Quyết định 256/2004/QĐ-UBND về chương trình Cải cách hành chính của thành phố Cần Thơ giai đoạn 2004 - 2010

Số hiệu 256/2004/QĐ-UBND
Ngày ban hành 01/07/2004
Ngày có hiệu lực 01/07/2004
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Cần Thơ
Người ký Võ Thanh Tòng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 256/2004/QĐ-UB

TP.Cần Thơ, ngày 01 tháng 7 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA THÀNH PHỐ CẦN THƠ GIAI ĐOẠN 2004 - 2010

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2001-2010;

Căn cứ Kết luận số 06-KL/TU, ngày 19/5/2004 của Ban Thường vụ Thành ủy về Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy trong cuộc họp ngày 17/05/2004;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình cải cách hành chính của thành phố Cần Thơ giai đoạn 2004 -2010.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Giao Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban ngành có liên quan triển khai thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan Ban ngành thành phố, Chủ tịch ủy ban nhân dân quận, huyện, thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính thành phố có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Chỉ đạo CCHCTW
- VP Chính phủ
- Bộ Nội vụ
- Bộ Tư pháp
- BTV Thành ủy
- TT.HĐND, UBND TP
- UBMTTQ và các Đoàn thể
- VPTU và các Ban của Đảng
- Sở, Ban ngành TP
- Quận ủy, Huyện ủy, HĐND và UBND quận, huyện
- Ban QLDA CCHC
- Lưu TTLT

TM . UBND THÀNH PHỐ CẦN THƠ
CHỦ TỊCH




Võ Thanh Tòng

 

CHƯƠNG TRÌNH

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH CỦA THÀNH PHỐ CẦN THƠ GIAI ĐOẠN 2004-2010
(Ban hành theo Quyết định số: 256/2004/QĐ-UB ngày 01/7/2004 của ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ)

Để triển khai thực hiện Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010, Quyết định số 181/2003/QĐ-TTg ngày 04/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện cơ chế "một cửa" tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, căn cứ Kết luận số 06-KL/TU, ngày 19/5/2004 của Ban Thường vụ Thành ủy về Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy trong cuộc họp ngày 17/05/2004; ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ đánh giá khái quát kết quả thực hiện Nghị quyết số 38/CP ngày 04/5/1994 của Chính phủ và đề ra Chương trình thực hiện cải cách hành chính của thành phố Cần Thơ, giai đoạn 2004-2010, nhằm hướng dẫn các Sở, Ban ngành và ủy ban nhân dân các quận, huyện và xã, phường, thị trấn đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính mà trọng tâm là triển khai cơ chế hành chính “một cửa” tại các cơ quan hành chính nhà nước thuộc thành phố Cần Thơ, cụ thể như sau:

I- ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 38/CP NGÀY 04/5/1994 CỦA CHÍNH PHỦ:

1. Những kết quả đạt được:

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 38/CP ngày 04/5/1994 của Chính phủ về cải cách một bước thủ tục hành chính trong việc giải quyết công việc của công dân và tổ chức, Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 (khoá VII) về cải cách một bước nền hành chính nhà nước, Chương trình hành động của Tỉnh ủy Cần Thơ và các kế hoạch thực hiện của ủy ban nhân dân tỉnh, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Cần Thơ (nay là thành phố Cần Thơ) đã đạt được một số kết quả nhất định: từng bước nâng cao trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao; giải quyết công việc của tổ chức và công dân được kịp thời, đúng nội dung và thẩm quyền; nhiều thủ tục phiền hà trong đăng ký kinh doanh, công chứng, chứng thực hộ tịch, hộ khẩu, hợp thức hoá nhà, đất... được sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ cho phù hợp; thực hiện thí điểm cải cách hành chính theo mô hình "một cửa" đạt một số kết quả bước đầu, đã góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội ngày càng phát triển, quốc phòng- an ninh được giữ vững, tạo được niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, một số kết quả tiêu biểu đó là:

- Thường xuyên tiến hành rà soát và hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật: đã công bố 744 văn bản của cấp tỉnh, trong đó hết hiệu lực 345 văn bản, còn hiệu lực thi hành 378 văn bản và đề nghị sửa đổi, bổ sung 21 văn bản; cấp huyện, thị xã, thành phố (cũ) là 1096 văn bản trong đó hết hiệu lực 727, còn hiệu lực thi hành 318 và đề nghị sửa đổi, bổ sung 51 và đến nay vẫn tiếp tục rà soát.

- Về sắp xếp tổ chức bộ máy, đã giảm ở cấp thành phố Cần Thơ (cũ) từ 18 phòng (ban) xuống còn 13 ban; cấp thị xã và các huyện từ 13 phòng xuống còn 11 phòng; đã cổ phần hoá và giao cho người lao động 19 doanh nghiệp nhà nước, bán 01 doanh nghiệp nhà nước.

- Về công tác cán bộ, công chức tổ chức tuyển mới 2712 người (chủ yếu ở ngành Giáo dục); thực hiện Nghị quyết số 16/2000/NQ-CP, đã giải quyết giải quyết 162 trường hợp nghỉ hưu, nghỉ việc (trong đó nghỉ hưu: 28; nghỉ việc: 134); cử 5.318 cán bộ, công chức dự các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; ngoài ra, chọn cử 45 người đi học và tu nghiệp ở nước ngoài, trong đó có 03 sinh viên; cử 188 cán bộ quản lý doanh nghiệp tham dự các khoá bồi dưỡng về quản lý kinh tế.

- Về công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, đã thụ lý và giải quyết, hoặc kiến nghị giải quyết được 3.004 vụ, đạt 95,6% (cấp tỉnh: 1.846 vụ, đạt 96,3%, cấp huyện: 1.158 vụ, đạt 94,4%). Kết quả giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân từ năm 2001 đến nay đã khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được 3.346,9 triệu đồng, 433,3 chỉ vàng, 25,9 tấn lúa và điều chỉnh 717.130 m2 đất.

- Tiến hành thí điểm khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan hành chính nhà nước cho 12 cơ quan; thực hiện triển khai mô hình hành chính “một cửa” tại 3 sở, 9/9 đơn vị cấp huyện và 01 đơn vị cấp xã.

2. Những mặt hạn chế, yếu kém:

Trong công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thể chế trong đó thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc, thiếu đồng bộ; mô hình “một cửa” thí điểm ở các xã, phường, thị trấn chưa thống nhất chung về trình tự, biểu mẫu và cũng chưa thực hiện thống nhất ở các lĩnh vực lựa chọn như: địa chính, thanh tra, khiếu nại tố cáo... nên việc đánh giá, rút kinh nghiệm chưa đạt chất lượng cao; một số cơ quan, đơn vị và địa phương chưa thực hiện tốt việc tiếp nhận và giải quyết công việc của tổ chức và công dân theo thẩm quyền, vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm giữa cấp trên và cấp dưới, giữa các ngành với nhau, kéo dài thời gian xử lý gây phiền hà cho một bộ phận nhân dân, có dư luận và hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực gây phản ứng trong nội bộ và nhân dân; tổ chức, bộ máy còn tình trạng vừa thừa, vừa thiếu, tồn tại ở một số cơ quan, đơn vị; đội ngũ cán bộ, công chức với số lượng khá lớn nhưng chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới; chậm triển khai ứng dụng tin học vào công tác quản lý hành chính... làm hạn chế hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước của các ngành, các cấp.

3. Nguyên nhân của những kết quả đạt được và mặt hạn chế, yếu kém :

[...]