Quyết định 254-CP năm 1981 bổ sung chính sách khuyến khích khai hoang phục hoá do Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu 254-CP
Ngày ban hành 16/06/1981
Ngày có hiệu lực 16/06/1981
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Tố Hữu
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 254-CP

Hà Nội, ngày 16 tháng 6 năm 1981

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA  HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ SỐ 254-CP NGÀY 16-6-1981 BỔ SUNG CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH KHAI HOANG, PHỤC HOÁ

Để phát huy tiềm lực về đất đai, lao động, thực hiện phân bố lại sức lao động trong cả nước và ở từng vùng, góp phần phát triển kinh tế, tăng cường củng cố quốc phòng, cải thiện đời sống nhân dân;

Để xúc tiến việc xây dựng các vùng kinh tế mới theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm;

Cùng với việc đẩy mạnh khai khẩn các vùng đất hoang hoá lớn để xây dựng các vùng kinh tế mới theo quyết định số 95-CP ngày 27-3-1980 của Hội đồng Chính phủ;

Hội đồng Chính phủ ban hành chính sách này nhằm khuyến khích mạnh mẽ các địa phương và các cơ sở sản xuất còn đất bỏ hoang, bỏ hóa, nhận thêm lao động và dân cư đến khai khẩn, đồng thời khuyến khích mạnh mẽ các tổ chức tập thể hoặc cá nhân người lao động ở những nơi thiếu đất canh tác và số nhân khẩu phi nông nghiệp thiếu việc làm tự bỏ vốn đầu tư và công sức của mình là chính để chuyển gia đình đến các vùng có đất hoang hoá sinh cơ lập nghiệp.

I. QUYỀN LỢI VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐI KHAI HOANG

1. Quyền lợi:

Người đi khai hoang bằng vốn của mình là chính, có thể đi dưới danh nghĩa tập thể (hợp tác xã, tập đoàn sản xuất) hoặc dưới danh nghĩa hộ riêng lẻ, đều được hưởng các quyền lợi sau đây:

a) Diện tích đất giao cho tập thể hoặc cá nhân đến khai hoang sản xuất, được miễn nộp thuế nông nghiệp và nghĩa vụ bán nông sản theo thời hạn như sau:


Khu vực

Thời hạn miễn thuế nông nghiệp và miễn nghĩa vụ bán nông sản

 

Đất mới khai hoang

Đất mới phục hoá

1. Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng

5 năm

3 năm

2. Các tỉnh đông Nam bộ, Tây Nguyên và trung du, miền núi ở Trung bộ, Bắc bộ

7 năm

5 năm

3. Các huyện thuộc tuyến I của các tỉnh miền núi phía bắc, đông bắc, tây bắc, các hải đảo và các vùng núi cao

15 năm

10 năm

b) Sản phẩm sản xuất ra trên các loại đất nói trên, nếu không thuộc loại nông sản Nhà nước độc quyền kinh doanh, được phép tiêu thụ tại thị trường địa phương.

Các gia đình đi khai hoang sản xuất theo chính sách này không phải làm nghĩa vụ bán lợn thịt như quy định trong quyết định số 311-CP ngày 1-10-1980.

Nếu có nông sản bán cho Nhà nước được trả theo giá thoả thuận.

c) Những đối tượng sau đây được Nhà nước bán lương thực theo giá cung cấp (kể từ ngày tới nơi ở mới):

- Công nhân, viên chức Nhà nước được thôi việc đi khai hoang sản xuất, bản thân và những người ăn theo thuộc đối tượng được cung cấp lương thực thì được mua lương thực trong 36 tháng kể từ khi thôi việc theo tiêu chuẩn: lao động chính 18 kg/tháng, lao động phụ 16 kg/tháng, người ăn theo khác theo tiêu chuẩn quy định đối với trẻ em và người già trong khu vực phi nông nghiệp.

- Nhân dân thành phố, thị xã đi khai hoang được mua lương thực trong 12 tháng theo tiêu chuẩn: lao động chính 18 kg/tháng, lao động phụ 16 kg/tháng; người ăn theo khác được mua theo tiêu chuẩn quy định đối với trẻ em và người già trong khu vực phí nông nghiệp.

- Nhân khẩu nông nghiệp đi khai hoang được mua lương thực trong thời gian 6 tháng theo tiêu chuẩn: lao động chính 18 kg/tháng, lao động phụ 16 kg/tháng; người ăn theo khác được mua theo tiêu chuẩn quy định đối với trẻ em và người già trong khu vực phi nông nghiệp.

- Người đi khai hoang nếu trồng cây công nghiệp, chăn nuôi hay làm nghề rừng là chính và nếu ký hợp đồng bán sản phẩm cho Nhà nước sẽ được Nhà nước bán lương thực theo quyết định số 95-CP ngày 27-3-1980 đối với hợp tác xã, tập đoàn sản xuất trồng cây công nghiệp.

d) Người đi khai hoang ngoài tỉnh và sang huyện khác trong tỉnh có giấy giới thiệu của Uỷ ban nhân dân huyện được ưu tiên mua vé tàu xe và ký hợp đồng với các xí nghiệp vận tải để chuyên chở tư liệu sản xuất và sinh hoạt đến nơi ở mới; được Nhà nứơc cấp phí vận chuyển người và hành lý từ nơi đang cư trú đến nơi mới bằng phương tiện vận chuyển thông thường.

đ) Tuỳ theo tình hình đất đai ở mỗi địa phương, người khai hoang được giao đất nông nghiệp tính theo nhân khẩu, bình quân mỗi nhân khẩu từ 2.000 đến 3.000 m2 để trồng cây lương thực, các loại cây ngắn ngày và làm đất thổ cư. Nếu trồng cây lâu năm, cây lấy gỗ có thể được giao thêm đất tuỳ theo khả năng lao động thực tế của mỗi tập thể hoặc mỗi hộ.

e) Được hưởng các quyền lợi về học tập, chữa bệnh như nhân dân địa phương nơi đến. Nếu phải nằm bệnh viện thì được miễn viện phí (kể cả tiền thuốc và tiền ăn) trong 3 năm đầu kể từ ngày đến nơi ở mới.

g) Được vay vốn tín dụng ngân hàng theo chính sách tín dụng hiện hành đối với sản xuất nông nghiệp như cho vay để mua trâu, bò, nông cụ, giống cây, con, phương tiện chế biến sản phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng... và được hưởng mức lãi suất nhẹ nhất.

h) Được mua vật liệu hoặc khai thác vật liệu địa phương để làm nhà ở, chuồng trại... theo mức địa phương quy định.

i) Nhân dân ở thành phố, thị xã đi khai hoang nếu chưa muốn chuyển ngay hộ tịch đến nơi ở mới thì vẫn được đăng ký thường trú tại nơi ở cũ cho đến khi ổn định sản xuất và đời sống ở nơi mới; thời gian được hoãn chuyển đăng ký hộ tịch không quá 3 năm; sau thời gian nói trên, phải chuyển hẳn hộ tịch đến nơi ở mới. Việc chuyển hộ tịch và đăng ký hộ tịch đối với người đi khai hoang, thực hiện theo quy chế do Bộ Nội vụ quy định nhằm vừa bảo đảm trật tự an ninh, vừa tạo những điều kiện thuận lợi cho người đi khai hoang sản xuất.

k) Trong 3 năm đầu kể từ khi tới nơi khai hoang, được sử dụng số ngày công lao động nghĩa vụ vào việc xây dựng công trinh lợi ích công cộng của xóm, ấp, nếu không có lệnh tổng động viên thì những người trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự được tạm hoãn tuyển quân.

l) Tài sản riêng của người đi khai hoang tại nơi ở cũ do người đi khai hoang tự giải quyết hoặc nhờ hợp tác xã, tập đoàn sản xuất giúp đỡ giải quyết.

2. Trách nhiệm:

[...]