 29/10/2024

Quyết định 30/2001/QĐ-BGDĐT về Quy chế trường thực hành sư phạm phục vụ công tác đào tạo giáo viên trung học phổ thông của các trường đại học sư phạm, khoa sư phạm trong các trường đại học khác do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Số hiệu 30/2001/QĐ-BGDĐT
Ngày ban hành 30/07/2001
Ngày có hiệu lực 30/07/2001
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Giáo dục và Đào tạo
Người ký Nguyễn Minh Hiển
Lĩnh vực Giáo dục

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 30/2001/QĐ-BGD&ĐT

Hà Nội, ngày 30 tháng 7 năm 2001

 

QUY CHẾ

TRƯỜNG THỰC HÀNH SƯ PHẠM PHỤC VỤ CÔNG TÁC ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN TRUNG HỌC PHỔ THÔNG CỦA CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, KHOA SƯ PHẠM TRONG CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHÁC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 30/2001/QĐ-BGD&ĐT ngày 30 tháng 7 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Trường thực hành sư phạm phục vụ công tác đào tạo giáo viên trung học phổ thông của các trường đại học sư phạm hoặc khoa sư phạm trong các trường đại học khác là trường trung học phổ thông, thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, loại hình công lập hoặc bán công, được giao thêm nhiệm vụ tổ chức các hoạt động thực hành sư phạm theo quy định của Quy chế này. (Trong văn bản này, các trường đại học sư phạm, khoa sư phạm trong các trường đại học khác được gọi chung là các trường đại học sư phạm)

Tổ chức và hoạt động của trường thực hành sư phạm tuân theo quy chế này và những quy định chung của Điều lệ Trường trung học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành theo quyết định số 23/2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 11/7/2000.

Điều 2. Mỗi trường đại học sư phạm phải có ít nhất một trường thực hành sư phạm có quy mô phù hợp với yêu cầu thực hành sư phạm.

Điều 3. Trường thực hành sư phạm phải có các điều kiện :

1. Là trường tiên tiến  của địa phương

2. Có quy mô và chất lượng đáp ứng yêu cầu thực hành sư phạm;

3. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên có năng lực chuyên môn nghiệp vụ, có cơ cấu phù hợp để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ thực hành sư phạm;

4. Cơ sở vật chất, trang thiết bị và tài chính đảm bảo yêu cầu của nhiệm vụ  thực hành sư phạm;

5. Có vị trí thuận tiện cho sinh viên trường đại học sư phạm thường xuyên đến thực hành sư phạm.

Điều 4. Trường thực hành sư phạm được Nhà nước, các cấp quản lí giáo dục và trường đại học sư phạm ưu tiên đầu tư các điều kiện về đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị, tài chính, tài liệu, sách giáo khoa để bảo đảm chất lượng giáo dục trung học phổ thông và thực hành sư phạm

Chương II

HOẠT ĐỘNG CỦA TRƯỜNG THỰC HÀNH SƯ PHẠM

Điều 5. Hoạt động của trường thực hành sư phạm bao gồm hoạt động giáo dục, hoạt động thực hành sư phạm, hoạt động nghiên cứu khoa học giáo dục.

Điều 6. Hoạt động giáo dục ở trường thực hành sư phạm thực hiện theo các quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo và hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo đối với hoạt động giáo dục ở trường trung học phổ thông.

Điều 7. Hoạt động thực hành sư phạm thực hiện theo kế hoạch hằng năm. Kế hoạch hoạt động thực hành sư phạm hằng năm được xây dựng căn cứ vào kế hoạch thực hành sư phạm của trường đại học sư phạm, biên chế năm học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hướng dẫn nhiệm vụ năm học của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Với các trường thực hành sư phạm được thành lập theo Điều 16 của Quy chế này, kế hoạch hoạt động thực hành sư phạm sẽ do Hiệu trưởng trường đại học sư phạm và Hiệu trưởng trường thực hành sư phạm cùng xây dựng.

Với các trường thực hành sư phạm được thành lập theo Điều 17 của Quy chế này, kế hoạch hoạt động thực hành sư phạm sẽ do Hiệu trưởng trường thực hành sư phạm xây dựng và Hiệu trưởng đại học sư phạm phê duyệt.

Trong trường hợp cần có sự điều chỉnh hoặc bổ sung kế hoạch hoạt động, Hiệu trưởng trường đại học sư phạm sẽ quyết định trên cơ sở thống nhất với  Hiệu trưởng trường thực hành sư phạm.

Trường thực hành sư phạm và trường đại học sư phạm có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ để tổ chức, chỉ đạo và quản lý các hoạt động thực hành sư phạm của sinh viên theo kế hoạch đã định.

Điều 8. Nội dung thực hành sư phạm trong trường thực hành bao gồm:

1. Tìm hiểu đối tượng và môi trường giáo dục của trường trung học phổ thông;

2. Quan sát, tìm hiểu các hoạt động giáo dục ở các khối lớp trong trường trung học phổ thông;

3. Tìm hiểu và thực hành các khâu chuẩn bị dạy học, các hoạt động giáo dục trong và ngoài giờ lên lớp, các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ  của giáo viên trường trung học phổ thông;

4. Dự một số hoạt động mẫu về dạy học và giáo dục của giáo viên trường trung học phổ thông;

[...]