Quyết định 95-CP năm 1980 về chính sách xây dựng các vùng kinh tế mới do Hội đồng Chính phủ ban hành

Số hiệu 95-CP
Ngày ban hành 27/03/1980
Ngày có hiệu lực 27/03/1980
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Hội đồng Chính phủ
Người ký Tố Hữu
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 95-CP

Hà Nội, ngày 27 tháng 3 năm 1980

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ SỐ 95-CP NGÀY 27-3-1980 VỀ CHÍNH SÁCH XÂY DỰNG CÁC VÙNG KINH TẾ MỚI

Mở rộng diện tích nông, lâm nghiệp, xây dựng các vùng kinh tế mới là nhiệm vụ kinh tế cực kỳ quan trọng nhằm phát triển sản xuất, phân bố lại lực lượng lao động, góp phần củng cố quốc phòng và tạo điều kiện đẩy mạnh hợp tác kinh tế với nước ngoài.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ nói trên, theo tinh thần nghị quyết hội nghị trung ương Đảng lần thứ sáu, Hội đồng Chính phủ quyết định các chính sách sau đây.

I. CHÍNH SÁCH ĐẦU TƯ

1. Việc đầu tư mở mang diện tích nông, lâm nghiệp, xây dựng vác vùng kinh tế mới phải theo các nguyên tắc sau đây:

a. Đầu tư đồng bộ và tập trung, dứt điểm, trước hết là đầu tư chiều sâu để củng cố và phát huy hiệu quả kinh tế của các cơ sở sản xuất đã và đang xây dựng, đầu tư cho các vùng sản xuất lương thực với khối lượng lớn, vùng chuyên canh cây công nghiệp và cây con xuất khẩu.

b. Chỉ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho các đơn vị sản xuất, hoặc các công trình chung cho từng vùng kinh tế mới sau khi đã tiến hành điều tra khảo sát, lập quy hoạch, có tài liệu thiết kế được cấp có thẩm quyền xét duyệt.

Trong trường hợp cần thiết phải vừa thiết kế vừa xây dựng thì phải tuân theo đúng những thủ tục do liên Bộ Nông nghiệp - Tài chính - Ngân hàng - Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước quy định.

c. Đơn vị được đầu tư có trách nhiệm sử dụng đất đai, tài nguyên, tiền vốn, vật tư theo đúng quy hoạch thiết kế và định mức kinh tế - kỹ thuật; đưa các công trình vào sử dụng đúng thời hạn, có hiệu quả nhanh, vững chắc; tổ chức bộ máy quản lý vốn đầu tư, chịu trách nhiệm trước Nhà nước về hiệu quả vốn đầu tư, giao nộp hoặc bán sản phẩm cho Nhà nước theo kế hoạch.

2. Đối với khu vực kinh tế quốc doanh, các loại công trình sau đây được ngân sách Nhà nước cấp vốn:

- Các công trình phục vụ sản xuất, đời sống chung cho toàn vùng kinh tế mới;

- Các công trình mà tài sản cố định tạo thành không phải trích nộp khấu hao (như đê, đập, cầu, âu kè, cống, đường sá, khai hoang, xây dựng đồng ruộng, cải tạo đất lần đầu...);

- Các công trình có tính chất hành chính, sự nghiệp, nghiên cứu thí nghiệm;

- Các công trình phúc lợi công cộng của đơn vị sản xuất kinh doanh.

Ngoài các loại công trình nói trên, đối với các loại công trình khác có tính chất sản xuất kinh doanh tính toán được hiệu quả kinh tế và xác định được nguồn vốn để trả nợ thì được Nhà nước đầu tư bằng vốn tín dụng.

3. Đối với khu vực kinh tế tập thể, ngân sách Nhà nước hỗ trợ vốn đầu tư cho các hợp tác xã hoặc tập đoàn sản xuất để xây dựng các loại công trình và đài thọ các chi phí sau đây:

- Các công trình khai hoang xây dựng đồng ruộng; cải tạo đất lần đầu ; xây dựng cải tạo đồng cỏ; khai hoang trồng rừng; chăm sóc và tu bổ rừng tự nhiên;

- Các công trình phúc lợi công cộng: nhà trẻ, lớp mẫu giáo, một số phòng học trường phổ thông cơ sở, trạm y tế (gồm cả thiết bị bên trong), cửa hàng hợp tác xã mua bán;

- Trụ sở làm việc, nhà hội họp...;

- Các trạm tập kết và đón tiếp người lao động;

- Chi phí về tuyên truyền vận động người đi vùng kinh tế mới; chi phí mua sắm cho sinh hoạt tập thể của số người đi chuẩn bị trước; chi phí quản lý năm đầu theo mức do liên Bộ Nông nghiệp - Lâm nghiệp - Tài chính quy định.

Những hợp tác xã hoặc tập đoàn sản xuất đã có ở vùng còn đất hoang hoá, nếu nhận bổ sung thêm lao động và dân để mở rộng sản xuất, cũng được ngân sách Nhà nước cấp vốn hỗ trợ để khai hoang, xây dựng đồng ruộng, cải tạo đất lần đầu và xây dựng thêm các công trình phúc lợi công cộng.

Riêng đối với các cơ sở của đồng bào định canh định cư, còn được trợ cấp thêm một lần các chi phí trồng cây dài ngày, cây đặc sản (có một phần chi phí trong thời kỳ chăm sóc); chi phí lần đầu về giống và phân bón hoá học để trồng cây ngắn ngày; chi phí xây dựng chuồng trại chăn nuôi tập thể.

Vốn xây dựng các loại công trình phục vụ sản xuất kinh doanh khác và vốn chi phí sản xuất được Nhà nước đầu tư bằng vốn tín dụng.

Các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất phải cố gắng tự giải quyết việc thanh lý tài sản của người đi xây dựng vùng kinh tế mới. Trường hợp không đủ vốn để trả cho người đi thì Ngân hàng Nhà nước cho vay dài hạn với lãi suất nhẹ phần còn thiếu.

4. Phương thức quản lý vốn đầu tư xây dựng vùng kinh tế mới được quy định như sau:

a. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp, căn cứ số kiểm tra về vốn đầu tư và vật tư, lương thực cho vùng kinh tế mới, lập kế hoạch phân bổ cho các vùng, các địa phương và cơ sở trực thuộc để đề nghị Hội đồng Chính phủ thông qua, đồng thời quản lý việc thực hiện vốn đầu tư và quyết toán kế hoạch đầu tư theo chế độ Nhà nước quy định.

[...]