Quyết định 234/QĐ-UBND năm 2020 về Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020-2030

Số hiệu 234/QĐ-UBND
Ngày ban hành 07/02/2020
Ngày có hiệu lực 07/02/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Hồ Tiến Thiệu
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 234/QĐ-UBND

Lạng Sơn, ngày 07 tháng 02 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN LÂM NGHIỆP BỀN VỮNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN GIAI ĐOẠN 2020-2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15/11/2017;

Căn cứ Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;

Căn cứ Kết luận số 1161-KL/TU ngày 25/12/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại kỳ họp chuyên đề ngày 20/12/2019;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 13/TTr-SNN ngày 15/01/2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020-2030.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Các Ban đảng Tỉnh ủy;
- MTTQ, các đoàn thể chính trị - XH tỉnh;
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, Thành phố;
- C, PVP UBND tỉnh,
các Phòng: TH, KTTH, TH-CB;
- Lưu: VT, KTN
(PVĐ).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hồ Tiến Thiệu

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN LÂM NGHIỆP BỀN VỮNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN GIAI ĐOẠN 2020-2030
(Kèm theo Quyết định số 234 /QĐ-UBND ngày 07/02/2020 của UBND tỉnh)

Phần thứ nhất

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Luật Lâm nghiệp 2017 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019 là cơ sở pháp lý tiếp tục tạo cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả khai thác lợi ích đa dạng từ rừng; tạo điều kiện huy động mọi thành phần kinh tế tham gia bảo vệ và phát triển rừng; góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng và bảo vệ môi trường. Các quy định của Luật Lâm nghiệp và các cơ chế, chính sách liên quan cần được cụ thể hóa bằng các đề án phát triển phù hợp với thực tiễn của địa phương. Bên cạnh đó, trong bối cảnh khoa học, công nghệ phát triển ngày càng mạnh mẽ, công tác quản lý ngành lâm nghiệp cần phải thường xuyên có các giải pháp để phát huy hiệu quả việc ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là trong phát triển giống cây trồng, kỹ thuật canh tác lâm nghiệp và chế biến lâm sản.

Đối với tiềm năng phát triển lâm nghiệp của tỉnh Lạng Sơn, trong tổng diện tích tự nhiên 831.009 ha, diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 617.973,34 ha, chiếm 74,36% diện tích tự nhiên của tỉnh; diện tích rừng hiện có là 497.368,25 ha, trong đó: Rừng tự nhiên 280.287,53 ha, rừng trồng 217.080,72 ha. Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh cơ bản thuận lợi, phù hợp cho phát triển sản xuất lâm nghiệp. Vị trí địa lý của Lạng Sơn thuận lợi cho giao lưu kinh tế, thương mại với các tỉnh trong khu vực và thế giới. Dân số Lạng Sơn phần lớn sống ở nông thôn, miền núi (dân số nông thôn của tỉnh năm 2019 là 622.646 người/782.666 người[1], chiếm 79,55% dân số của tỉnh); cuộc sống của người dân nông thôn, miền núi phụ thuộc nhiều vào sản xuất lâm nghiệp, đồng thời lao động nông thôn là tiền đề quan trọng để thúc đẩy phát triển lâm nghiệp của tỉnh.

Với những lợi thế, tiềm năng và yêu cầu, nhiệm vụ về phát triển lâm nghiệp, trong những năm qua tỉnh Lạng Sơn đã ban hành và triển khai thực hiện các chính sách để hỗ trợ phát triển kinh tế lâm nghiệp; huy động nhiều nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa sản xuất lâm nghiệp,... Do đó, kinh tế lâm nghiệp của tỉnh đã phát triển khá rõ nét. Cơ cấu các sản phẩm lâm nghiệp trong GRDP của tỉnh năm 2010 là 5,79%, năm 2019 là 6,25%; tốc độ tăng trưởng của ngành lâm nghiệp năm 2010 là 2,45%, năm 2019 đạt 6,93%; giá trị sản xuất lâm nghiệp theo giá hiện hành đạt 3.447 tỷ đồng; tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt 62,80% năm 2019.

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, kinh tế lâm nghiệp của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Năng suất rừng trồng trên địa bàn tỉnh vẫn còn thấp (đạt khoảng 70-100 m3 gỗ/ha/chu kỳ 7 năm đối với các cây nguyên liệu chính là Keo và Bạch đàn), giá trị gỗ nguyên liệu và các sản phẩm lâm nghiệp chưa cao, việc cung ứng cây giống chất lượng cao chưa chủ động, phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng còn hạn chế,... Sản xuất lâm nghiệp chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún, trình độ áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản xuất chưa cao, kết nối giữa sản xuất và thị trường chưa tốt. Những hạn chế trên làm giảm hiệu suất sử dụng đất, làm chậm tốc độ tăng trưởng của ngành, giảm cơ hội tiếp cận thị trường và trình độ phát triển tiên tiến trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và cuộc sống của nhân dân.

Để phát triển ngành lâm nghiệp của tỉnh tương xứng với tiềm năng, khắc phục những hạn chế còn tồn tại và thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phát huy, khai thác tốt các nguồn lực, lợi thế để lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực, việc xây dựng Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020-2030 là rất cần thiết.

II. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

- Luật Lâm nghiệp năm 2017;

- Luật Bảo vệ môi trường năm 2014;

- Luật Đất đai năm 2013;

[...]