THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
181/2003/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 04 tháng 9 năm 2003
|
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 181/2003/QĐ-TTG NGÀY 04 THÁNG 9
NĂM 2003 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ THỰC HIỆN CƠ CHẾ "MỘT CỬA" TẠI CƠ
QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC Ở ĐỊA PHƯƠNG
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 38/CP ngày 04 tháng 5 năm 1994 của Chính phủ về cải
cách một bước thủ tục hành chính trong việc giải quyết công việc của công dân
và tổ chức;
Căn cứ Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17 tháng 9 năm 2001 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn
2001 - 2010;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế thực hiện cơ chế "một cửa" tại
cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ có trách nhiệm
theo dõi và kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.
Điều 3.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ,
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này.
QUY CHẾ
THỰC HIỆN CƠ CHẾ "MỘT CỬA" TẠI CƠ QUAN HÀNH CHÍNH
NHÀ NƯỚC Ở ĐỊA PHƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 181/2003/QĐ-TTg ngày 04 tháng 9 năm 2003 của
Thủ tướng Chính phủ)
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Quy chế này quy định việc áp dụng, triển khai thực hiện cơ chế "một cửa"
và quy trình giải quyết công việc theo cơ chế "một cửa" tại cơ quan
hành chính nhà nước ở địa phương.
1. "Một cửa" là cơ chế
giải quyết công việc của tổ chức, công dân thuộc thẩm quyền của cơ quan hành
chính nhà nước từ tiếp nhận yêu cầu, hồ sơ đến trả lại kết quả thông qua một đầu
mối là "bộ phận tiếp nhận và trả kết quả" tại cơ quan hành chính nhà
nước.
2. Việc thực hiện cơ chế "một
cửa" nhằm đạt được bước chuyển căn bản trong quan hệ và thủ tục giải quyết
công việc giữa cơ quan hành chính nhà nước với tổ chức, công dân, giảm phiền hà
cho tổ chức, công dân, chống tệ quan liêu, tham nhũng, cửa quyền của cán bộ,
công chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Điều 2.
Cơ chế "một cửa" được áp dụng trong các cơ quan hành chính nhà nước ở
địa phương, cụ thể là: Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
(các sở, ban, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân); Uỷ ban nhân dân
huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
Điều 3.
Cơ chế "một cửa" được thực hiện theo các nguyên tắc sau:
1. Thủ tục hành chính đơn giản,
rõ ràng, đúng pháp luật.
2. Công khai các thủ tục hành
chính, phí, lệ phí và thời gian giải quyết công việc của tổ chức, công dân.
3. Nhận yêu cầu và trả kết quả tại
bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.
4. Việc phối hợp giữa các bộ phận
có liên quan để giải quyết công việc của tổ chức, công dân là trách nhiệm của
cơ quan hành chính nhà nước.
5. Bảo đảm giải quyết công việc
nhanh chóng, thuận tiện cho tổ chức, công dân.
Điều 4.
Cơ chế "một cửa" được thực hiện trong các lĩnh vực sau:
1. Tại tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương: phê duyệt các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài, xét duyệt cấp
vốn xây dựng cơ bản, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp, cấp
giấy phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất,
cho thuê đất, giải quyết chính sách xã hội.
2. Tại quận, huyện, thị xã,
thành phố thuộc cấp tỉnh: cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho các hộ
kinh doanh cá thể, cấp giấy phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà
ở và quyền sử dụng đất, đăng ký hộ khẩu, công chứng và chính sách xã hội.
3. Tại xã, phường, thị trấn: xây
dựng nhà ở, đất đai, hộ tịch, chứng thực.
Điều 5.
Ngoài các quy định tại Điều 4, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương quyết định lựa chọn
thêm một số lĩnh vực công tác khác để áp dụng cơ chế "một cửa".
Chương 2:
TRÁCH NHIỆM TRIỂN KHAI
CƠ CHẾ "MỘT CỬA"
Điều 6.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:
1. Ban hành quyết định về áp dụng
cơ chế "một cửa" đối với các lĩnh vực công việc ở các cấp chính quyền
địa phương theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 của Quy chế này.
2. Quy định thống nhất thủ tục,
trình tự giải quyết những loại công việc được áp dụng theo cơ chế "một cửa"
trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật, đồng thời bãi bỏ quy định do địa
phương ban hành không cần thiết, gây phiền hà cho tổ chức, công dân.
3. Quy định thời gian giải quyết
các loại công việc, phí, lệ phí được thu theo quy định của pháp luật.
Điều 7.
Thủ trưởng cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Chủ
tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm:
1. Ban hành Quy chế làm việc quy
định quy trình chuyển hồ sơ, xử lý, trình ký, trả lại bộ phận tiếp nhận và trả kết
quả; trách nhiệm của các bộ phận có liên quan trong thực hiện cơ chế "một
cửa"; trách nhiệm của cán bộ, công chức làm việc ở bộ phận tiếp nhận và trả
kết quả.
2. Niêm yết công khai các quy định,
thủ tục hành chính, phí, lệ phí và thời gian giải quyết các loại công việc tại
bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.
3. Bố trí cán bộ, công chức làm
việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả: là những cán bộ, công chức có trình
độ, năng lực và phẩm chất tốt, có khả năng giao tiếp với tổ chức, công dân. Cán
bộ, công chức làm việc ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phải đeo thẻ cán bộ,
công chức, ghi rõ họ tên, chức danh. Trên bàn làm việc của cán bộ, công chức phải
có bảng ghi rõ giải quyết loại công việc gì, ví dụ về đất đai, xây dựng, công
chứng hoặc đăng ký kinh doanh ...
4. Bố trí phòng làm việc của bộ
phận tiếp nhận và trả kết quả một cách thích hợp, đủ điều kiện làm việc.
5. Tập huấn về nghiệp vụ và cách
giao tiếp cho đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm việc ở bộ phận tiếp nhận
và trả kết quả.
6. Có các hình thức thông báo,
tuyên truyền thích hợp để tổ chức, công dân biết về hoạt động theo cơ chế
"một cửa" tại địa phương.
Điều 8.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở các sở, ban cấp tỉnh đặt tại Phòng hành
chính tổng hợp, chịu sự quản lý của Phòng hành chính tổng hợp.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả
ở cấp huyện đặt tại Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cấp huyện,
chịu sự quản lý của Văn phòng Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân cấp huyện.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả
ở cấp xã đặt tại Văn phòng Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân cấp xã, chịu sự
quản lý của Văn phòng Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân cấp xã.
Điều 9.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm trình Chính phủ
quy định phân cấp các công việc thuộc ngành, lĩnh vực cho Uỷ ban nhân dân các cấp;
quy định rõ thủ tục hành chính trong giải quyết công việc của tổ chức, công
dân.
Điều 10.
Kinh phí triển khai cơ chế "một cửa" do các cơ quan có liên quan lập
dự toán, được cấp từ ngân sách nhà nước.
Chương 3:
QUY TRÌNH GIẢI QUYẾT
CÔNG VIỆC THEO CƠ CHẾ "MỘT CỬA"
Điều 11.
Tổ chức, công dân có yêu cầu giải quyết công việc trực tiếp liên hệ với bộ phận
tiếp nhận và trả kết quả.
Điều 12.
Cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả có trách nhiệm
xem xét yêu cầu, hồ sơ của tổ chức, công dân:
1. Tiếp nhận và viết giấy biên
nhận hồ sơ, hẹn ngày trả kết quả theo quy định. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy
định thì hướng dẫn cụ thể để tổ chức, công dân bổ sung, hoàn chỉnh.
2. Trường hợp yêu cầu của tổ chức,
công dân không thuộc phạm vi giải quyết thì hướng dẫn để tổ chức, công dân đến
cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết.
Điều 13.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả có trách nhiệm chuyển hồ sơ của tổ chức, công
dân đến các bộ phận chức năng có liên quan để giải quyết.
Điều 14.
Các bộ phận liên quan có trách nhiệm giải quyết hồ sơ của tổ chức, công dân do
bộ phận tiếp nhận và trả kết quả chuyển đến, trình lãnh đạo có thẩm quyền ký và
chuyển về bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo đúng thời gian quy định.
Điều 15.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả nhận lại kết quả giải quyết công việc và trả lại
tổ chức, công dân theo đúng thời gian đã hẹn, thu phí, lệ phí đối với những
công việc được thu phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.
Điều 16.
Trường hợp giải quyết hồ sơ không đúng thời gian như đã hẹn thì bộ phận tiếp nhận
và trả kết quả có trách nhiệm thông báo cho tổ chức, công dân biết lý do và hẹn
lại thời gian trả kết quả.
Chương 4:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 17.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách
nhiệm chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện cơ chế "một cửa" đối với
cấp tỉnh và cấp huyện từ ngày 01 tháng 01 năm 2004, đối với cấp xã từ ngày 01
tháng 01 năm 2005; hàng năm tổng kết, đánh giá, gửi báo cáo về Bộ Nội vụ để tổng
hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều 18.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan theo dõi
và kiểm tra việc thực hiện Quy chế này.
Trong quá trình triển khai thực
hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương kịp thời báo cáo về Bộ Nội vụ để xem xét, giải quyết.