Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 2528/QĐ-UBND năm 2013 về Đề án "Bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020"

Số hiệu 2528/QĐ-UBND
Ngày ban hành 12/08/2013
Ngày có hiệu lực 12/08/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Nguyễn Thành Trí
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
 TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2528/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 12 tháng 8 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN “BẢO TỒN, PHÁT TRIỂN VĂN HÓA DÂN TỘC THIỂU SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2013 - 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 170/2003/QĐ-TTg ngày 14/8/2003 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa;

Căn cứ Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 05 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”;

Căn cứ Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”;

Căn cứ Chỉ thị số 194/CT-BVHTTDL ngày 20 tháng 10 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án "Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án "Bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông; Giáo dục và Đào tạo; Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Nội vụ; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tư pháp; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa cùng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- BTG TU; Ban Dân vận TU;
- Chủ tịch, PCT UBND tỉnh;
- Chánh, PVP Văn xã;
- Lưu: VT, VX, TTCB.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thành Trí

 

ĐỀ ÁN

BẢO TỒN, PHÁT TRIỂN VĂN HÓA DÂN TỘC THIỂU SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI GIAI ĐOẠN 2013 - 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số /QĐ-UBND ngày tháng năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai)

I. CƠ SỞ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Căn cứ Quyết định số 170/2003/QĐ-TTg ngày 14/8/2003 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa;

Căn cứ Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 05 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”;

Căn cứ Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”;

Căn cứ Chỉ thị số 194/CT-BVHTTDL ngày 20 tháng 10 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”.

II. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Trong những năm qua, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã có nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Từ những chủ trương, chính sách chung của Trung ương, tỉnh đã cụ thể hóa thành những chương trình, dự án, kế hoạch để triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả, thành tựu đáng kể. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về văn hóa nói chung và văn hóa dân tộc thiểu số nói riêng được nâng lên. Đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào từng bước được cải thiện. Công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa các dân tộc thiểu số đã có bước phát triển mới về quy mô cũng như chiều sâu; các thiết chế văn hóa (Nhà văn hóa dân tộc) được triển khai xây dựng đi vào hoạt động; nhiều chương trình, kế hoạch về sưu tầm văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào được thực hiện… tất cả đã góp phần vào việc bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Tuy nhiên, do tốc độ phát triển kinh tế nhanh, cộng với sự giao lưu tiếp biến văn hóa (người Kinh và DTTS sống đan xen) làm cho một số nét văn hóa truyền thống của các dân tộc bị biến đổi, mai một. Sự phát triển không đồng đều về quy mô dân số cũng như địa bàn sống, điều kiện sống, dân trí thấp; nhiều cộng đồng dân tộc vẫn mang nặng tâm lý tự ti, có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, quen chấp nhận, chịu đựng đói nghèo, đi theo lối mòn lạc hậu…; những đặc điểm này đã trở thành rào cản, gây khó khăn đối với việc bảo tồn và phát triển văn hóa vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa còn rất lớn giữa vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS với vùng đô thị. Một số Nhà văn hóa dân tộc được xây dựng nhưng nội dung hoạt động còn nhiều bất cập, khó khăn do thiếu kinh phí, con người và thiết bị. Bên cạnh đó, sự giao lưu văn hóa quốc tế và trong nước ngày càng nhiều, sự bùng nổ công nghệ thông tin, phương tiện nghe nhìn hiện đại…đã tác động mạnh mẽ, tạo ra những biến đổi lớn về diện mạo, đặc điểm, loại hình văn hóa ở Đồng Nai nhưng cũng đặt ra nhiều thử thách gay gắt, đặc biệt đối với văn hóa các DTTS về vấn đề tiếp biến, đồng hóa văn hóa, trong đó ngôn ngữ mẹ đẻ, trang phục và một số lễ hội truyền thống của đồng bào đã có sự thay đổi, biến dạng (không còn nguyên bản sắc), có nguy cơ mai một. Dân tộc Cơ Ho là dân tộc bản địa ở Đồng Nai nhưng nay cũng không bảo tồn được lễ hội truyền của đồng bào. Hầu hết đồng bào dân tộc đến từ các tỉnh phía Bắc như: Tày, Nùng, Dao, Mường… có nguy cơ mai một về tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống… Một số dân tộc rất ít người như: Ngái, Phú Lá, Giáy, H' Mông, Sán Chay, La Chí… không còn giữ được bản sắc tộc người, đồng bào dần dần hòa nhập sống theo phong tục tập quán của người Kinh. Do điều kiện kinh tế khó khăn, những nhạc cụ dân tộc (đặc biệt là cồng chiêng) không còn lưu giữ nhiều trong cộng đồng; bị thất thoát, mai một dần do nạn buôn bán đồ cổ. Người lớn tuổi và các nghệ nhân dân tộc thiểu số am tường về các nhạc cụ truyền thống ngày càng ít đi, trong khi lớp trẻ không có ý thức giữ gìn vốn văn hóa truyền thống của dân tộc mình hoặc nếu có muốn cũng gặp khó khăn về việc truyền dạy.

[...]