Thông tư 89/2007/TT-BTC hướng dẫn việc thu, nộp tiền phạt, quản lý và sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thuỷ nội địa do Bộ Tài chính ban hành.

Số hiệu 89/2007/TT-BTC
Ngày ban hành 25/07/2007
Ngày có hiệu lực 23/08/2007
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Văn Tá
Lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán,Vi phạm hành chính,Giao thông - Vận tải

BỘ TÀI CHÍNH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 89/2007/TT-BTC

Hà Nội, ngày 25 tháng 07 năm 2007 

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC THU, NỘP TIỀN PHẠT, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG TIỀN THU TỪ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG CÁC LĨNH VỰC GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ, ĐƯỜNG SẮT VÀ ĐƯỜNG THUỶ NỘI ĐỊA 

Căn cứ Nghị định số 152/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; Nghị định số 44/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải đường sắt và Nghị định số 09/2005/NĐ-CP ngày 27/01/2005 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thuỷ nội địa;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 23/6/2003 của Chính phủ  quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật ngân sách Nhà nước;

Căn cứ Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19/11/2002 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông;

Căn cứ Nghị định số 124/2005/NĐ-CP ngày 06/10/2005 của Chính phủ quy định về biên lai thu tiền phạt và quản lý, sử dụng tiền nộp phạt vi phạm hành chính;

Bộ Tài chính hướng dẫn việc thu, nộp tiền phạt, quản lý, sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thuỷ nội địa (gọi tắt là tiền thu phạt vi phạm hành chính) như sau:

I.  PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

1. Thông tư này quy định việc thu, nộp tiền phạt, quản lý và sử dụng tiền thu phạt vi phạm hành chính theo quy định tại các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thuỷ nội địa.

Riêng đối với lĩnh vực hàng hải, hàng không, việc thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo các văn bản hướng dẫn khác.

2. Toàn bộ tiền thu phạt vi phạm hành chính được để lại 100% để sử dụng cho công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (viết tắt là TTATGT), chống ùn tắc giao thông.

Ngoài những khoản tiền thu phạt vi phạm hành chính nêu trên, trong quá trình thực hiện chủ trương của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về các biện pháp cấp bách bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nếu có phát sinh các khoản thu khác thì được sử dụng 100% nguồn thu này để phục vụ công tác bảo đảm TTATGT. Việc phân bổ, sử dụng và mức chi cụ thể do Ban an toàn giao thông của tỉnh phối hợp với Sở Tài chính đề xuất trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định.

II. THU, NỘP TIỀN PHẠT, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG BIÊN LAI THU TIỀN  PHẠT VÀ HẠCH TOÁN TIỀN THU PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

1. Thu, nộp tiền phạt, quản lý, sử dụng biên lai thu tiền phạt vi phạm hành chính:

a) Việc thu, nộp tiền phạt, quản lý, sử dụng biên lai thu tiền phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Nghị định số 124/2005/NĐ-CP ngày 6/10/2005 của Chính phủ quy định về biên lai thu tiền phạt, quản lý, sử dụng tiền nộp phạt vi phạm hành chính và quy định tại Phần A và khoản 1 Phần B Mục II Thông tư số 47/2006/TT-BTC ngày 31/5/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị định số 124/2005/NĐ-CP.

b) Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm thu tiền phạt theo đúng quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền xử phạt. Trường hợp Kho bạc Nhà nước thực hiện uỷ quyền thu tiền phạt thì cơ quan được uỷ quyền phải thu đúng, thu đủ số tiền phạt ghi trên quyết định xử phạt, định kỳ nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước theo thoả thuận ghi trong hợp đồng uỷ quyền thu tiền phạt vi phạm hành chính ký với Kho bạc Nhà nước uỷ quyền.

Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo hệ thống Kho bạc Nhà nước tại các địa phương mở các điểm thu tiền phạt tạo thuận tiện cho người nộp phạt, hướng dẫn nghiệp vụ thu, quản lý tiền phạt bảo đảm hạch toán đầy đủ, kịp thời và quản lý chặt chẽ số tiền thu phạt vi phạm hành chính. Kinh phí thực hiện thu, nộp, quản lý tiền phạt; in biên lai; mua sắm, sửa chữa trang thiết bị phục vụ công tác thu tiền phạt của hệ thống Kho bạc Nhà nước được sử dụng từ kinh phí hoạt động của ngành.

2. Hạch toán tiền thu phạt vi phạm hành chính:                                

Định kỳ 15 ngày (đầu tháng, giữa tháng), căn cứ số tiền phạt thực tế thu được do Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo, Sở Tài chính tạm trích số tiền thu phạt vi phạm hành chính cho các đối tượng thụ hưởng theo quy định tại Mục III Thông tư này, tháng sau điều chỉnh theo thực tế. Nếu số tạm trích nhỏ hơn số được trích theo quy định, thì được trích tiếp cho đủ mức quy định; nếu số tạm trích lớn hơn số được trích theo quy định, thì trừ vào số được trích tháng sau.

III. PHÂN BỔ TIỀN THU PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Việc phân bổ tiền thu phạt vi phạm hành chính được thực hiện như sau:

1. Trích 70% cho lực lượng Công an tham gia giữ gìn TTATGT.

2. Trích 10% cho lực lượng Thanh tra giao thông vận tải hoạt động tại địa phương để sử dụng cho công tác bảo đảm TTATGT của địa phương, bao gồm cả việc sử dụng để hỗ trợ kinh phí cho lực lượng Thanh tra giao thông vận tải của Trung ương đóng và hoạt động ổn định tại địa phương theo các nội dung quy định tại điểm 1.1 khoản 1 Mục IV Thông tư này. Trong đó, nếu tại địa phương có Trạm cân kiểm tra xe, Cảng vụ đường thuỷ nội địa đóng và hoạt động thì:

- Trích 2% cho Trạm cân kiểm tra xe nhưng tổng số tiền trích không quá 30% số thực thu tiền phạt nộp vào tài khoản tạm giữ phát sinh tại Trạm cân.

- Trích 2% cho Cảng vụ đường thuỷ nội địa nhưng tổng số tiền trích không quá 40% số thực thu tiền phạt nộp vào tài khoản tạm giữ phát sinh tại Cảng vụ.

Trạm cân kiểm tra xe, Cảng vụ đường thuỷ nội địa sử dụng nguồn kinh phí được trích trên cho các nội dung quy định tại điểm 1.1 khoản 1 Mục IV Thông tư này.

3.Trích 10% cho Ban An toàn giao thông của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

4. Trích 10% cho các lực lượng khác trực tiếp tham gia vào công tác TTATGT tại quận, huyện, thành phố, thị xã và xã, phường, thị trấn (trừ lực lượng Công an và Thanh tra giao thông vận tải địa phương).

[...]
5
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ