ĐỀ ÁN
NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA HỆ THỐNG ĐẦU MỐI VỀ CẢI
CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ KIỂM SOÁT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH GIAI ĐOẠN 2012 - 2020
(Ban hành kèm theo
Quyết định số 1987 /QĐ-UBND ngày 09 tháng 11 năm 2012 của Chủ tịch Ủy ban nhân
dân tỉnh)
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY
DỰNG ĐỀ ÁN
1. Cơ sở xây dựng
Đề án
1.1.
Cơ sở pháp lý:
Với mục tiêu xây dựng
một nền hành chính trong sạch, có đủ năng lực, từng bước nâng cao hiệu lực quản
lý và hiệu quả công việc của Nhà nước, tại Hội nghị Trung ương 8 khóa VII
(1/1995), cải cách hành chính lần đầu tiên được xác định là một trong những
nhiệm vụ trọng tâm của việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền
xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở đó, Nghị quyết Trung ương 8 đã xác định một cách
tổng quát về mục tiêu, phương hướng, quan điểm, nội dung tạo tiền đề cho công
cuộc cải cách hành chính nhà nước trong những năm tiếp theo.
Để đưa những chủ
trương, đường lối đó trở thành hiện thực, trong từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản định hướng cho việc triển khai công
tác cải cách hành chính một cách thống nhất từ Trung ương xuống địa phương. Do
đó, cần thiết phải có những biện pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hoạt
động của hệ thống đầu mối về cải cách hành
chính và kiểm soát thủ tục hành chính cho phù hợp với tình hình mới (từ nay đến
năm 2020) trên cơ sở thi hành các văn bản sau đây:
Nghị
quyết số 30c/NQ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ ban hành Chương
trình Tổng thể Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020;
Nghị định số
63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành
chính và tiếp tục tăng cường việc thực hiện Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14
tháng 2 năm 2008 về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức
về các quy định hành chính;
Chỉ thị số 1722/CT-TTg
ngày 17 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức triển khai thi
hành Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm
soát thủ tục hành chính và tiếp tục tăng cường việc thực hiện Nghị định số
20/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2008 về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị
của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính.
1.2.
Cơ sở lý luận:
Sau gần 20 năm tổ chức
thực hiện tinh chủ trương của Đảng và Nhà nước, công tác cải cách hành chính
nhà nước đã mang lại nhiều thành tự trên các lĩnh vực: thể chế, tổ chức bộ máy,
xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức, tài chính công, thủ tục hành
chính. Cải cách hành chính nhà nước luôn được đặt trong tổng thể đổi mới hệ
thống chính trị; thể chế mới về tổ chức, nhân sự và cơ chế hoạt động của bộ máy
hành chính ngày càng được hoàn thiện; định chế về xã hội hóa được hình thành và
phát triển đáp ứng được yêu cầu khai thác sức dân, các hội, tổ chức phi chính
phủ và khu vực tư nhân vào cung cấp các dịch vụ cho dân; cải cách hành chính
thủ tục hành chính được xác định là khâu đột phá, triển khai quyết liệt ở các
cấp chính quyền, đặc biệt là việc tổ chức thực hiện Đề án Đơn giản hóa các thủ
tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 – 2010 ban
hành kèm theo Quyết định số 30/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng
Chính phủ (gọi tắt Đề
án 30) góp phần loại bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết, mâu
thuẫn, chồng chéo gây phiền hà cho cá nhân, doanh nghiệp.
Kết quả nói trên có ý
nghĩa hết sức quan trọng, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế -
xã hội của đất nước nói chung và của tỉnh nói riêng trong thời gian qua. Tuy
nhiên, trong quá trình triển khai một số công việc cụ thể, đến nay công tác cải
cách hành chính đã phát sinh một số tồn tại hạn chế cơ bản như sau:
Một là, có những yếu
tố cho thấy có sự không hợp lý của việc tồn tại độc lập của hai hệ thống cán bộ
đầu mối thực hiện cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính. Tồn tại
này dẫn đến tình trạng thiếu sự nhất quán khi triển khai công việc.
Hai là, nội dung cải
cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính là công việc khó khăn, lâu dài
và mang tính khoa học đòi hỏi cơ quan hành chính nhà nước phải đầu tư thời
gian, nhân lực, tài chính nhưng địa phương chưa tạo lập đầy đủ cơ sở pháp lý về
tài chính để thực hiện.
Ba là, cơ chế phối hợp
giữa các cơ quan hành chính trong triển khai một số công việc liên quan đến cải
cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính có dấu hiệu lạc hậu so với Nghị quyết số 30c/NQ-CP. Ngoài ra, trong quan hệ trao
đổi, cung cấp thông tin giữa Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và cơ quan hành chính
nhà nước cấp tỉnh về xử lý phản ánh kiến nghị của người cá nhân, doanh nghiệp về
quy định hành chính và hành vi của cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu nhanh
chóng, kịp thời để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của cá nhân, doanh nghiệp
khi thực hiện thủ tục hành chính.
Như
vậy, để phát huy những thành tựu mà tỉnh đã đạt được trong công cuộc cải cách
hành chính nói chung và kiểm soát thủ tục hành chính nói riêng. Đồng thời, khắc
phục những bất cập phát sinh trong quá trình triển khai các nội dung cải cách
hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính, cần phải tạp lập cơ sở định hướng
cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ
thống đầu mối về cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính giai đoạn
2012 – 2020.
2.
Thực trạng công tác cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính
2.1.
Những kết quả đạt được
2.1.1. Về thể
chế:
Căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương, Ủy
ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản triển
khai thi hành các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể:
a) Về thể chế
công tác cải cách hành chính của tỉnh
Chương trình hành động số 14-Ctr/TU ngày
10/10/2007 của Ban Chấp hành đảng bộ Tỉnh ủy An Giang thực hiện Nghị quyết Hội
nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa X về đẩy mạnh cải cách hành
chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước.
Nghị quyết số
20/2009/NQ-HĐND ngày 09/12/2009 của Hội đồng nhân
dân tỉnh quy định chế độ phụ cấp đối với cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận
tiếp nhận và trả kết quả của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp trên địa bàn
tỉnh.
Quyết định số 04/2009/QĐ-UBND ngày 12/01/2009
của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định chế độ phụ cấp đối với cán bộ, công chức làm
việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cơ quan hành chính Nhà nước các
cấp trên địa bàn tỉnh.
Chỉ thị số 05/2012/CT-UBND ngày 28/5/2012 của
UBND tỉnh về đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành
chính trên địa bàn tỉnh An Giang.
Quyết định số
930/QĐ-UBND ngày 15/6/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Chương trình
cải cách hành chính tỉnh An Giang giai đoạn 2011 - 2015.
Quyết định số
942/QĐ-UBND ngày 18/6/2012 của UBND tỉnh về công tác tổ chức làm việc ngày thứ
bảy hành tuần để tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính.
b) Về thể chế
công tác kiểm soát thủ tục hành chính của tỉnh
Quyết định số 35/2011/QĐ-UBND ngày 24/8/2011
của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành Quy chế phối hợp giữa Văn phòng Ủy ban
nhân dân tỉnh với các cơ quan, tổ chức trong kiểm soát thủ tục hành chính trên
địa bàn tỉnh An Giang. Nội dung Quyết định quy định cơ chế phối hợp giữa Văn
phòng Ủy ban nhân dân tỉnh với các cơ quan, tổ chức hữu quan.
Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày
29/8/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thẩm định
văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh An Giang ban hành kèm theo Quyết định
số 26/2010/QĐ-UBND ngày 05/5/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Quyết định số
48/2011/QĐ-UBND ngày 19/10/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định lập
dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành
chính.
Chỉ thị số
05/2012/ CT-UBND ngày 28/5/2012 về đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và
kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh An Giang.
2.1.2.
Về tổ chức
Cơ cấu tổ chức
nhân sự về cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính được thiết lập
từ Trung ương đến cấp tỉnh, cán bộ đầu mối về cải cách hành chính và kiểm soát
thủ tục hành chính giúp cho tỉnh kết nối công tác này đến các Sở, ban ngành,
UBND cấp huyện và UBND cấp xã. Cán bộ được giao nhiệm vụ thực
hiện nhiệm vụ cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị trên địa
bàn tỉnh cơ bản hợp lý, bảo đảm hoàn thành tốt công việc đề ra, các nội dung
của cải cách hành chính nói chung và kiểm soát thủ tục hành chính nói riêng
được triển khai nhanh chóng, hiệu quả đúng theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ và Văn
phòng Chính phủ. Cách thức tổ chức được thực hiện như sau:
- Phòng Cải cách hành chính giúp việc cho Giám đốc
Sở Nội vụ tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh điều hành việc thực hiện công tác
cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh. Đối với các Sở, ban ngành cán bộ cải
cách hành chính làm nhiệm vụ theo chế độ kiêm nhiệm; riêng cán bộ cải cách hành
chính tại các Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố được bố trí 01 cán
bộ thuộc Phòng Nội vụ.
- Phòng Kiểm
soát thủ tục hành chính giúp việc cho Chánh Văn phòng phòng Ủy ban nhân dân
tỉnh điều hành việc thực hiện công tác kiểm soát thủ tục hành chính trên địa
bàn tỉnh. Cán bộ đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính tại các Sở, ban, ngành,
Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã đã được thiết lập theo Quyết định số
1770/QĐ-UBND ngày 06/10/2011 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc công bố
danh sách cán bộ đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính tại các cơ quan hành
chính nhà nước trên địa bàn tỉnh gồm: 480 cán bộ đầu mối (46 cán bộ đầu mối
kiểm soát TTHC tại các Sở, ban, ngành tỉnh; 22 cán bộ đầu mối kiểm soát TTHC
cấp huyện; 312 cán bộ đầu mối kiểm soát TTHC cấp xã).
Nhằm đảm bảo
cho việc triển khai công tác cải cách hành chính và nhiệm vụ kiểm soát thủ tục
hành chính trên địa bàn tỉnh được thống nhất, đạt hiệu quả cao, theo kết luận
số 44/TB-UBND ngày 24 tháng 4 năm 2012, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo
kiện toàn, hợp nhất hai hệ thống cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành
chính.
2.1.3.
Về hoạt động cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính
Hoạt động cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính là hai
nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình cải cách hành chính của tỉnh giai đoạn
2011-2015.
Hệ thống cải cách hành chính quản
lý về chương trình cải cách hành chính của tỉnh giai đoạn 2011 - 2020; quản lý
cán bộ, công chức; quản lý Bộ phận một cửa các cơ quan đơn vị; tiếp nhận phản
ánh kiến nghị về hành vi hành chính; lập kế hoạch cải cách hành chính của tỉnh;
theo dõi các kế hoạch cải cách hành chính; báo cáo công tác cải cách hành chính
của các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố.
Hệ thống kiểm
soát thủ tục hành chính quản lý kế hoạch rà soát thủ tục hành chính; tiếp nhận
phản ánh kiến nghị về quy định hành chính; lập kế hoạch hoạt động kiểm soát thủ
tục hành chính; theo dõi các kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính và báo cáo
công tác kiểm soát thủ tục hành chính của các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân
huyện, thị, thành phố.
Đối với các
báo cáo về hoạt động cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính của Ủy
ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tập hợp gửi về Ủy ban nhân dân huyện,
thị, thành phố tổng hợp và báo cáo về Văn phòng Ủy ban nhân dân và Sở Nội vụ
theo chuyên môn quản lý.
2.2. Những
hạn chế, yếu kém:
Bên cạnh những
kết quả đạt được như trên, công tác kiểm soát thủ tục hành chính, cải cách hành
chính còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể như sau:
2.2.1.
Về thể chế
Kết thúc Đề án
30, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản để
hoàn thiện về thể chế công tác cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành
chính. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu sót về quy chế phối hợp hoạt động hệ thống cải
cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính, công tác tiếp nhận giải quyết
phản ánh kiến nghị về quy định hành chính và hành vi hành chính; chế độ, chính
sách cho cán bộ đầu mối cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính
chưa được quy định.
2.2.2. Về
tổ chức
Việc củng cố,
kiện toàn hệ thống cán bộ đầu mối về kiểm soát thủ tục hành chính tại các Sở,
ban ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố và Ủy ban nhân dân xã, phường,
thị trấn đã triển khai thực hiện. Tuy nhiên, do có biến động về nhân sự của
chính quyền cấp xã nên sự liên hệ với các cán bộ đầu mối gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, hệ thống cán bộ cải cách hành chính tại các Sở, ban, ngành, Ủy ban
nhân dân huyện, thị, thành phố và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chưa
thực sự được thiết lập.
Việc triển
khai công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục tại các cơ quan hành chính
nhà nước hiện nay mang tính chất kiêm nhiệm nên khối lượng công việc nhiều.
Ngoài ra, một cơ quan đơn vị không thể bố trí 4 cán bộ để theo dõi thực hiện
công tác kiểm soát thủ tục hành chính (2 cán bộ) và cải cách hành chính (2
cán bộ) như trước khi có chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại Thông báo kết luận số 44/TB-UBND ngày 24 tháng 4 năm 2012 ban hành
Quyết định về việc bố trí cán bộ đầu mối kết hợp phụ trách cải cách hành chính
và kiểm soát thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị.
2.2.3. Về
hoạt động
- Nhìn chung,
các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh đã có sự quan tâm, phối hợp với Văn phòng
Ủy ban nhân dân tỉnh trong thực hiện công tác rà soát quy định về thủ tục hành
chính. Tuy nhiên, một số đơn vị chưa triển khai thường xuyên, chưa đầu tư đúng
mức cho công việc này nên kết quả công việc có lúc chưa đạt chất lượng theo yêu
cầu.
- Việc theo
dõi đánh giá kết quả triển khai công tác kiểm soát thủ tục hành chính tại các
cơ quan hành chính nhà nước chưa được duy trì thường xuyên nên tình hình triển
khai nhiệm vụ này tại một số cơ quan chưa được tập trung, quyết liệt như trong
giai đoạn triển khai Đề án 30.
- Việc sửa đổi
các trường mục tin về hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính trên cổng thông
tin điện tử của tỉnh theo hướng đăng nhập trực diện, thuận tiện trong khai thác
và trao đổi thông tin, thực hiện còn chậm.
- Công tác truyền thông, công khai địa chỉ tiếp
nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính chưa chưa huy động được
sự tham gia của đông đảo người dân vào hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính
thông qua kênh phản ánh, kiến nghị. Mặt khác, do chưa có quy định về công tác
giải quyết phản ánh kiến nghị về thủ tục hành chính và hành vi hành chính nên
địa phương còn bị động.
- Chưa có sự
thống nhất trong cách thức, kỹ thuật công bố các thủ tục hành chính giữa Trung
ương và địa phương, dẫn đến số lượng, nội dung thủ tục thuộc thẩm quyền giải
quyết của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh do Bộ trưởng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân
tỉnh công bố có sự khác biệt.
- Một số văn bản
quy phạm pháp luật do Chính phủ, Bộ trưởng ban hành chưa được công bố nên việc
cập nhật thủ tục hành chính của địa phương lên cơ sở dữ liệu quốc gia chưa thực
hiện được.
- Cán bộ công chức
được phân công nhiệm vụ tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả chưa được tiếp cận
thường xuyên với những quy định mới nên có sự lúng túng trong quá trình giải
quyết công việc hoặc giải thích pháp luật chưa được thống nhất theo quy định.
- Trang thiết
bị, cơ sở vật chất tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả nhiều nơi chưa được
trang bị đầy đủ hoặc lạc hậu, những khó khăn này dẫn đến việc giải quyết thủ
tục hành chính cho người dân đôi khi không đúng thời hạn quy định.
- Cộng đồng
doanh nghiệp và người dân chưa có nhiều ý kiến đóng góp tham gia vào việc rà
soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thủ tục hành chính.
2.3. Nguyên
nhân chủ yếu của tình trạng yếu kém, hạn chế
Những hạn chế,
yếu kém trong công tác cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính lâu nay
có nhiều nguyên nhân. Trong đó, có một số nguyên nhân chủ yếu sau đây:
2.3.1.
Nhận thức về công tác cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính còn
hạn chế.
Việc nhận thức vai trò, ý nghĩa của công tác cải cách hành chính và kiểm soát
thủ tục hành chính một số nơi còn lẫn lộn, chưa đầy đủ. Do đó, tổ chức hoạt
động công tác cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính chưa được Thủ
trưởng cơ quan quan tâm, chăm lo ngang tầm nhiệm vụ. Nguyên nhân này tác động
không nhỏ đến sự phát triển của tổ chức và hoạt động cũng như chất lượng, hiệu
quả của công tác cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính.
2.3.2. Hệ thống pháp luật
liên quan đến giải quyết phản ánh kiến nghị về quy định hành chính và hành vi
hành chính chưa có văn bản quy định hoặc có văn bản quy định nhưng chồng chéo,
mâu thuẫn lẫn nhau.
Trong quá trình triển khai thực
hiện các thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh thời gian qua, Văn phòng Ủy ban
nhân dân tỉnh nhận đơn phản ánh của cá nhân, tổ chức phản ánh với nhiều nội dung
có tính chất khiếu nại về hành vi hành chính. Do chưa quy định về thầm quyền
giải quyết, cách phân loại đơn thư khiếu nại nên công tác này đang gặp khó
khăn, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các quy định của văn bản cấp trên.
2.3.4 .
Chưa có quy định về kinh phí cho việc thực hiện kế hoạch cải cách hành chính
tại các Sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân huyện, thị, thành phố.
Từ những cơ sở
chính trị, pháp lý và thực tiễn quản lý nhà nước ở địa phương cần thiết phải ban
hành Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động đầu mối hệ thống cải cách hành chính và
kiểm soát thủ tục hành chính .
II. QUAN
ĐIỂM CHỈ ĐẠO
1. Việc xây
dựng và triển khai thực hiện Đề án phải thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà
nước về cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính, bảo đảm đội ngũ
cán bộ đầu mối về cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính đáp ứng
các yêu cầu công việc đề ra.
2. Đề án phải khắc phục những hạn chế bất cập hiện nay trong tổ chức,
hoạt động về cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính: hoàn thiện
thể chế tiếp nhận phản ánh kiến nghị về quy định hành chính và hành vi hành
chính; nâng cao vị thế của tổ chức cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục
hành chính.
3. Đề án phải
đảm bảo tính khoa học, phù hợp với thực tiễn, đồng bộ và khả thi, tận dụng tối
đa nguồn lực hiện có. Có quy chế quản lý cán bộ đầu mối, cộng với các chế độ
chính sách để hoàn thiện tổ chức theo hướng đồng bộ, chuyên sâu.
III. MỤC
TIÊU CỦA ĐỀ ÁN
1. Mục tiêu
chung:
- Xây dựng và
đổi mới hoạt động hệ thống cán bộ đầu mối về cải cách hành chính và kiểm soát
thủ tục hành chính của tỉnh, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cải cách
hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính tại các cơ quan đơn vị trên địa bàn
tỉnh.
- Việc sắp xếp lại hệ thống cán bộ đầu mối phải đáp
ứng mục đích, yêu cầu về cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính,
phù hợp với Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VPCP-BNV ngày 26/01/2011 của Bộ
Nội vụ và Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ
chức và biên chế của bộ phận Kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn phòng Bộ,
cơ quan ngang Bộ và Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương.
2. Mục tiêu
cụ thể:
2.1. Về thể
chế:
- Đề án là cơ
sở để xây dựng quy định cơ chế phối hợp thực hiện công tác cải cách hành chính
và kiểm soát thủ tục hành chính của cán bộ đầu mối.
- Là cơ sở để
xây dựng cơ chế chính sách cho các cán bộ đầu mối về cải cách hành chính và
kiểm soát thủ tục hành chính.
2.2. Về tổ
chức cán bộ đầu mối:
- Hoàn thiện
hệ thống cán bộ đầu mối về cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính
ở 3 cấp (cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã).
- Sắp xếp tổ
chức cán bộ đầu mối về cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính phải
thực hiện theo hướng tinh, gọn, nâng cao chất lượng hoạt động. Bảo đảm hiệu quả
trong việc thực hiện chức năng tham mưu tổng hợp, bảo đảm cho hoạt động chung
của của cơ quan, đơn vị.
- Bảo đảm sự
liên hệ, trao đổi nghiệp vụ, thông tin giữa các cán bộ đầu mối với nhau. Đồng
thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ đầu mối trong các cơ quan, đơn
vị.
- Xác định rõ
chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục
hành chính, không để chồng chéo hoặc bỏ sót công việc. Đồng thời, xây dựng quy
chế phối hợp trong quá trình thực thi nhiệm vụ của cơ quan đơn vị.
- Sắp xếp số
lượng cán bộ đầu mối cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính phù
hợp với từng cơ quan đơn vị, gắn với chức năng nhiệm vụ cụ thể theo chế độ kiêm
nhiệm.
2.3. Về
hoạt động:
- Nâng cao
hiệu quả công tác cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính ở cơ
quan, đơn vị.
- Bảo đảm hoạt
động kiểm soát thủ tục hành chính trên tất cả các thủ tục hành chính được công
bố được thực hiện theo quy định thống nhất.
- Phản ánh
những khó khăn vướng mắt về quy định hành chính, kịp thời tháo gỡ khó khăn về
quy định hành chính trong toàn hệ thống.
2.4. Về
quản lý:
Bảo đảm hiệu
quả công tác cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn
tỉnh. Xây dựng cơ chế phối hợp cán bộ đầu mối về cải cách hành chính và kiểm
soát thủ tục hành chính theo hướng tăng cường vai trò trách nhiệm cán bộ đầu
mối và Sở Nội vụ, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực
hiện thắng lợi công tác cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính.
IV. GIẢI
PHÁP THIẾT LẬP HỆ THỐNG CÁN BỘ ĐẦU MỐI VỀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ KIỂM SOÁT THỦ
TỤC HÀNH CHÍNH, CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH
1. Hệ thống
cán bộ đầu mối
Hệ thống cán
bộ đầu mối về cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính được thiết
lập ở 3 cấp chính quyền (cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã), gồm: 419 người (cấp
tỉnh: 74 người, cấp huyện: 33 người, cấp xã 312 người).
1.1. Hệ
thống cán bộ đầu mối cấp tỉnh:.
- Lãnh đạo
chung về công tác cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính: Chủ
tịch, 01 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
- 19 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh: 03 người/đơn vị x 19 cơ quan = 57
người.
- 06 cơ quan
ngành dọc trên địa bàn tỉnh (Cục thuế, Hải Quan, Bảo hiểm xã hội, Công An, Ngân
hàng, Kho bạc): 03 người/đơn vị x 06 cơ quan = 18 người.
1.2. Hệ thống cán bộ đầu mối cấp huyện: 03
người/đơn vị x 11 huyện, thị xã, thành phố = 33 người.
1.3. Hệ
thống cán bộ đầu mối cấp xã: 02
người/đơn vị x 156 xã, phường, thị trấn = 312 người.
2. Chế độ
chính sách:
- Chế độ chính
sách chi cho việc đảm nhiệm thêm nhiệm vụ của lãnh đạo chung về công tác cải
cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính, cán bộ đầu mối tại các cơ quan
chuyên môn cấp tỉnh, UBND cấp huyện và UBND cấp xã là 20.000 đồng/người/ngày.
- Chế độ chính
sách chi cho việc đảm nhiệm thêm nhiệm vụ của cán bộ đầu mối tại các cơ quan
ngành dọc trên địa bàn tỉnh do Thủ trưởng cơ quan đó cân đối ngân
sách thực hiện theo quy định của cơ quan chủ quản Trung ương.
3. Thời
gian thực hiện:
Chế độ chính
sách chi cho cán bộ đầu mối về cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành
chính được áp dụng từ ngày Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về chế độ
chính sách cho cán bộ đầu mối cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành
chính có hiệu lực thi hành.
V. CHỨC NĂNG,
NHIỆM VỤ HỆ THỐNG CÁN BỘ ĐẦU MỐI VỀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH VÀ KIỂM SOÁT THỦ TỤC
HÀNH CHÍNH
1. Bộ phận
cải cách hành chính thuộc Sở Nội vụ:
1.1. Vị
trí và chức năng:
Bộ phận cải cách hành chính trực thuộc Sở Nội vụ có tên gọi là Phòng Cải
cách hành chính, có chức năng giúp Giám đốc Sở Nội vụ trong việc điều hành công
tác cải cách hành chính của tỉnh và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá
nhân, tổ chức về hành vi hành chính của cán bộ, công chức thuộc phạm vi, thẩm
quyền quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Phòng Cải cách hành chính chịu sự lãnh đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và hoạt động
của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; sự chỉ đạo trực tiếp
của Giám đốc Sở Nội vụ; đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về
chuyên môn, nghiệp vụ của Cục Cải cách
hành chính Bộ nội vụ.
1.2. Nhiệm vụ và quyền hạn:
Phòng Cải cách hành chính thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo Quyết định
số 28/2011/QĐ-UBND ngày 12/7/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành quy
định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Nội vụ tỉnh An
Giang.
2. Bộ phận
kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh
2.1. Vị trí
và chức năng:
Bộ phận kiểm
soát thủ tục hành chính trực thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh có tên gọi là
Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính, có chức năng giúp Chánh Văn phòng Ủy ban
nhân dân tỉnh trong việc điều hành công tác kiểm soát thủ tục hành chính và
tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành
chính thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân tỉnh theo quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP của Chính phủ về
Kiểm soát thủ tục hành chính và Nghị định số 20/2008/NĐ-CP của Chính phủ về
việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành
chính.
Phòng Kiểm
soát thủ tục hành chính chịu sự lãnh đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và hoạt
động của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; sự chỉ đạo trực
tiếp của Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; đồng thời chịu sự chỉ đạo,
kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Cục Kiểm soát thủ tục hành
chính.
2.2. Nhiệm vụ và quyền hạn:
Thực hiện theo
Quyết định số 02/2012/QĐ-UBND ngày 02/02/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc
ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn
phòng Ủy ban nhân dân tỉnh.
Chủ trì, phối
hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng quy chế phối hợp đối với các
thủ tục hành chính cần thực hiện cơ chế liên thông.
3. Cán bộ
đầu mối về cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính:
3.1. Thành
phần, số lượng:
- Đối với cấp
tỉnh:
+ Chủ tịch và
01 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo, điều hành công tác cải cách hành
chính và kiểm soát TTHC trên địa bàn tỉnh.
+ 01 Thủ
trưởng, 01 lãnh đạo Văn phòng và 01 chuyên viên các Sở, Ban ngành tỉnh.
- Đối với cấp
huyện gồm: Chủ tịch hoặc 01 Phó chủ tịch UBND, Chánh Văn phòng và 01 chuyên
viên Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân.
- Đối với cấp xã gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND và 01 chuyên viên.
3.2. Tiêu
chuẩn:
Cán bộ, công chức được giao nhiệm
vụ làm đầu mối cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính phải có khả
năng nghiên cứu, tổng hợp và đề xuất sáng kiến cải cách thủ tục hành chính. Ưu
tiên cán bộ, công chức có trình độ đại học một trong những chuyên ngành sau:
luật học, hành chính công, kinh tế.
3.3.
Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn:
Cán bộ đầu mối
cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính có chức năng, nhiệm vụ:
- Giúp lãnh đạo đơn vị trong việc kiểm soát thủ tục hành
chính, cải cách hành chính của tỉnh và tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của
cá nhân, tổ chức về hành vi hành chính của cán bộ, công chức thuộc phạm vi,
thẩm quyền quản lý.
- Thực hiện công tác cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục
hành chính theo hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Văn phòng UBND tỉnh
(thông qua Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính), Sở Nội vụ (thông qua Phòng Cải
cách hành chính).
- Là đầu mối trong công tác kiểm soát thủ tục hành
chính, cải cách thủ tục hành chính tại địa phương, đơn vị; theo dõi, phối hợp với Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn
phòng UBND tỉnh, Phòng Cải cách hành chính Sở Nội vụ trong tiếp
nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của cá
nhân, tổ chức về quy định và hành vi hành chính.
- Căn cứ
Chương trình Cải cách hành chính của tỉnh và tình hình thực tế của cơ quan, địa
phương, tham mưu lãnh đạo đơn vị lập kế hoạch cải cách hành chính và kiểm soát thủ
tục hành chính thực hiện tốt các mục tiêu, giải pháp trong Chương trình Cải
cách hành chính của tỉnh.
- Chịu trách
nhiệm và phối hợp tổ chức và kiểm tra việc thực hiện kiểm soát thủ tục hành
chính theo Nghị định số 63/2010/NĐ-CP; tăng cường thực hiện theo Nghị định số
20/2008/NĐ-CP.
- Rà soát các
quy định về thủ tục hành chính, thống kê các thủ tục hành chính mới ban hành,
tham gia góp ý những điểm không phù hợp, thiếu chính xác để trình Ủy ban nhân
dân tỉnh ban hành quyết định sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, hủy bỏ các quy
định có liên quan hoặc công bố lại các thủ tục hành chính hiện hành.
- Tham mưu cho
lãnh đạo đơn vị trong việc phân công công việc cụ thể, xác định rõ trách nhiệm
của mỗi cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia giải quyết hồ sơ, công việc
của tổ chức, cá nhân; phấn đấu giải quyết hồ sơ nhanh hơn so với thời gian theo
quy định; thực hiện giao tiếp, hướng dẫn tổ chức, công dân tận tình, chu đáo và
thân thiện; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh
những hạn chế, thiếu sót; tổ chức tốt việc tiếp nhận, xử lý những thông tin
phản ánh, kiến nghị của công dân; đề xuất đến Sở Nội vụ, Văn phòng UBND tỉnh xử
lý nghiêm các hành vi sách nhiễu, thiếu tinh thần trách nhiệm, xâm hại quyền và
lợi ích hợp pháp của công dân.
VI. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Ủy ban nhân
dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân thông qua Nghị quyết về chế độ, chính sách cho
cán bộ đầu mối (dự kiến tại kỳ họp thứ 1 năm 2013).
2. Sau khi được Ủy ban
nhân dân tỉnh phệ duyệt danh sách cán bộ đầu mối về cải cách hành chính và kiểm
soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2013, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Quyết định ban
hành quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế phối hợp của hệ thống cán bộ đầu
mối về cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính gửi các Sở, ngành
góp ý và trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành.
3. Căn cứ quyết định
của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành quy định về nhiệm vụ, quyền hạn công
tác phối hợp của hệ thống cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính,
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Nội vụ tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân
tỉnh thiết lập hệ thống cán bộ đầu mối tại ba cấp hành chính theo hướng chuyên
sâu đủ sức để hoàn thành tốt công tác cải cách hành chính và kiểm soát thủ tục
hành chính.
Trong quá trình thực
hiện quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của hệ thống cán bộ đầu mối về cải cách
hành chính và kiểm soát thủ tục hành chính, nếu cần thiết, Chánh Văn phòng Ủy
ban nhân dân tỉnh và Giám đốc Sở Nội vụ kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét
sửa đổi, bổ sung Đề án cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và quy định của pháp
luật./.