Quyết định 2429/QĐ-UBND năm 2016 Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

Số hiệu 2429/QĐ-UBND
Ngày ban hành 31/08/2016
Ngày có hiệu lực 31/08/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Tiền Giang
Người ký Lê Văn Nghĩa
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2429/QĐ-UBND

Tiền Giang, ngày 31 tháng 8 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 35/NQ-CP NGÀY 16/5/2016 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ HỖ TRỢ VÀ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 1466/SKHĐT-ĐKKD ngày 31 tháng 8 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang;

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã phân công cụ thể tại Chương trình hành động;

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Nghĩa

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 35/NQ-CP NGÀY16/5/2016 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ HỖ TRỢ VÀ PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2429/QĐ-UBND ngày 31 tháng 8/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang)

Trong định hướng phát triển kinh tế xã hội tỉnh Tiền Giang trong 05 năm 2016 - 2020 xác định cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang với quan điểm chỉ đạo nhất quán theo nguyên tắc “Nhà nước kiến tạo và lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ” cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút và ưu đãi đầu tư.

Tính đến ngày 30/6/2016 theo thống kê trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Tiền Giang có 6.068 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 53.498 tỷ đồng (trong đó, số doanh nghiệp đang hoạt động là 3.799 doanh nghiệp, chiếm khoảng 62,3%). Năm 2015 tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 24.400 tỷ đồng, tăng 13,5% cùng kỳ, trong đó: vốn nhà nước đạt 3.020 tỷ đồng, chiếm 12,4%, giảm 1,1% cùng kỳ; vốn ngoài nhà nước đạt 16.105 tỷ đồng, chiếm 66,0%, tăng 17,9% cùng kỳ; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 5.274 tỷ đồng, chiếm 21,6%, tăng 10,2% cùng kỳ. Đóng góp vào ngân sách của doanh nghiệp là 2.393 tỷ đồng, tăng 21,4% so với cùng kỳ. Thu nhập bình quân đầu người đạt 2,62 triệu đồng/người/tháng, tăng 5,7% so với cùng kỳ; trong đó: thu nhập bình quân người lao động tại các doanh nghiệp đang hoạt động là 5,27 triệu đồng/người/tháng, tăng 5,0% so cùng kỳ. Các doanh nghiệp giải quyết cho 146.865 người lao động, tăng 5,2% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn tồn tại những hạn chế sau:

- Năng lực kết nối thị trường, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp còn yếu, dẫn đến các sản phẩm của doanh nghiệp ít được phân phối qua kênh tiêu thụ hiện đại như trung tâm thương mại;

- Năng lực quản lý kinh doanh thấp, khả năng xây dựng phương án sản xuất kinh doanh yếu, khả năng cạnh tranh chưa cao;

- Việc tuân thủ và chấp hành pháp luật chưa cao: Một số doanh nghiệp vi phạm Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý thuế, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp còn tồn tại gây ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh và chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh;

- Số hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp chưa nhiều, mặc dù tiềm năng còn lớn;

- Đa phần chưa nhận thức đúng về lợi ích liên kết, do đó hầu hết doanh nghiệp trong tỉnh thiếu sự liên kết để hỗ tương lẫn nhau trong sản xuất và kinh doanh, một phần do thiếu thông tin về hiệu quả liên kết.

Có nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan, nhưng chủ yếu là những nguyên nhân sau:

- Quy mô doanh nghiệp nhỏ, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm 98,85%) với quy mô sản xuất nhỏ, trình độ quản lý và năng lực tài chính yếu kém, thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, số doanh nghiệp tạo ra giá trị gia tăng cao chiếm tỷ trọng thấp;

- Công nghệ lạc hậu, năng suất lao động thấp, tốc độ đổi mới công nghệ chậm, công nghệ cao chưa phát triển, giá trị hàng hóa xuất khẩu thấp;

- Nhiều doanh nghiệp thiếu vốn cho sản xuất kinh doanh, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp thấp; khả năng tiếp cận với các nguồn vốn vay chính thức, cũng như các nguồn vốn vay hỗ trợ bị hạn chế do thiếu điều kiện vay như thiếu dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi, tình hình tài chính chưa minh bạch, lành mạnh, thiếu tài sản đảm bảo…;

[...]