Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 2277/QĐ-UBND năm 2010 về Đề án Phát triển thương mại nông thôn tỉnh An Giang đến năm 2020

Số hiệu 2277/QĐ-UBND
Ngày ban hành 01/12/2010
Ngày có hiệu lực 01/12/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Vương Bình Thạnh
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2277/QĐ-UBND

Long Xuyên, ngày 01 tháng 12 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG ĐẾN NĂM 2020.

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được Quốc hội khoá XI thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 71/2007/QĐ-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 1169/QĐ-UBND, ngày 08/6/2009 của UBND tỉnh về việc Điều chỉnh, bổ sung việc phân công các đơn vị triển khai thực hiện Kế hoạch số 24/KH-UBND ngày 24/11/2008 của UBND tỉnh về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 842/TTr-SKHĐT ngày 19/10/2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án Phát triển thương mại nông thôn tỉnh An Giang đến năm 2020.

Điều 2. Giao Sở Công thương phối hợp với các Sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể Đề án Phát triển thương mại nông thôn tỉnh An Giang đến năm 2020.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Công thương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Công thương (để b/c);
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (để b/c);
- TTTU, HĐND, UBND tỉnh;
- Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu VT, KT, TH, XDCB, VHXH;

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vương Bình Thạnh

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG ĐẾN NĂM 2020.
(Kèm theo Quyết định số 2277/QĐ-UBND, ngày 01/12/2010 của Chủ tịch UBND tỉnh AG)

A. SỰ CẦN THIẾT CỦA ĐỀ ÁN :

Cùng với sự phát triển chung của cả nước, những năm qua, nông thôn của tỉnh đã đạt được những thành tựu khá toàn diện. Kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng thương mại - dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường đầu tư, bộ mặt nhiều vùng nông thôn được thay đổi theo hướng văn minh, giàu đẹp. Đời sống vật chất, tinh thần của cư dân vùng nông thôn ngày càng được cải thiện; xóa đói giảm nghèo đạt kết quả khá. Văn hóa, xã hội nông thôn có nhiều chuyển biến tiến bộ; dân chủ cơ sở được phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh, các nguồn lực chưa được khai thác và sử dụng có hiệu quả, nông thôn phát triển chậm, chưa thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, thiếu những hình thức tổ chức sản xuất và cơ chế chính sách để phát triển sản xuất hàng hóa. Thị trường nông thôn vẫn là thị trường phát triển vừa chậm vừa yếu, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp vẫn là vấn đề bức xúc. Đời sống vật chất tinh thần của người dân nông thôn còn thấp, chênh lệch giàu, nghèo giữa vùng nông thôn và thành thị còn lớn; tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc Khmer, Chăm. Kết cấu hạ tầng thương mại ở địa bàn nông thôn còn cũ kỷ lạc hậu, chưa thu hút nhà đầu tư.

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tình hình thị trường trong nước và thế giới biến đổi ngày càng nhanh, diễn biến phức tạp hơn do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, tiềm năng tăng trưởng kinh tế khó khăn và hạn chế hơn. Trong điều kiện đó, việc phát triển thương mại nông thôn nhằm kích thích nhu cầu tiêu dùng phát triển và tăng nhanh sức tiêu thụ hàng hoá trong nước được coi là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần tích cực vào việc ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, duy trì nhịp độ tăng trưởng hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội, tạo tiền đề cho bước phát triển cho các năm tới.

Với nội dung trên, được sự phân công của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang nhằm thực hiện kế hoạch hành động số 18-KH/TU, ngày 14/10/2008 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang về "nông nghiệp, nông dân, nông thôn” và Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP, ngày 28/10/2008 của Chính phủ, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các Sở, Ngành xây dựng đề án “Phát triển thương mại nông thôn tỉnh An Giang đến năm 2020”.

B. CĂN CỨ PHÁP LÝ VÀ PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG :

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ :

1. Văn bản của Trung ương:

- Nghị định 90/2001/NĐ-CP ngày 23/11/2001 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNNVV;

- Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP, ngày 23/12/2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ và văn bản có liên quan;

- Nghị định 88/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính Phủ về Chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển Hợp tác xã;

[...]