Quyết định 121/2008/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 121/2008/QĐ-TTg
Ngày ban hành 29/08/2008
Ngày có hiệu lực 02/10/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị,Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

------------

Số: 121/2008/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 29 tháng 08 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN VẬT LIỆU XÂY DỰNG VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển

a) Phát triển vật liệu xây dựng phải bảo đảm tính bền vững, góp phần phát triển kinh tế, tạo sự ổn định xã hội và bảo vệ môi trường; phù hợp với các quy hoạch khác liên quan;

b) Phát triển vật liệu xây dựng trên cơ sở khai thác có hiệu quả thế mạnh về tài nguyên khoáng sản, thế mạnh về thị trường và lao động, đồng thời không ngừng đào tạo nâng cao năng lực quản lý, vận hành sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh;

c) Phát triển vật liệu xây dựng trên cơ sở lựa chọn quy mô công suất hợp lý, công nghệ hiện đại, sạch, tiêu tốn ít năng lượng, nguyên liệu; sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế; từng bước loại bỏ các cơ sở sản xuất có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường và hiệu quả kinh tế thấp;

d) Phát triển vật liệu xây dựng trước hết đáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước đồng thời lựa chọn những sản phẩm công nghệ Việt Nam có lợi thế để xuất khẩu, trong đó chú trọng các sản phẩm được sản xuất với trình độ công nghệ có hàm lượng chất xám cao;

đ) Đa dạng hóa các hình thức đầu tư, thu hút mọi nguồn lực vào phát triển sản xuất vật liệu xây dựng. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng;

e) Thống nhất quản lý đầu tư phát triển vật liệu xây dựng trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt. Quy hoạch vật liệu xây dựng được rà soát và điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng thời kỳ cụ thể;

g) Sản phẩm vật liệu xây dựng phải phù hợp với điều kiện khí hậu, phù hợp với tập quán sinh hoạt ở Việt Nam, vừa có tính truyền thống vừa hiện đại, thân thiện môi trường, có sức cạnh tranh cao ở thị trường trong nước và thị trường quốc tế.

2. Mục tiêu phát triển

a) Khai thác tiềm năng về tài nguyên khoáng sản, thị trường, công nghệ, lao động để phát triển ngành vật liệu xây dựng thành ngành kinh tế mạnh, từ năm 2010 đáp ứng về số lượng, chất lượng và các chủng loại vật liệu xây dựng cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu;

b) Sản xuất vật liệu xây dựng có công nghệ tiên tiến tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, tiêu hao nguyên liệu và năng lượng thấp, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bền vững;

c) Nâng cao năng lực quản lý, vận hành ngành sản xuất vật liệu xây dựng. Đội ngũ cán bộ ngành vật liệu xây dựng phải nhanh chóng làm chủ công nghệ sản xuất;

d) Đến năm 2015 Việt Nam phải tự chế tạo được các dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng quy mô tương đối lớn, có trình độ công nghệ tiên tiến, phải làm chủ trong việc sản xuất, dịch vụ cung cấp phụ tùng thay thế, đặc biệt là phụ tùng thay thế cho nhà máy xi măng.

3. Định hướng quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2020

Tiếp tục đầu tư phát triển các loại vật liệu cơ bản như: xi măng, vật liệu ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng, vật liệu xây, vật liệu lợp, đá xây dựng, cát xây dựng và vật liệu trang trí hoàn thiện, đồng thời chú trọng phát triển các loại vật liệu mới, thân thiện với môi trường.

a) Xi măng:

- Định hướng về quy mô đầu tư, công nghệ khai thác đá vôi sản xuất xi măng và bảo vệ môi trường.

Quy mô đầu tư, công nghệ khai thác đá vôi và các nguyên liệu khác để sản xuất xi măng phải thực hiện theo các nội dung trong “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở Việt Nam đến năm 2020”, bảo vệ tốt môi trường cảnh quan, trong đó cần tập trung vào một số vấn đề chính sau:

+ Hàng năm, các cơ sở khai thác phải tiến hành xử lý hoàn nguyên theo quy định của Luật Khoáng sản về môi trường ở khu vực khai thác, bao gồm: phục hồi môi trường, môi sinh và đất đai sau khi kết thúc từng giai đoạn hoặc toàn bộ hoạt động khoáng sản; xử lý nước thải theo tiêu chuẩn về môi trường trước khi thải;

+ Thường xuyên kiểm tra theo dõi đặc điểm địa hình các khu vực mỏ đang khai thác và có biện pháp bảo đảm an toàn lao động.

- Định hướng quy hoạch phát triển sản xuất xi măng.

Phát triển sản xuất xi măng phải căn cứ vào Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó:

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ