QUY ĐỊNH
PHÂN PHỐI, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG TIỀN THU TỪ XỬ PHẠT VI PHẠM
HÀNH CHÍNH TRONG CÁC LĨNH VỰC GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ, ĐƯỜNG SẮT VÀ ĐƯỜNG THỦY NỘI
ĐỊA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 26/2008/QĐ-UBND ngày 13/3/2008 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Bình Thuận)
Điều 1. Phạm vi áp dụng
Quy định này áp dụng đối với việc thu, nộp tiền
phạt, quản lý và sử dụng tiền thu phạt vi phạm hành chính theo quy định tại các
nghị định của Chính phủ và thông tư của Bộ Tài chính về xử phạt vi phạm hành
chính trong các lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.
Điều 2. Việc thu, nộp tiền
phạt, quản lý, sử dụng biên lai thu tiền phạt và hạch toán tiền thu phạt
1. Việc thu, nộp tiền phạt, quản lý, sử dụng
biên lai thu tiền phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Nghị định
số 124/2005/NĐ-CP ngày 06/10/2005 của Chính phủ quy định về biên lai thu tiền
phạt, quản lý, sử dụng tiền nộp phạt vi phạm hành chính và quy định tại Phần A
và khoản 1, Phần B, Mục II Thông tư số 47/2006/TT-BTC ngày 31/5/2006 của Bộ Tài
chính hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định số 124/2005/NĐ-CP.
2. Kho bạc Nhà nước các cấp có trách nhiệm thu
tiền phạt theo đúng quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền
xử phạt.
Kinh phí thực hiện thu, nộp, quản lý tiền phạt;
in biên lai; mua sắm, sửa chữa trang thiết bị phục vụ công tác thu tiền phạt của
hệ thống Kho bạc Nhà nước được sử dụng từ kinh phí hoạt động của ngành và kinh
phí được trích từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao
thông.
3. Cơ quan tài chính (cấp tỉnh, huyện) có trách
nhiệm mở tài khoản tạm thu, tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước để quản lý toàn bộ số
tiền thu phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực giao thông đường bộ, đường
sắt và đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Việc quản lý tiền phạt
vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại khoản 2, Phần B, Mục II
Thông tư số 47/2006/TT-BTC ngày 31/5/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một
số quy định của Nghị định số 124/2005/NĐ-CP.
Điều 3. Phân cấp nguồn thu
Toàn bộ tiền thu về phạt vi phạm hành chính được
nộp đầy đủ, kịp thời 100% vào ngân sách Nhà nước và được điều tiết như sau:
1. Số thu phạt do đơn vị thuộc tỉnh trực tiếp xử
phạt được điều tiết 100% cho ngân sách tỉnh.
2. Số thu phạt do đơn vị thuộc huyện, thị xã,
thành phố trực tiếp xử phạt được điều tiết 100% cho ngân sách huyện, thị xã,
thành phố.
Điều 4. Phân bổ tiền thu phạt
Tổng số thu phạt vi phạm hành chính nộp vào Kho
bạc Nhà nước của mỗi cấp ngân sách được phân phối như sau:
1. Trích 70% cho lực lượng công an tham gia giữ
gìn trật tự an toàn giao thông trên địa bàn.
2. Trích 10% cho lực lượng thanh tra giao thông
vận tải hoạt động tại địa phương để sử dụng cho công tác bảo đảm trật tự an
toàn giao thông của địa phương, bao gồm cả việc sử dụng để hỗ trợ kinh phí cho
lực lượng thanh tra giao thông vận tải của Trung ương đóng và hoạt động ổn định
tại địa phương theo các nội dung quy định tại điểm 1.1, khoản 1, Mục IV Thông
tư số 89/2007/TT-BTC ngày 25/7/2007 của Bộ Tài chính.
3. Trích 10% cho Ban An toàn giao thông của tỉnh
đối với số thu của ngân sách tỉnh hoặc 10% trích cho Ban An toàn giao thông huyện,
thị xã, thành phố đối với số thu của ngân sách huyện, thị xã, thành phố.
4. Trích 10% cho các lực lượng khác trực tiếp
tham gia vào công tác trật tự an toàn giao thông tại các huyện, thị xã, thành
phố và xã, phường, thị trấn (trừ lực lượng công an và thanh tra giao thông), cụ
thể:
a) Số thu phạt của tỉnh: trích 2% cho Kho bạc
Nhà nước tỉnh; 2% cho Sở Tài chính; 2% cho Sở Giao thông vận tải, số còn lại
(4%) do UBND tỉnh xem xét, quyết định, bao gồm: chi khen thưởng cho các địa
phương đạt thành tích trong công tác bảo đảm an toàn giao thông và hỗ trợ các địa
phương có nguồn thu thấp trực tiếp tham gia vào công tác an toàn giao thông…;
b) Số thu phạt của các huyện, thị xã, thành phố:
trích 2% cho Kho bạc Nhà nước huyện, thị xã, thành phố; 2% cho Phòng Tài chính
- Kế hoạch các huyện, thị xã, thành phố; số còn lại (4%) do UBND các huyện, thị
xã, thành phố xem xét, quyết định.
Điều 5. Quản lý, sử dụng tiền
thu phạt
1. Đối với phần kinh phí (70%) của Công an tỉnh,
được quy thành là 100% và sử dụng như sau:
1.1. Dành 70% chi cho các nội dung:
a) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về
trật tự an toàn giao thông;
b) Chi bồi dưỡng cho lực lượng trực tiếp tham
gia công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông: mức chi 1.000.000đồng/người/tháng;
c) Chi bồi dưỡng thêm cho cán bộ, chiến sỹ công
an trực tiếp tham gia công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông ban đêm (bao
gồm cả lực lượng công an chống đua xe trái phép ban đêm) được bồi dưỡng thêm
100.000đồng/người/ca (làm nhiệm vụ 01 ca từ 04 giờ trở lên). Trường hợp không đủ
04 giờ được tính bồi dưỡng 01 buổi là 50.000đồng/người;
d) Chi hỗ trợ ban đầu cho cán bộ bị thương, tai
nạn hoặc gia đình của cán bộ hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an
toàn giao thông:
Mức chi được vận dụng theo chế độ trợ cấp quy định
tại Thông tư số 10/2003/TT-BLĐTBXH ngày 18/4/2003 của Bộ Lao động - Thương binh
và Xã hội về hướng dẫn thực hiện chế độ bồi thường và trợ cấp đối với người lao
động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
đ) Chi thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định
xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn;
e) Chi đào tạo, tập huấn, sơ kết, tổng kết công
tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông;
g) Chi sửa chữa thiết bị, phương tiện, xăng dầu
phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông;
h) Chi thông tin liên lạc, văn phòng phẩm và chi
khác phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông;
i) Chi các nhu cầu hoạt động khác của Công an tỉnh
do Giám đốc Công an tỉnh quyết định.
1.2. Dành 30% để mua sắm trang thiết bị phục vụ
cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Và chi mua sắm, sửa chữa tài sản
phục vụ công tác chung của Công an tỉnh. Việc mua sắm trang thiết bị thực hiện
theo định mức, tiêu chuẩn, chế độ hiện hành.
2. Đối với phần kinh phí (70%) của công an cấp
huyện, việc phân phối, sử dụng được thực hiện như các nội dung chi của Công an
tỉnh, quy định tại điểm 1.1 và 1.2 Điều này.
Riêng đối với nội dung chi bồi dưỡng cho lực lượng
trực tiếp tham gia công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông của công an huyện,
thị xã, thành phố: mức chi từ 700.000 đồng đến 1.000.000đồng/người/tháng (tùy
thuộc vào nguồn thu được trích).
3. Đối với phần kinh phí (10%) của Thanh tra
giao thông tỉnh, được quy thành 100% và sử dụng như sau:
3.1. Dành 70% chi hoạt động phục vụ công tác đảm
bảo trật tự an toàn giao thông, cụ thể:
a) Chi công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục
pháp luật về trật tự an toàn giao thông (bao gồm mua hoặc in ấn tài liệu, hội
nghị tập huấn);
b) Chi bồi dưỡng cán bộ, thanh tra viên Thanh
tra Sở Giao thông vận tải tham gia công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
(bao gồm cán bộ trực tiếp và gián tiếp của Thanh tra giao thông): mức chi
1.000.000đồng/người/tháng.
Căn cứ vào thực tế kinh phí được điều tiết mà
Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải quy định mức chi bồi dưỡng nhưng không được
vượt quá mức quy định này;
c) Chi bồi dưỡng thêm cho cán bộ, thanh tra viên
Thanh tra giao thông trực tiếp tham gia công tác bảo đảm trật tự an toàn giao
thông ban đêm (trực chống đua xe trái phép ban đêm, kiểm tra kiểm soát điều kiện
hoạt động kinh doanh vận tải, kiểm tra về trật tự an toàn giao thông theo quyết
định của cấp trên) được bồi dưỡng thêm 100.000đồng/người/ca (làm nhiệm vụ 01 ca
từ 04 giờ trở lên). Trường hợp không đủ 04 giờ được tính bồi dưỡng 01 buổi là
50.000 đồng/người;
d) Chi hỗ trợ ban đầu cho cán bộ bị thương, tai
nạn hoặc gia đình của cán bộ hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an
toàn giao thông:
Mức chi được vận dụng theo chế độ trợ cấp quy định
tại Thông tư số 10/2003/TT-BLĐTBXH ngày 18/4/2003 của Bộ Lao động - Thương binh
và Xã hội về hướng dẫn thực hiện chế độ bồi thường và trợ cấp đối với người lao
động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
đ) Chi thực hiện việc cưỡng chế thi hành quyết định
xử phạt vi phạm hành chính trên địa bàn;
e) Chi đào tạo, tập huấn, sơ kết, tổng kết công
tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông;
g) Chi thanh toán nhiên liệu, sửa chữa thiết bị,
phương tiện đặc chủng phục vụ công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông
(trong đó, khoán nhiên liệu và chi phí bảo dưỡng xe máy cho lực lượng thanh tra
viên là 400.000 đồng/người/tháng; đối với chi thanh toán nhiên liệu, sửa chữa
thiết bị, phương tiện đặc chủng phục vụ công tác đảm bảo trật tự an toàn giao
thông: thanh toán theo phát sinh thực tế và đúng chế độ tài chính hiện hành);
h) Chi thông tin liên lạc, văn phòng phẩm và chi
khác phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
3.2. Dành 30% để mua sắm trang thiết bị phục vụ
cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Việc mua sắm trang thiết bị thực
hiện theo định mức, tiêu chuẩn, chế độ hiện hành.
4. Đối với phần kinh phí (10%) của Ban An toàn
giao thông của tỉnh, huyện, thị xã, thành phố được dùng để chi cho các nội
dung:
a) Chi bộ máy hoạt động của Ban An toàn giao
thông;
b) Chi hoạt động, kiểm tra liên ngành của Ban An
toàn giao thông tỉnh, huyện, thị xã, thành phố;
c) Chi cho công tác phổ biến, tuyên truyền giáo
dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông của địa phương;
d) Chi tổ chức đào tạo các nghiệp vụ về an toàn
giao thông cho các đối tượng trực tiếp tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao
thông của địa phương;
đ) Chi cho sơ kết, tổng kết công tác bảo đảm trật
tự an toàn giao thông;
e) Chi hỗ trợ khắc phục hậu quả tai nạn giao
thông, hỗ trợ phục vụ công tác giải tỏa hành lang an toàn giao thông;
g) Chi cho giáo dục pháp luật trật tự an toàn
giao thông trong trường học;
h) Chi khác phục vụ công tác bảo đảm trật tự an
toàn giao thông.
5. Đối với phần kinh phí (2%) của Sở Giao thông
vận tải, Kho bạc Nhà nước và cơ quan Tài chính các cấp được dùng để chi bồi dưỡng
cho cán bộ, công nhân viên chức của đơn vị trực tiếp tham gia những công tác quản
lý thu, nộp và sử dụng nguồn thu từ xử phạt an toàn giao thông trên địa bàn. Mức
chi bồi dưỡng do thủ trưởng đơn vị quyết định, trên cơ sở công khai, dân chủ tại
đơn vị nhưng không được vượt quá 1.000.000đồng/người/tháng và thực hiện thanh
quyết toán theo đúng chế độ tài chính hiện hành.
Điều 6. Lập kế hoạch sử dụng
Các đối tượng được thụ hưởng tiền thu xử phạt vi
phạm hành chính quy định tại Điều 4 Quy định này, căn cứ vào tình hình sử dụng
tiền thu phạt của năm trước và tình hình thực tế thu phạt trong năm để lập kế
hoạch sử dụng theo định mức, chế độ quy định gửi Sở Tài chính để thẩm định
trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định kế hoạch chi từ nguồn thu phạt vi phạm
hành chính.
Điều 7. Quyết toán tiền thu
phạt
Kết thúc năm ngân sách, các đơn vị thụ hưởng tiền
thu từ xử phạt vi phạm hành chính làm quyết toán gửi Ban An toàn giao thông và
Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
Số tiền thu phạt sử dụng không hết trong năm được
chuyển sang năm sau sử dụng cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và
bổ sung cho việc đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên
địa bàn.
Điều 8. Tổ chức thực hiện
Giao Sở Tài chính, Sở Giao thông vận tải, Ban An
toàn giao thông, Công an tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình chịu
trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định tại Quyết định
này./.