Quyết định 22/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Đề án “Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 22/QĐ-TTg
Ngày ban hành 05/01/2010
Ngày có hiệu lực 05/01/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Sinh Hùng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ 
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 22/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 05 tháng 01 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN VĂN HÓA NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020”

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”, với các nội dung chính sau đây:

I. QUAN ĐIỂM

1. Gắn phát triển văn hóa nông thôn với phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

2. Phát triển văn hóa nông thôn trên cơ sở kế thừa những kết quả, thành tựu đã đạt được trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở ở nông thôn; việc xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại phải bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phù hợp từng vùng, miền, từng dân tộc; đồng thời, cụ thể hóa thực hiện Bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới quy định tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Thực hiện phát triển văn hóa nông thôn theo phương châm phát huy vai trò chủ động của cộng đồng dân cư địa phương là chính. Nhà nước đóng vai trò hướng dẫn và hỗ trợ; đồng thời có cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, thu hút các nguồn lực xã hội hóa, huy động đóng góp của nhân dân để phát triển văn hóa nông thôn.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật và các quy định về văn hóa của người dân ở nông thôn; xây dựng, củng cố và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, tạo điều kiện để người dân ở nông thôn nâng cao mức hưởng thụ, tham gia hoạt động và sáng tạo văn hóa; nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, thực hiện các tiêu chí phát triển văn hóa nông thôn mới cấp xã, tạo nền tảng vững chắc để phát triển văn hóa nông thôn mới trên địa bàn xã; xây dựng con người, gia đình, cộng đồng nông thôn và môi trường văn hóa nông thôn lành mạnh, phong phú, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp và xã hội nông thôn mới.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2015

a) Đối với vùng đồng bằng:

- 50% người dân ở nông thôn tham gia thường xuyên vào các hoạt động văn hóa, thể thao, trong đó 25% dân số nông thôn luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên;

- 70% nhà văn hóa và khu thể thao xã và 70% nhà văn hóa, khu thể thao thôn đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

- 70% gia đình giữ vững và phát huy danh hiệu “Gia đình văn hóa”, trong đó có 15% gia đình văn hóa ở nông thôn làm giầu từ sản xuất nông nghiệp hàng hóa;

- 60% làng (thôn, ấp, bản) giữ vững và phát huy danh hiệu (Làng văn hóa”, trong đó 40% làng (thôn, ấp, bản) văn hóa đạt chuẩn cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn mới;

- 80% nông dân được phổ biến pháp luật và các quy định về văn hóa;

- 90% cán bộ văn hóa, thể thao ở nông thôn được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ.

b) Đối với vùng miền núi, hải đảo, biên giới:

- 30% người dân ở nông thôn tham gia thường xuyên vào các hoạt động văn hóa, thể thao, trong đó: 15% dân số nông thôn luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên;

- 50% nhà văn hóa và khu thể thao xã và 50% nhà văn hóa, khu thể thao thôn đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

- 60% gia đình giữ vững và phát huy danh hiệu “Gia đình văn hóa”, trong đó 5% gia đình văn hóa ở nông thôn làm giàu từ sản xuất nông nghiệp hàng hóa;

- 50% làng (thôn, ấp, bản) giữ vững và phát huy danh hiệu “Làng văn hóa”, trong đó 15% làng (thôn, ấp, bản) văn hóa đạt chuẩn cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn mới;

- 70% nông dân được phổ biến pháp luật và các quy định về văn hóa;

- 80% cán bộ văn hóa, thể thao ở nông thôn được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ.

[...]