Quyết định 2468/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt Đề án “Tìm kiếm thị trường tiêu thụ nội địa và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa của Cao Bằng đặc biệt là sản phẩm từ lĩnh vực nông, lâm nghiệp giai đoạn 2017-2020”

Số hiệu 2468/QĐ-UBND
Ngày ban hành 21/12/2017
Ngày có hiệu lực 21/12/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Cao Bằng
Người ký Hoàng Xuân Ánh
Lĩnh vực Thương mại,Sở hữu trí tuệ

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH
CAO BẰNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2468/QĐ-UBND

Cao Bằng, ngày 21 tháng 12 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “TÌM KIẾM THỊ TRƯỜNG TIÊU THỤ NỘI ĐỊA VÀ XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU CHO CÁC SẢN PHẨM HÀNG HÓA CỦA CAO BẰNG ĐẶC BIỆT LÀ CÁC SẢN PHẨM TỪ LĨNH VỰC NÔNG, LÂM NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2017-2020”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 6 tháng 01 năm 2010 của chính phủ về phê duyệt đề án phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Căn cứ Chương trình số 08-CTr/TU ngày 29/4/2016 của Tỉnh ủy Cao Bằng về Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Nghị quyết số 58/2016/NQ-HĐND ngày 05/8/2016 của HĐND tỉnh ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp, HTX đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Cao Bằng;

Căn cứ kết luận cuộc họp Thường trực Tỉnh ủy Cao Bằng tại Thông báo số 243-TB/TU ngày 01 tháng 12 năm 2017;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Tìm kiếm thị trường tiêu thụ nội địa và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm hàng hóa của Cao Bằng đặc biệt là các sản phẩm từ lĩnh vực nông, lâm nghiệp giai đoạn 2017-2020” (như Đề án chi tiết kèm theo).

Điều 2. Giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai, thực hiện; định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ngành: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Cao Bằng; Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT. Tỉnh ủy (b/c);
- TT. HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Điều phối dự án CSSP;
- VP: CVP, các PCVP UBND tỉnh, CV: Vịnh, Hà Trang, Toàn, Khánh, Trình (scan);
Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, TH(D2).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Hoàng Xuân Ánh

 

ĐỀ ÁN

TÌM KIẾM THỊ TRƯỜNG TIÊU THỤ NỘI ĐỊA VÀ XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU CHO CÁC SẢN PHẨM HÀNG HÓA CỦA CAO BẰNG ĐẶC BIỆT LÀ CÁC SẢN PHẨM TỪ LĨNH VỰC NÔNG, LÂM NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2017-2020
(Kèm theo Quyết định số 2468/QĐ-UBND ngày 21/12/2017 của UBND tỉnh)

Phần thứ nhất

THỰC TRẠNG VÀ SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG VỀ SẢN XUẤT, TIÊU THỤ NỘI ĐỊA, XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU SẢN PHẨM TRONG THỜI GIAN QUA

Cao Bằng là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, là tỉnh có đường biên gii tiếp giáp với Trung Quốc dài nhất cả nước. Diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh là trên 6.703km2, trong đó diện tích đất nông nghiệp 109.330 ha. Hiện nay, việc sản xuất tiêu thụ và xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh còn một số hạn chế như: số lượng và chất lượng hàng hóa chưa ổn định, sản lượng thiếu trong khi nhu cầu tiêu thụ ở trong tỉnh và các tỉnh lân cận cao. Về hạ tầng cơ sở nhất là đường giao thông còn khó khăn, hình thức, mẫu mã sản phẩm kém hấp dẫn khó cạnh tranh được với hàng trong nước cùng chủng loại; Chưa xác định được các mặt hàng nông sản mang tính đặc trưng của tỉnh để ưu tiên đầu tư và phát triển mạnh thị trường tiêu thụ; Chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và doanh nghiệp, hợp tác xã. Về xây dựng thương hiệu nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nông nghiệp còn rất hạn chế.

1. Thực trạng về sản xuất

Những năm qua, Nhà nước đã hỗ trợ các nguồn vốn đầu tư cho các dự án phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh trong giai đoạn từ năm 2011-2015 là khoảng 60 tỷ đồng cho sản xuất hàng hóa của một số sản phẩm chủ lực như: Trúc sào, thuốc lá, phát triển đàn bò, tinh bột sắn, mía đường thông qua các nguồn vốn như: Chương trình 30a, chương trình phát triển và bảo vệ rừng, chương trình khoa học...nhưng hiệu quả mang lại chưa cao.

Tính đến năm 2017 một số sản phẩm được đầu tư, phát triển khá hiệu quả và thị trường tiêu thụ n định, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh như:

- Lạp sườn: Theo thống kê trên địa bàn thành phố có khoảng 10 cơ sở chế biến với năng suất hằng năm đạt gần 500 tấn;

- Miến dong: Phát triển tập trung tại 02 huyện Nguyên Bình, Hòa An và Thành phố Cao Bằng với năng suất bình quân hằng năm đạt trên 1.000 tấn;

[...]