Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Chỉ thị 08/CT-TTg năm 2019 về nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 08/CT-TTg
Ngày ban hành 28/03/2019
Ngày có hiệu lực 28/03/2019
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Trịnh Đình Dũng
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/CT-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 3 năm 2019

 

CHỈ THỊ

VỀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG NGÀNH CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN GỖ VÀ LÂM SẢN NGOÀI GỖ PHỤC VỤ XUẤT KHẨU

Gỗ và lâm sản ngoài gỗ là ngành hàng xuất khẩu quan trọng thứ 6 của Việt Nam và liên tục có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân đạt trên 13%/năm trong giai đoạn 2010 - 2018. Năm 2017 ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ xuất khẩu đạt tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 8 tỷ USD; riêng gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,66 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm 2016, về đích trước 3 năm so với chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2006 - 2020. Năm 2018 tổng kim ngạch xuất khẩu ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt trên 9,38 tỷ USD tăng 15,9% so với năm 2017, chiếm hơn 23% giá trị xuất khẩu của các ngành hàng thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; riêng gỗ và sản phẩm gỗ đạt khoảng 8,909 tỷ USD, giá trị xuất siêu lâm sản cả năm 2018 đạt trên 7 tỷ USD, chiếm 85% giá trị xuất siêu của toàn ngành. Sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu đến 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 châu Á và thứ 5 trên thế giới về kim ngạch xuất khẩu; chiếm 6% thị phần sản phẩm gỗ toàn cầu và còn nhiều dư địa để phát triển.

Với khoảng 4.500 doanh nghiệp, thu hút hàng vạn công nhân và trên một triệu hộ nông dân trồng rừng nguyên liệu, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ đã thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nền kinh tế quốc dân. Phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu thúc đẩy phát triển trồng rừng, bảo vệ môi trường, tạo sinh kế bền vững cho các hộ dân vùng nông thôn miền núi và góp phần thực hiện thành công chương trình tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.

Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, nhưng ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ đang đối mặt với không ít thách thức và khó khăn như: Nguồn nguyên liệu có chất lượng, đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững còn hạn chế; mối liên kết theo chuỗi từ khâu tạo giống đến chế biến, xuất khẩu giữa người trồng rừng với doanh nghiệp chưa chặt chẽ; hạ tầng lâm sinh chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; chính sách thuế, tập trung đất đai để phát triển nguồn nguyên liệu còn nhiều bất cập, doanh nghiệp nhỏ còn khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh; việc đầu tư phát triển thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu quốc gia về sản phẩm gỗ chưa được quan tâm đúng mức; tác động của các xung đột thương mại quốc tế và những thay đổi, điều chỉnh chính sách thường xuyên của các nước xuất khẩu nguyên liệu và nhập khẩu đồ gỗ ảnh hưởng không nhỏ đến ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản; các hiệp định thương mại tự do và điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản Việt Nam.

Để phát huy những kết quả đã đạt được; khắc phục những tồn tại khó khăn, vượt qua những thách thức, nguy cơ tiềm ẩn nhằm tạo bứt phá phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện tốt các nội dung sau đây:

I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU

1. Phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ bền vững, hiệu quả, hiện đại trên cơ sở hội nhập sâu vào thị trường khu vực và toàn cầu; sử dụng nguyên liệu gỗ hợp pháp; ứng dụng công nghệ tiên tiến và thiết bị hiện đại, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường trong sản xuất.

2. Trong 10 năm tới, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam; xây dựng thương hiệu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ Việt Nam, phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu trên thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ có thương hiệu uy tín trên thị trường thế giới.

3. Phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ năm 2019 đạt 11 tỷ USD; năm 2020 đạt đến 13 tỷ USD; năm 2025 đạt 18 đến 20 tỷ USD; từng bước tăng tỉ trọng xuất khẩu sản phẩm được chế biến sâu có thương hiệu Việt Nam, có giá trị gia tăng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Lâm nghiệp đã được Quốc hội thông qua năm 2017 và hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật, với yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu và phát triển lâm nghiệp bền vững; xây dựng chiến lược phát triển ngành lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, rà soát và hoàn thiện quy hoạch lâm nghiệp, lập kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu, phát triển ngành công nghiệp chế biến theo yêu cầu bối cảnh mới của Luật Lâm nghiệp.

2. Tiếp tục các chính sách hỗ trợ về vốn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp về quỹ đất, mặt bằng đầu tư nhà máy, cơ sở sản xuất chế biến gỗ. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết nhằm tạo khu vực cung ứng, chế biến gỗ tập trung (bao gồm cả khu công nghiệp dịch vụ hỗ trợ cho chế biến gỗ), Nhà nước bố trí nguồn vốn đầu tư hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng 01 Trung tâm nhập khẩu, phân phối gỗ quy mô lớn (Chợ đầu mối gỗ nguyên liệu) làm nhiệm vụ cung ứng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến gắn kết với các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ.

3. Tăng cường đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ xuất khẩu; đưa tư duy sáng tạo vào sản phẩm gỗ Việt, tăng cường năng lực thiết kế, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao mang thương hiệu Việt, xây dựng thương hiệu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ Việt Nam làm động lực tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ trong thời gian tới.

4. Đẩy mạnh việc trồng rừng gỗ lớn, cung cấp nguyên liệu gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo yêu cầu của thị trường quốc tế; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nguyên liệu, từ chọn, tạo giống, kiểm soát, đảm bảo chất lượng giống cho trồng rừng, đến trồng rừng thâm canh, chăm sóc rừng, khai thác gỗ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng; phát triển vùng nguyên liệu ổn định để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu ngày càng tăng cao của công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

5. Phát triển và nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa người trồng rừng và doanh nghiệp chế biến. Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao cho ngành chế biến gỗ. Ưu tiên đầu tư cho các trung tâm nghiên cứu, đào tạo đầu ngành để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; tăng cường liên kết, phối hợp giữa doanh nghiệp và các trung tâm đào tạo, chú trọng đào tạo đồng bộ và kết hợp hài hòa giữa các nhóm nhân lực thuộc các loại hình đào tạo đại học, trung cấp, công nhân kỹ thuật phù hợp với yêu cầu thực tế phát triển và công nghệ của ngành chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ.

6. Các doanh nghiệp tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ; sử dụng hiệu quả nguyên liệu, đa dạng hóa sản phẩm, giảm chi phí, giá thành, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế và trong nước; chú trọng xây dựng thương hiệu Việt cho các sản phẩm xuất khẩu, sản xuất đảm bảo các tiêu chuẩn, phù hợp với yêu cầu thị trường quốc tế; phấn đấu có ít nhất một sản phẩm của ngành lâm nghiệp là sản phẩm chủ lực, sản phẩm quốc gia.

7. Đẩy mạnh công tác phát triển thị trường, xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ Việt Nam; xây dựng hệ thống thông tin thị trường và tiêu chuẩn sản phẩm, thúc đẩy thương mại điện tử cho các sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ; triển khai và thực hiện tốt các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết, chú trọng hơn nữa thị trường trong nước; tập trung ưu tiên nguồn lực cho các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, đầu tư các trung tâm triển lãm quy mô lớn tương xứng với tiềm năng phát triển ngành chế biến gỗ, trước mắt nâng cấp Hội chợ VIFA - EXPO tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay thành hội chợ quốc tế ngành chế biến gỗ Việt Nam gắn với việc tôn vinh và bầu chọn các thương hiệu uy tín trong năm.

8. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, vận động người dân và doanh nghiệp thay đổi nhận thức về sử dụng gỗ hợp pháp và tập quán sử dụng gỗ rừng tự nhiên sang sử dụng gỗ từ rừng trồng; từ trồng rừng quảng canh sang thâm canh, kết hợp sản xuất gỗ nhỏ và gỗ lớn để đảm bảo nguồn nguyên liệu đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp chế biến gỗ theo hướng sử dụng tổng hợp gỗ, đa dạng hóa sản phẩm, bao gồm đồ gỗ nội, ngoại thất, các loại ván gỗ, dăm gỗ và viên nén gỗ, trong đó nhóm sản phẩm đồ gỗ nội, ngoại thất có giá trị gia tăng cao là chủ đạo. Ban hành chính sách mua sắm công ưu tiên sử dụng các sản phẩm gỗ có nguồn gốc hợp pháp và bền vững môi trường từ gỗ rừng trồng trong nước, được sản xuất ở Việt Nam để thúc đẩy phát triển thị trường gỗ nội địa.

9. Các hiệp hội của cộng đồng doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ chủ động hội nhập, thực hiện đầy đủ cam kết (quốc tế, tuân thủ luật pháp quốc tế; từng bước nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ và quản trị doanh nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm mới có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; tuyên truyền, vận động hội viên đẩy mạnh sản xuất kinh doanh gỗ hợp pháp và bền vững môi trường, kiên quyết “nói không” với việc sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc bất hợp pháp.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Để ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ xuất khẩu phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các hiệp hội khẩn trương triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, điều chỉnh cơ chế, chính sách về đất đai, nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, từ khâu giống, trồng, chăm sóc rừng đến chế biến sản phẩm và chính sách liên kết giữa người trồng rừng với doanh nghiệp chế biến theo chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan khác nghiên cứu, điều chỉnh cơ chế, chính sách về đào tạo nguồn nhân lực, chính sách đầu tư, thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, logictics để phát triển bền vững ngành công nghiệp gỗ và lâm sản ngoài gỗ.

- Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án phát triển ngành lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế lâm nghiệp bền vững phù hợp với Luật Lâm nghiệp và bối cảnh mới, đảm bảo tuân thủ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và các điều ước quốc tế khác Việt Nam đã ký kết.

- Chủ trì xây dựng Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp và các quy định pháp luật liên quan về xác nhận nguồn gốc gỗ hợp pháp; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để phân loại doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ.

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương và các bộ, ngành có liên quan khác xác định các chương trình, dự án ưu tiên để đầu tư phát triển trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo bứt phá phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu.

[...]