NGHỊ QUYẾT
V/V THÔNG QUA ĐỀ ÁN “BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA CÁC DÂN TỘC
TỈNH ĐIỆN BIÊN GẮN VỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI ĐẾN NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN
NĂM 2020”.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
KHÓA XIII - KỲ HỌP THỨ BẢY
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26
tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Di sản văn hóa ngày 29 tháng 6
năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18
tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm
2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009;
Căn cứ Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06 tháng
05 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn
hoá đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 05 tháng
01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án “Phát triển văn hóa
nông thôn đến 2015, định hướng đến năm 2020”;
Căn cứ Chỉ thị số 1971/CT-TTg ngày 27 tháng
10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dân tộc trong thời kỳ
công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước;
Căn cứ Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14
tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc;
Căn cứ Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 27
tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án bảo tồn, phát triển
văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 230/2006/QĐ-TTg ngày 13
tháng 10 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển
kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên thời kỳ 2006 - 2020;
Căn cứ Chỉ thị số
194/CT-BVHTTDL ngày 20 tháng 10 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về
việc tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân
tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020”;
Căn cứ Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 07 tháng 7
năm 2011 của Tỉnh ủy Điện Biên về Chương trình hành động của Ban chấp hành Đảng
bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ
tỉnh (nhiệm kỳ 2011 - 2015);
Căn cứ Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 20 tháng
12 năm 2012 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về Chương trình bảo tồn và phát triển
văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội đến năm
2015, định hướng đến năm 2020;
Sau khi xem xét Tờ trình số
875/TTr-UBND ngày 11 tháng 4 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên về việc
thông qua Đề án “Bảo tồn và phát triển văn hóa các
dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2015, định
hướng đến năm 2020”; Báo cáo thẩm tra số
16/BC-HĐND ngày 25 tháng 4 năm 2013 của Ban Văn hóa - Xã hội và ý kiến của đại
biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Đề án “Bảo tồn và phát triển văn
hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội đến năm
2015, định hướng đến năm 2020” với các nội dung sau:
I- Quan điểm, mục tiêu.
1-
Quan điểm.
-
Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên là nhiệm vụ quan trọng,
xuyên suốt, cần được quán triệt và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc; tạo điều kiện
để các dân tộc bình đẳng, tăng cường đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng
tiến bộ, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu: Sớm đưa tỉnh Điện Biên ra khỏi
tình trạng kém phát triển, xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà
bản sắc dân tộc.
-
Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên là trách nhiệm của cả hệ
thống chính trị và của toàn dân; gắn bảo tồn, phát triển văn hóa với giữ vững ổn
định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề xã hội và thực
hiện tốt chính sách dân tộc.
-
Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc là duy trì, phát huy những giá trị, bản
sắc văn hóa tốt đẹp, đi đôi với bài trừ các hủ tục lạc hậu. Tập trung bồi dưỡng,
phát triển nhân lực, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn
hóa.
2.
Mục tiêu.
2.1
Mục tiêu chung.
-
Bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc phù hợp với điều kiện thực
tế từng địa bàn, từng dân tộc. Phát huy vai trò các chủ thể văn hóa trong phát
triển giá trị văn hóa của các dân tộc, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu và tệ nạn xã hội.
Giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước, con người, lòng tự hào dân tộc,
truyền thống đoàn kết các dân tộc. Giảm sự chênh lệch về mức sống và mức hưởng
thụ văn hóa giữa các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
-
Tuyên truyền, giáo dục và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia
các hoạt động bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc; nâng cao chất lượng, hiệu
quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", phát
triển văn hóa cơ sở thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục
tiêu vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đảm bảo quốc
phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, chủ quyền biên giới quốc gia.
2.2
Mục tiêu cụ thể.
*
Đến năm 2015.
-
Trên 50% số các dân tộc được kiểm kê, đánh giá, lập hồ sơ di sản văn hóa.
-
Có ít nhất 15% số xã, phường, thị trấn và 20% số thôn, bản có nhà văn hóa tự chủ
chương trình hoạt động do chủ thể văn hóa tự thực hiện; 100% thôn, bản được gắn
biển tên.
-
Có 40% trở lên cán bộ văn hóa - xã hội cấp xã là người dân tộc thiểu số tại địa
bàn, hoặc là người có hiểu biết về phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của
địa phương và được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ.
-
Mỗi huyện, thị xã, thành phố được hỗ trợ phát triển ít nhất 01 nghề truyền thống;
hỗ trợ, bảo tồn và phát triển một số loại hình dân ca, dân vũ, nhạc cụ, trang
phục, trang sức truyền thống, lễ hội và trò chơi dân gian, ẩm thực dân tộc...
và hoạt động du lịch đặc trưng góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
-
Toàn tỉnh, hỗ trợ đầu tư bảo tồn mới từ 03 bản văn hóa truyền thống dân tộc và
10 bản văn hóa - du lịch trở lên.
-
Chú trọng bảo tồn các dân tộc rất ít người (Si La và Cống) ra khỏi tình trạng cần
bảo vệ khẩn cấp về di sản văn hóa và bước đầu phát huy giá trị các di sản văn
hóa tiêu biểu của các dân tộc đó. Kiểm kê di sản văn hóa của các dân tộc rất ít
người còn lại của tỉnh.
*
Giai đoạn 2016 - 2020:
-
100% số các dân tộc được kiểm kê, đánh giá, lập hồ sơ di sản văn hóa và các giá
trị văn hoá tiêu biểu, đại diện của các dân tộc được bảo tồn và phát huy;
nghiên cứu lập đề án xây dựng làng văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên.
Có
30% trở lên số xã, phường, thị trấn và 40% số thôn, bản có nhà văn hóa tự
chủ chương trình hoạt động do chủ thể văn hóa tổ chức thực hiện.
-
Có 70% trở lên cán bộ văn hóa - xã hội cấp xã là người dân tộc thiểu số tại địa
bàn, hoặc là người có hiểu biết về phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của
địa phương và được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ.
-
Mỗi huyện, thị xã, thành phố được hỗ trợ phát triển ít nhất 02 nghề truyền thống,
một số loại hình dân ca, dân vũ, nhạc cụ, trang phục, trang sức truyền thống, lễ
hội và trò chơi dân gian, ẩm thực dân tộc... và hoạt động du lịch đặc
trưng góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
-
Toàn tỉnh, hỗ trợ đầu tư bảo tồn mới từ 05 bản văn hóa truyền thống dân tộc và
15 bản văn hóa - du lịch trở lên.
-
Cơ bản hoàn thành việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc rất
ít người (Si La và Cống) của tỉnh. Bước đầu bảo tồn và phát huy các di sản văn
hóa tiêu biểu của các dân tộc có số dân dưới 10.000 người.
II- Nhiệm vụ chủ yếu.
1-
Bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc.
-
Làm tốt công tác kiểm kê, phân loại và lập hồ sơ khoa học di tích lịch sử, di
tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ và danh lam thắng cảnh tỉnh
Điện Biên; lập hồ sơ xếp hạng di tích cấp tỉnh, đề nghị xếp hạng di tích quốc
gia; triển khai công tác khoanh vùng, bảo vệ, bảo quản, tu bổ và phục hồi di
tích, danh lam thắng cảnh; sưu tầm di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
-
Tổ chức nghiên cứu, sưu tầm kiểm kê và phân loại di sản văn hóa phi vật thể của
các dân tộc; lập hồ sơ về số nghệ nhân văn hóa của các dân tộc, có kế hoạch,
chính sách bảo tồn. Tuyên truyền, phổ biến, quảng bá, giới thiệu, phục dựng các
giá trị văn hóa phi vật thể trong đời sống xã hội.
-
Bảo tồn tiếng nói của các dân tộc thiểu số và chữ viết của những dân tộc
có chữ viết riêng trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Nghiên cứu, lưu giữ tiếng nói,
chữ viết của đồng bào đồng thời có biện pháp bảo vệ trước nguy cơ mai một. Dạy
và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức, viên chức
và cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang của tỉnh và cho học sinh theo quy định;
xuất bản sách, báo, ấn phẩm, tác phẩm văn học nghệ thuật bằng chữ viết của dân
tộc thiểu số có chữ viết.
2.
Đầu tư phát triển, nâng cao giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy vai trò của
các nhân tố xã hội tham gia bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc
-
Phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa các dân tộc trong việc nâng cao
chất lượng nguồn nhân lực và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân,
góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
-
Chú trọng biên soạn, dịch thuật phân loại và lưu giữ các tác phẩm văn học nghệ
thuật, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian, dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền
thống của các dân tộc.
-
Tăng cường năng lực của các chủ thể văn hóa, đề cao vai trò của các nghệ nhân,
người có uy tín trong cộng đồng trong việc tự bảo tồn và phát huy văn
hóa của dân tộc mình.
-
Xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa; gắn kết chặt chẽ xây dựng đời sống
văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với từng khu vực, từng vùng, từng
dân tộc. Xây dựng hương ước, quy ước trong đời sống văn hóa, trong việc cưới,
việc tang và lễ hội của các dân tộc; đề xuất các giải pháp để xây dựng đời sống
văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội.
-
Bảo tồn khẩn cấp văn hóa các dân tộc rất ít người (Si La, Cống). Tập trung khôi
phục, bảo tồn các thành tố văn hóa: Ngôn ngữ, trang phục, kiến trúc, phong tục,
tập quán, lễ hội, nghề truyền thống ..., bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các
dân tộc tại các khu, địa bàn bố trí ổn định dân cư của tỉnh.
-
Xây dựng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa
cơ sở, phát huy vai trò của cộng đồng trong tổ chức các hoạt động tại cơ sở;
quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xây dựng và tổ chức
các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa cho đồng bào các dân tộc.
-
Đầu tư bảo tồn một số bản truyền thống và bản văn hóa các dân tộc gắn với phát
triển du lịch, cơ sở hạ tầng du lịch cộng đồng. Các thôn, bản được gắn biển
tên, phù hợp với cảnh quan và truyền thống. Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa
đặc trưng của các dân tộc. Nghiên cứu xây dựng làng văn hóa các dân tộc tỉnh Điện
Biên.
-
Đầu tư xây dựng Bảo tàng tỉnh Điện Biên theo hướng Bảo tàng tổng hợp, khảo cứu tại
địa phương, là nơi lưu giữ, trưng bày, giới thiệu những giá trị lịch sử, văn
hoá, khoa học về các di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc, phục vụ nhu cầu
nghiên cứu, tham quan, tìm hiểu...
Đầu
tư xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của Đoàn Nghệ thuật tỉnh Điện Biên
theo hướng thành Đoàn nghệ thuật ca múa nhạc dân tộc và hiện đại, vừa phục vụ
các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, vừa là nơi bảo tồn và phát huy các loại hình
nghệ thuật truyền thống của các dân tộc trong tỉnh.
-
Hình thành cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, thể
thao và du lịch tại tỉnh. Tăng cường và mở rộng hình thức liên kết đào tạo đáp ứng
yêu cầu thực tế.
-
Xây dựng các chính sách đặc thù để khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm,
bảo tồn, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa các dân tộc.
-
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống văn hóa tốt đẹp, giới thiệu
các tác phẩm văn học nghệ thuật và di sản văn hoá tiêu biểu, đặc trưng của các
dân tộc, đưa giáo dục văn hoá truyền thống của các dân tộc vào trường phổ thông
và chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh.
III.
Các giải pháp thực hiện
1.
Nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng, hiệu quả chỉ đạo
điều hành của chính quyền các cấp; phát huy sự chủ động, tích cực của MTTQ, các
đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội, xã hội nghề nghiệp và các tầng lớp nhân
dân trong việc bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc.
2.
Đẩy mạnh thực hiện các Chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống
vật chất và tinh thần cho nhân dân, rút ngắn khoảng cách về đời sống, mức hưởng
thụ văn hóa giữa các vùng, các dân tộc, đảm bảo mối quan hệ hài hoà giữa phát
triển văn hoá và phát triển kinh tế, giữa bảo tồn, phát huy và phát triển.
3.
Tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, quảng bá sâu rộng các giá trị văn
hóa và việc bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc. Xây dựng và triển khai
thực hiện có hiệu quả kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực
đối với đội ngũ làm công tác bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc từ tỉnh
đến cơ sở.
4.
Lựa chọn thứ tự ưu tiên hỗ trợ nghiên cứu, bảo tồn và phát triển các loại hình
di sản văn hoá các dân tộc một cách hợp lý, hiệu quả. Ưu tiên hỗ trợ phát triển
các hoạt động văn hóa tại địa bàn vùng cao, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn,
nơi có điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội.
5.
Triển khai nghiên cứu, ứng dụng các đề tài khoa học liên quan đến sưu tầm,
nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa các dân tộc, gắn với
mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhằm khai thác có hiệu quả tiềm
năng văn hóa, tài nguyên du lịch lịch sử, sinh thái, nhân văn phục vụ phát triển
kinh tế - xã hội của tỉnh.
6.
Cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm bố trí và cân đối ngân sách cho việc thực
hiện Đề án. Đẩy mạnh huy động nguồn vốn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân
trong và ngoài nước, sự ủng hộ đóng góp của nhân dân; tăng cường sự phối hợp giữa
Trung ương với địa phương và những người có kiến thức, am hiểu về văn hóa dân tộc,
nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu di sản văn hóa các dân tộc ít người.
7.
Xây dựng cơ chế chính sách đặc thù cho việc bảo tồn và nâng cao đời sống văn
hóa ở cơ sở; quan tâm triển khai chính sách, chế độ khuyến khích các nghệ nhân
trao truyền văn hóa dân tộc và có chính sách ưu đãi đối với nghệ nhân dân gian
và đội văn hóa bản; khuyến khích lớp trẻ tiếp thu văn hóa dân tộc. Phát huy vai
trò của già làng, trưởng dòng họ trong bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc.
IV- Khái toán kinh phí thực hiện Đề án.
1.
Tổng kinh phí: Dự kiến 524,38 tỷ đồng
-
Đến năm 2015: 143,98 tỷ đồng
-
Giai đoạn 2016 - 2020: 380,4 tỷ đồng
2.
Nguồn vốn thực hiện:
-
Nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu, thực hiện lồng ghép nguồn vốn
các chương trình mục tiêu Quốc gia.
-
Nguồn ngân sách địa phương.
-
Huy động xã hội hóa: Từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, đóng góp của
nhân dân.
-
Các nguồn vốn khác theo qui định của pháp luật.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh
tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của
Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát thực hiện Nghị
quyết.
Điều 4. Nghị quyết có hiệu lực
thi hành kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
Nghị quyết này đã được Hội đồng
nhân dân tỉnh Điện Biên khóa XIII, kỳ họp thứ bảy thông qua ngày 13 tháng 5 năm
2013./.