Chỉ thị 40-HĐBT năm 1983 về việc tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển kinh tế, xã hội ở các tỉnh Tây Nguyên do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 40-HĐBT
Ngày ban hành 04/05/1983
Ngày có hiệu lực 19/05/1983
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Tố Hữu
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 40-HĐBT

Hà Nội, ngày 04 tháng 5 năm 1983

 

CHỈ THỊ

TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH VIỆC PHÁT TRIỂN KINH TẾ, XÃ HỘI Ở CÁC TỈNH TÂY NGUYÊN

Trong thời gian qua, các tỉnh Tây Nguyên đã tích cực thực hiện chỉ thị số 37-CT/TƯ của Ban Bí thư trung ương Đảng, nghị quyết số 31-HĐBT ngày 22-2-1982 của Hội đồng bộ trưởng và các chỉ thị, nghị quyết khác của trung ương, Chính phủ và đã đạt thành tích khá trên nhiều mặt về xây dựng kinh tế, phát triển văn hoá, giáo dục, y tế, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, cải tạo và xây dựng quan hệ sản xuất mới, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội.

Trong nông nghiệp, sản xuất lương thực phát triển khá đã bước đầu ổn định được đời sống nhân dân trong địa phương và hơn nữa còn tạo điều kiện tiếp nhận 30 vạn người ở các nơi khác lên xây dựng kinh tế mới. Diện tích và sản lượng cây công nghiệp, cây thực phẩm tăng nhanh, việc gieo trồng mới cây công nghiệp dài ngày do bảo đảm kỹ thuật tốt hơn nên phát triển vững chắc. Đàn gia súc, gia cầm phát triển khá, phong trào nuôi cá được mở rộng.

Việc định canh, định cư và tiếp nhận dân đến xây dựng kinh tế mới tương đối tốt.

Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng về giá trị sản lượng và mặt hàng, trong đó tiểu, thủ công nghiệp tăng nhanh.

Các mặt về phân phối lưu thông, xuất khẩu đạt được những kết quả tốt bước đầu.

Phong trào hợp tác hoá nông nghiệp phát triển nhanh và tương đối vững chắc.

Sự nghiệp phát triển văn hoá, giáo dục, y tế có nhiều cố gắng và thu được kết quả đáng mừng. An ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững.

Tóm lại, việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Ban Bí thư và Hội đồng bộ trưởng trong mấy năm qua đã đạt nhiều thành tựu có ý nghĩa cơ bản. Tuy nhiên, bên cạnh các thành tựu nói trên, còn tồn tại một số vấn đề chưa được giải quyết tốt như công tác điều tra cơ bản và phân vùng, quy hoạch chưa đầy đủ; rừng tiếp tục bị cháy và bị phá nghiêm trọng làm cho diện tích đất trống, đồi trọc tăng lên nhiều; giao thông vận tải còn rất khó khăn, nhất là trong nông thôn, cơ sở vật chất kỹ thuật còn rất yếu, công nghiệp, nhất là các ngành công nghiệp có ý nghĩa cơ bản như điện, cơ khí... còn nhỏ chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất trong địa phương công tác phân phối lưu thông, nắm nguồn hàng, quản lý thị trường và giá cả còn yếu; đời sống của nhân dân, cán bộ, bộ đội, nhất là trong đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn về ăn, mặc, ở, đi lại, chữa bệnh, học tập, lao động còn quá ít; cán bộ thiếu, yếu và chưa được sử dụng tốt; chỉ đạo và đầu tư của Nhà nước, của trung ương chưa đúng mức và chưa đồng bộ.

Để đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng Tây Nguyên theo tinh thần chỉ thị số 37-CT/TƯ của Ban Bí thư trung ương Đảng, nghị quyết số 31-HĐBT của Hội đồng bộ trưởng, và gần đây là nghị quyết hội nghị lần thứ 3 của Ban chấp hành trung ương Đảng, Hội đồng bộ trưởng chỉ thị một số vấn đề sau đây:

1. Khẳng định lại phương hướng cơ bản phát triển kinh tế là xây dựng các tỉnh Tây Nguyên thành vùng kinh tế có cơ cấu nông-lâm-công nghiệp kết hợp. Tiềm năng của các tỉnh ở Tây Nguyên rất to lớn và phong phú, do đó, phải nhanh chóng phát huy các thế mạnh về phát triển cây công nghiệp, nghề rừng và chăn nuôi để cải thiện đời sống của nhân dân các dân tộc và phục vụ tốt sự nghiệp công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, cùng với miền đông Nam bộ, trở thành vùng xuất khẩu lớn về nông sản, lâm sản của cả nước, làm cho vùng Tây Nguyên thành địa bàn giàu có về kinh tế, phát triển về văn hoá, vững mạnh về chính trị và an ninh quốc phòng.

Để thực hiện phương hướng cơ bản nói trên, cần xác định cụ thể các vấn đề về phương hướng, nhiệm vụ, tổ chức sản xuất, quản lý kinh tế, xã hội và bước đi hợp lý trong 3 năm trước mắt và những năm 80 tiếp theo để thực hiện thắng lợi các mục tiêu về phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, phân phối lưu thông, văn hoá xã hội.

2. Giải quyết vững chắc vấn đề lương thực, thực phẩm, đồng thời tập trung khả năng phát huy mạnh mẽ các thế mạnh về cây công nghiệp, nghề rừng và chăn nuôi.

Về sản xuất lương thực, phấn đấu đến mức cao nhất việc phát triển sản xuất lương thực tại chỗ. Đặc biệt chú trọng thâm canh, tăng vụ lúa nước trên diện tích hiện có. Đẩy mạnh diện tích hoa màu (ngô, khoai, sắn), theo hướng tích cực phát triển diện tích song phải chú trọng thâm canh, hạn chế từng bước việc trồng màu theo lối quảng canh, du canh. Nhanh chóng chấm dứt việc phá rừng, phát nương để làm lương thực, chuyển dần từng bước diện tích nương rẫy làm lương thực không có hiệu quả cao sang trồng cây công nghiệp, hoặc trồng lại rừng.

Tập trung khả năng xây dựng các vùng cao sản về lương thực nhất là lúa. Tổ chức tốt việc chế biến để đưa hoa màu vào bữa ăn với mức cao và để phát triển mạnh chăn nuôi gia súc. Chú ý phát triển các loại rau, quả, đỗ đậu, chăn nuôi để có cơ cấu bữa ăn hợp lý hơn.

Ngoài việc phát triển sản xuất lương thực tại chỗ có ý nghĩa rất cơ bản, để nhanh chóng tiếp nhận lực lượng lao động từ miền xuôi lên xây dựng Tây Nguyên, việc giải quyết vấn đề lương thực cần dựa một phần vào nguồn cung cấp từ nơi khác tới, thực hiện trên cơ sở trao đổi các sản phẩm cây công nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi.

Về cây công nghiệp, là thế mạnh kinh tế lớn nhất và là nguồn hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Tây Nguyên, cần tập trung vào các loại cây ngắn ngày như lạc, các loại đậu, thầu dầu, mía, thuốc lá, bông..., cây dài ngày như cà-phê, cao-su, chè, dâu tằm. Nghiên cứu khả năng phát triển đào lộn hột, ca cao, dứa dại, sơn, bông gòn, cây có dầu khác...

Cà-phê và cao-su ở Tây Nguyên là hai cây đặc sản có giá trị cao và tiềm năng phát triển thuận lợi cho nên cần được quan tâm đặc biệt.

Về cà-phê, tập trung khả năng phát triển ở các vùng có nguồn nước tưới. Vận dụng mọi hình thức tổ chức sản xuất quốc doanh, tập thể và gia đình. Mở rộng hình thức hợp tác với các nước xã hội chủ nghĩa anh em.

Về cao-su, phải quy hoạch lại đất đai để có thể đưa diện tích lên 30-40 vạn héc ta cao-su ở Gia Lai - Công Tum và Đắc Lắc.

Theo kinh nghiệm thực tế cũng như kết quả nghiên cứu, việc phát triển sản xuất cà-phê và cao-su có thể thực hiện kết hợp trong từng vùng, thậm chí trong từng nông trường. Nơi gần nguồn nước thì trồng cà-phê, nơi xa nguồn nước trồng cao-su.

Trong thời gian trước mắt, cần coi trọng phát triển cây công nghiệp ngắn ngày vì đầu tư ít, mau thu hiệu quả, điều kiện đất đai thuận lợi; ngoài những diện tích sản xuất tập trung, có thể phát triển sản xuất theo hình thức trồng xen với cây dài ngày. Đây là một hình thức lấy ngắn nuôi dài có ý nghĩa thiết thực.

Về chăn nuôi, ngoài việc phát triển đàn lợn và gia cầm, dê, thỏ, cá, ong... phải tập trung đẩy mạnh chăn nuôi bò và trâu. Phải coi trọng việc sinh sản tại chỗ, phát triển nhanh đàn bò, bao gồm bò thịt, bò thịt kiêm sữa, bò sữa phù hợp với từng phần cụ thể. Bộ Nông nghiệp có trách nhiệm giúp tỉnh Lâm Đồng phát triển đàn bò sữa. Xây dựng những vùng ngô tập trung, kết hợp tốt việc sản xuất với chế biến làm thức ăn cho gia súc.

Để thực hiện phương hướng sản xuất nông nghiệp trên đây, biện pháp quan trọng là phải hoàn chỉnh công tác phân vùng quy hoạch; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cũng như chế biến, đối với cây công nghiệp, cũng như với lương thực, thực phẩm và sản phẩm rừng. Trong ngành trồng trọt, hết sức coi trọng việc phát triển công tác thuỷ lợi. Phương hướng cơ bản phát triển thuỷ lợi là đào đắp các hồ, đập, quy mô vừa và nhỏ là chính; tiến hành từng bước việc xây dựng các công trình lớn; kết hợp việc làm thuỷ lợi với các biện pháp giữ ẩm, chống xói mòn; chú ý khảo sát, sử dụng tốt nguồn nước ngầm. Có biện pháp cụ thể thiết thực giải quyết vấn đề phân bón. Vận động quần chúng tăng mạnh nguồn phân hữu cơ, cả phân xanh và phân chuồng đồng thời bổ xung thêm nguồn phân vô cơ bằng phương thức xuất nhập khẩu; Nhà nước cũng cần tính toán thêm khả năng cung cấp phân vô cơ cho địa phương. Quan tâm hơn nữa về vấn đề giống, chú ý giống tốt, bố trí cơ cấu giống cây trồng và mùa vụ cho hợp lý để có hiệu quả cao. Trong ngành chăn nuôi, giống gia súc cũng là vấn đề lớn, cần chú ý việc chọn lọc, lai tạo. Phát triển mạnh các cơ sở phòng trừ sâu bệnh cây trồng và dịch bệnh gia súc. Vận động quần chúng xây dựng chế độ bảo hiểm về thú y. Chú ý sử dụng các nguồn dược liệu địa phương để trừ sâu bệnh.

3. Làm tốt việc bảo vệ rừng, trồng rừng, phủ xanh diện tích đất trống, đồi trọc, và khai thác hợp lý gỗ và lâm sản.

Phải giáo dục cho cán bộ và đồng bào các dân tộc ý thức coi việc kinh doanh rừng như việc trồng cây công nghiệp, cây xuất khẩu vì nó có hiệu quả kinh tế cao.

Thực hiện nhanh chính sách của Nhà nước về giao đất, giao rừng cho tập thể và gia đình để trồng rừng, bảo vệ rừng và quản lý kinh doanh, đồng thời nghiên cứu các biện pháp quản lý có hiệu quả khác để ngăn chặn ngay nạn cháy rừng và tệ phá rừng, bảo vệ tốt các vùng rừng quý, rừng cấm, Bộ Lâm nghiệp trình Thường vụ Hội đồng bộ trưởng quyết định khoanh những khu rừng dự trữ quốc gia, rừng cấm và rừng đặc sản khác.

[...]