Quyết định 08 /2006/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình Cải cách hành chính tỉnh An Giang giai đoạn II (2006-2010)

Số hiệu 08/2006/QĐ-UBND
Ngày ban hành 24/02/2006
Ngày có hiệu lực 06/03/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Nguyễn Hoàng Việt
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2006/QĐ-UBND

Long Xuyên, ngày 24 tháng 02 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN II (2006-2010)

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010;

Căn cứ Chỉ thị số 09/2005/CT-TTg ngày 05/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh An Giang,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình Cải cách hành chính tỉnh An Giang giai đoạn II (2006-2010).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Thành viên Ban chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban chỉ đạo CCHC của CP; (báo cáo)
- Bộ Nội vụ; (báo cáo)
- VP phía nam (BNV); (báo cáo)
- Cục kiểm tra Văn bản (BTP); (báo cáo)
- TV. Tỉnh Ủy; (báo cáo)
- TT. HĐND tỉnh; (báo cáo)
- TT. UBND tỉnh; (báo cáo)
- Các Sở, Ban ngành tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Thành viên BCĐ CCHC tỉnh;
- Các cơ quan TW ở tỉnh; (phối hợp thực hiện);
- Lưu: VP, Sở Nội vụ.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hoàng Việt

 

CHƯƠNG TRÌNH

CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN II (2006-2010)
(Ban hành kèm theo Quyết định số:08/2006/QĐ-UBND ngày 24 tháng 02 năm 2006 của ủy ban nhân dân tỉnh).

* Đánh giá chung:

Sau giai đoạn I (2001 - 2005) việc thực hiện cải cách hành chính đã đạt được những thành tựu cơ bản sau:

- Công tác cải cách hành chính từng bước đi vào nề nếp tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức nhà nước cũng như cán bộ của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân về ý nghĩa, mục tiêu cũng như nội dung cải cách hành chính.

- Cơ chế "một cửa" ngày càng được tổ chức, công dân ủng hộ. Việc công khai, minh bạch về thủ tục (hồ sơ, thời gian giải quyết, phí, lệ phí cũng như quy trình giải quyết công việc) bước đầu khắc phục được các hiện tượng quan liêu, nhũng nhiễu của các cơ quan cũng như cán bộ, công chức hành chính.

- Thông qua thực hiện các chương trình, kế hoạch cải cách hành chính, cả tổ chức, bộ máy và cán bộ, công chức đều có chuyển biến, điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu cơ chế vận hành mới, tiến bộ hơn.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính vẫn còn những thiếu sót, tồn tại cụ thể là:

- Công tác rà soát, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có nhiều tiến bộ nhưng chưa đáp ứng đòi hỏi phát triển kinh tế - xã hội, nhiều quy định còn lúng túng, chưa giải quyết được gốc vấn đề.

- Các quyết định về giải quyết khiếu nại của các cấp, các ngành còn thiếu chuẩn xác, phải điều chỉnh nhiều lần.

- Sự quan tâm của lãnh đạo nhằm nâng chất cơ chế "một cửa" chưa đi vào chiều sâu, chưa tập trung khắc phục những vướng mắc, tồn tại trong tổ chức, thực hiện. Một số công chức có biểu hiện tiêu cực như nhũng nhiễu dân, làm "cò" cho dân trong thực hiện các giao dịch với cơ quan nhà nước.

- Công tác sắp xếp tổ chức, bộ máy các cơ quan chuyên môn thiếu tính ổn định, ảnh hưởng đến công tác tổ chức cán bộ của cả hệ thống chính trị.

- Công tác đào tạo chưa gắn với việc tuyển dụng, bố trí cán bộ đúng chuyên môn, hiện tượng sau khi đào tạo về bố trí chuyên môn khác thường xảy ra. Chưa làm tốt các quy trình công tác tinh giản biên chế như công tác tư tưởng, công tác chính sách; có lúc, có nơi thiếu dân chủ, công khai, minh bạch dẫn đến khiếu kiện.

- Các ngành, các cấp chưa thật sự quán triệt tốt nội dung, ý nghĩa cải cách tài chính công, phần lớn chỉ trông chờ vào sự bao cấp của các chính sách, thậm chí còn có tư tưởng tranh thủ từ ngân sách "được mức nào hay mức ấy".

[...]