Quyết định 26/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

Số hiệu 26/QĐ-UBND
Ngày ban hành 05/01/2013
Ngày có hiệu lực 05/01/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Phúc
Người ký Phùng Quang Hùng
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại,Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/QĐ-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 05 tháng 01 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH NGHỀ TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP VĨNH PHÚC ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

UỶ BAN NHÂN DÂN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND các cấp ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006;

Căn cứ Thông tư số 03/2008/TT-BKH ngày 01/7/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006;

Căn cứ Quyết định số 2191/QĐ-CT ngày 16/7/2009 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc V/v phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí lập Quy hoạch phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp Vĩnh Phúc đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Theo đề nghị của Sở Công thương tại Tờ trình số 257/TTr-SCT ngày 23/10/2012 và đề nghị phê duyệt Quy hoạch phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với những nội dung chủ yếu như sau:

I. Quan điểm phát triển

- Phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp là trách nhiệm của toàn dân dưới sự hỗ trợ và quản lý của nhà nước; phải huy động mọi nguồn lực để đảm bảo phát triển bền vững và ổn định;

- Quy hoạch phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đặt trong mối quan hệ tương hỗ với quy hoạch phát triển các ngành, quy hoạch đô thị, kết hợp hài hòa nhiều loại hình kinh tế với công nghệ, thiết bị thích hợp, kết hợp hiện đại với truyền thống, thiết bị tiên tiến với tay nghề thủ công, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm;

- Kết hợp hài hòa với phát triển sản xuất nông nghiệp trên cơ sở khai thác hiệu quả nguồn lao động, tài nguyên đất, nguyên liệu sẵn có tại địa phương, gắn liền với du lịch làng nghề…nhằm không ngừng nâng cao mức sống của cư dân nông thôn, giảm dần sự cách biệt giữa nông thôn và thành thị;

- Phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ có lợi thế cạnh tranh, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, giúp khu vực nông thôn phá được thế thuần nông, hướng tới các ngành có năng suất và thu nhập cao hơn;

- Bảo tồn, phát huy được những nét văn hóa truyền thống của địa phương, của dân tộc và bảo vệ môi trường.

II. Mục tiêu phát triển

1. Mục tiêu tổng quát

Mục tiêu phát triển tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nhằm xóa đói, giảm nghèo cho các vùng sâu, vùng xa; tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân nông thôn; tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn; hướng tới phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và an sinh xã hội; giảm dần sự cách biệt giữa nông thôn và thành thị, góp phần thực hiện mục tiêu được xác định tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XV: Phấn đấu đến năm 2015 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp; trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và trở thành thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ XXI.

2. Mục tiêu cụ thể từng giai đoạn

a) Giai đoạn 2011-2015:

- Khôi phục và phát triển các nghề tiểu thủ công nghiệp có sức cạnh tranh, bền vững trên thị trường trong và ngoài nước, hướng tới xuất khẩu;

- Tốc độ tăng GTSX của tiểu thủ công nghiệp từ 17-18,5%/năm; phấn đấu đến năm 2015, GTSX TTCN (theo giá cố định 1994) tăng từ 2,2-2,3 lần so với hiện nay;

- Thu hút thêm từ 1.200-1.500 lao động hàng năm cho tiểu thủ công nghiệp;

- Đến năm 2015 sẽ hình thành 20 cụm công nghiệp trên địa bàn với diện tích 367,6 ha nhằm đưa hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp ra khỏi khu dân cư, tạo điều kiện phát triển các nghề TTCN, bảo vệ môi trường;

- Phấn đấu đến năm 2015 có 30-35 làng nghề đạt tiêu chuẩn của tỉnh;

- Phấn đấu 40-50% số xã có khu sản xuất tập trung theo quy hoạch nông thôn mới.

b) Giai đoạn 2016-2020:

[...]