Quyết định 230/2006/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên thời kỳ 2006 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 230/2006/QĐ-TTg
Ngày ban hành 13/10/2006
Ngày có hiệu lực 11/11/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Đầu tư,Bộ máy hành chính

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 230/2006/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 13 tháng 10 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH ĐIỆN BIÊN THỜI KỲ 2006 - 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên tại tờ trình số 1115/TTr-UBND ngày 01 tháng 12 năm 2005, văn bản số 341/CV-UBND ngày 28 tháng 4 năm 2006 và ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 5808/BKH-TĐ&GSĐT ngày 08 tháng 8 năm 2006 về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên thời kỳ 2006 - 2020
,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên thời kỳ 2006 - 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Quan điểm phát triển

a) Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội; củng cố hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết các dân tộc trong Tỉnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc;

b) Phát huy nội lực, giải phóng sức sản xuất để khai thác tốt các tiềm năng, tạo sự đột phá về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sớm thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo, đặc biệt khó khăn. Từng bước thu hẹp khoảng cách, nhất là khoảng cách về hưởng thụ văn hóa - xã hội và một số lĩnh vực về kinh tế so với các tỉnh khác trong vùng và cả nước;

c) Nắm vững thời cơ, lợi thế và các cơ hội mới trong đầu tư và mở rộng hợp tác kinh tế đối ngoại để thu hút mạnh đầu tư trong và ngoài nước, phát triển nhanh gắn với sự phát triển chung của vùng và cả nước. Phát triển mạnh kinh tế cửa khẩu, tăng nhanh các ngành công nghiệp và dịch vụ; đẩy mạnh chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả, tính cạnh tranh và bền vững;

d) Đẩy mạnh sản xuất hàng hoá theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết cơ bản tình trạng sản xuất thuần nông, tự túc tự cấp. Đầu tư tập trung, có trọng điểm để phát triển các ngành có lợi thế, hình thành một số sản phẩm chủ lực và các vùng kinh tế động lực có quy mô sản phẩm lớn, làm nền tảng thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tổ chức, sắp xếp lại dân cư trong Tỉnh, kể cả dân tái định cư của công trình thủy điện Sơn La;

đ) Đổi mới và phát triển mạnh giáo dục - đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đưa nhanh các tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với tiến bộ xã hội, nâng cao dân trí. Gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết công bằng xã hội, xoá đói, giảm nghèo, khuyến khích làm giàu, khắc phục chênh lệch giữa các vùng. v.v…. Lấy phát triển kinh tế để thúc đẩy tiến bộ xã hội, bảo đảm công bằng, ổn định xã hội và sự đoàn kết nhất trí giữa các cộng đồng dân cư trong Tỉnh;

e) Phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn, đặc biệt là đầu nguồn sông Đà, bảo đảm chức năng phòng hộ cho các công trình thủy điện lớn của quốc gia.

2. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu tổng quát

Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững nền kinh tế - xã hội của Điện Biên nhằm thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo; phấn đấu trong giai đoạn 2006 - 2010, đưa Điện Biên ra khỏi danh sách các tỉnh đặc biệt khó khăn, từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống của nhân dân so với các vùng khác trong cả nước theo tinh thần Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XI; giai đoạn 2011 - 2020, đưa Điện Biên thoát khỏi tình trạng kém phát triển, tiến tới trở thành một tỉnh miền núi biên giới vững mạnh, an ninh chính trị ổn định, kinh tế phát triển, xã hội văn minh và có khối đại đoàn kết các dân tộc vững chắc.

b) Các mục tiêu phát triển cụ thể

- Các mục tiêu kinh tế

+ Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân thời kỳ 2006 - 2020 đạt 12,5%/năm. Trong đó, giai đoạn 2006 - 2010 đạt 12%/năm và giai đoạn 2011 - 2020 đạt 12,8%/năm; nâng mức GDP bình quân đầu người của Tỉnh so với trung bình cả nước từ 45% năm 2005 lên 50% năm 2010, khoảng 65% năm 2015 và 80% năm 2020;

+ Tạo sự chuyển biến rõ nét về cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong tổng GDP của Tỉnh. Đến năm 2010, cơ cấu kinh tế là: nông, lâm, thủy sản chiếm 29 - 30%, công nghiệp - xây dựng chiếm 34%, dịch vụ chiếm 36 - 37%; đến năm 2020: nông, lâm, thủy sản chiếm 18%, công nghiệp, xây dựng chiếm 40%, dịch vụ chiếm 42%;

+ Đến năm 2010, tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn đạt 16 - 17 triệu USD, trong đó xuất khẩu của địa phương đạt trên 8 triệu USD; đến năm 2020, đạt khoảng 100 triệu USD, trong đó xuất khẩu của địa phương đạt 45 - 50 triệu USD;

+ Tỷ lệ huy động ngân sách trên địa bàn so với tổng GDP năm 2010 tối thiểu đạt 5% và năm 2020 đạt trên 10%.

- Các mục tiêu xã hội:

+ Từ nay đến năm 2010, tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động/năm; giai đoạn 2011 - 2020 là 7.000 - 8.000 lao động/năm;

+ Từ nay đến năm 2010, mỗi năm giảm 5% tỷ lệ hộ đói nghèo. Phấn đấu đến năm 2010 không còn hộ đói, giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn quốc gia năm 2005) xuống còn dưới 20%; đến năm 2015 còn dưới 10% và đến năm 2020 còn dưới 3%;

+ Duy trì kết quả phổ cập giáo dục bậc tiểu học và xoá mù chữ. Phấn đấu đạt chuẩn phổ cập giáo dục bậc trung học cơ sở trong toàn Tỉnh vào năm 2008; phổ cập bậc trung học phổ thông ở thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay vào năm 2010 và đạt chuẩn phổ cập trung học phổ thông trong toàn Tỉnh trước năm 2020;

+ Đẩy mạnh công tác đào tạo dạy nghề. Đa dạng hoá các loại hình đào tạo, mở rộng quy mô và hình thức đào tạo ở các trường chuyên nghiệp trong Tỉnh với các ngành nghề phù hợp với nhu cầu phát triển sản xuất ở địa phương. Phấn đấu nâng tỷ lệ lao động được đào tạo của Tỉnh từ 16,4% hiện nay lên 25% vào năm 2010 và hơn 35% vào năm 2020: trên 70% số học sinh phổ thông được hướng nghiệp dạy nghề tại các trung tâm vào năm 2010 và 100% vào năm 2020;

+ Hoàn thiện mạng lưới y tế từ tỉnh đến xã, bản. Đến năm 2010, đạt trên 5,5 bác sĩ/1vạn dân; 50% trạm xá xã đạt tiêu chuẩn quốc gia về y tế; khoảng 60 - 70% số trạm xá có bác sĩ, 100% số thôn, bản có y tá, 100% trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng mở rộng, giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống còn dưới 20%. Đến năm 2020, đạt 10 bác sĩ/1vạn dân, giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống còn dưới 10% và 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế;

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ