Quyết định 235/2003/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Kho bạc Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 235/2003/QĐ-TTg |
Ngày ban hành | 13/11/2003 |
Ngày có hiệu lực | 02/12/2003 |
Loại văn bản | Quyết định |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Phan Văn Khải |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính,Tài chính nhà nước |
THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 235/2003/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2003 |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy
định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí và chức năng
Kho bạc Nhà nước là tổ chức thuộc Bộ Tài chính, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quỹ ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước và các quỹ khác của Nhà nước được giao theo quy định của pháp luật; thực hiện việc huy động vốn cho Ngân sách Nhà nước, cho đầu tư phát triển qua hình thức phát hành công trái, trái phiếu theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Trình Bộ trưởng Bộ Tài chính chiến lược phát triển, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, năm năm, hàng năm của Kho bạc Nhà nước.
2. Trình Bộ trưởng Bộ Tài chính các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về quản lý quỹ ngân sách nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật khác thuộc phạm vi thẩm quyền của Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.
3. Hướng dẫn nghiệp vụ công tác thu nộp, chi trả, thanh toán, quyết toán quỹ ngân sách nhà nước, nghiệp vụ hoạt động khác có liên quan và chỉ đạo việc tổ chức thực hiện nghiệp vụ thống nhất trong hệ thống Kho bạc Nhà nước.
4. Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Kho bạc Nhà nước và chiến lược, quy hoạch, kế hoạch sau khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
5. Tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về quản lý quỹ ngân sách nhà nước, quỹ tài chính nhà nước và các quỹ khác của Nhà nước được giao theo quy định của pháp luật, bao gồm:
a) Tập trung và phản ánh đầy đủ, kịp thời các khoản thu ngân sách nhà nước (bao gồm cả thu viện trợ, thu vay nợ trong nước và nước ngoài); tổ chức thực hiện việc thu nộp vào quỹ ngân sách nhà nước do các tổ chức và cá nhân nộp tại hệ thống Kho bạc Nhà nước theo quy định; thực hiện hạch toán số thu ngân sách nhà nước cho các cấp ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
b) Tổ chức thực hiện chi ngân sách nhà nước, kiểm soát, thanh toán, chi trả các khoản chi từ Ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật;
c) Quản lý, kiểm soát và thực hiện nhập, xuất các quỹ tài chính nhà nước và các quỹ khác của Nhà nước do Kho bạc Nhà nước quản lý; quản lý các khoản tạm thu, tạm giữ, tịch thu, ký cược, ký quỹ, thế chấp theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;
d) Quản lý các tài sản quốc gia quý hiếm được giao theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; quản lý tiền, tài sản, các loại chứng chỉ có giá của Nhà nước và của các đơn vị, cá nhân gửi tại Kho bạc Nhà nước.
6. Kho bạc Nhà nước có quyền trích từ tài khoản tiền gửi của tổ chức, cá nhân để nộp Ngân sách Nhà nước hoặc áp dụng các biện pháp hành chính khác để thu cho Ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật; có quyền từ chối thanh toán, chi trả các khoản chi không đúng, không đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
7. Tổ chức hạch toán kế toán ngân sách nhà nước; hạch toán kế toán các quỹ và tài sản của Nhà nước được giao cho Kho bạc Nhà nước quản lý; định kỳ báo cáo việc thực hiện dự toán thu, chi ngân sách nhà nước cho cơ quan tài chính cùng cấp và cơ quan Nhà nước liên quan theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
8. Tổ chức thực hiện công tác thống kê Kho bạc Nhà nước và chế độ báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật.
9. Thực hiện nghiệp vụ thanh toán và điều hành tồn ngân Kho bạc Nhà nước, bao gồm:
a) Mở tài khoản, kiểm soát tài khoản tiền gửi và thực hiện thanh toán bằng tiền mặt, bằng chuyển khoản đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân có quan hệ giao dịch với Kho bạc Nhà nước;
b) Mở tài khoản tiền gửi có kỳ hạn, không kỳ hạn tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Ngân hàng Thương mại Nhà nước để thực hiện các hoạt động nghiệp vụ của Kho bạc Nhà nước;
c) Tổ chức quản lý, điều hành tồn ngân kho bạc nhà nước tập trung, thống nhất trong toàn hệ thống, bảo đảm các nhu cầu thanh toán, chi trả của ngân sách nhà nước và các đối tượng giao dịch khác;
d) Được sử dụng tồn ngân kho bạc nhà nước để tạm ứng cho ngân sách nhà nước theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
10. Tổ chức huy động vốn trong nước và ngoài nước cho Ngân sách Nhà nước và cho đầu tư phát triển thông qua phát hành công trái, trái phiếu theo quy định của pháp luật.
11. Thực hiện một số dịch vụ tín dụng nhà nước theo quy định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc ủy thác của các đơn vị.
12. Tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thuộc hệ thống Kho bạc Nhà nước theo đúng quy định của pháp luật.