Kế hoạch 346/KH-UBND năm 2013 thực hiện Nghị quyết 53/2013/NQ-HĐND về Phát triển thương mại nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Số hiệu 346/KH-UBND
Ngày ban hành 09/09/2013
Ngày có hiệu lực 09/09/2013
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Trần Minh Kỳ
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 346/KH-UBND

Hà Tĩnh, ngày 09 tháng 09 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 53/2013/NQ-HĐND NGÀY 13/7/2013 CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VỀ PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI NÔNG THÔN GẮN VỚI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH HÀ TĨNH ĐẾN NĂM 2020

Kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVI đã ban hành Nghị quyết số 53/2013/NQ-HĐND ngày 13/7/2013 về Phát triển thương mại nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 (sau đây gọi là Nghị quyết), Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện với những nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và yêu cầu đối với việc phát triển thương mại nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM) trên địa bàn toàn tỉnh.

- Tổ chức phổ biến rộng rãi Nghị quyết để các đơn vị, địa phương liên quan biết, tham gia phát triển thương mại nông thôn.

- Cụ thể hóa nội dung, yêu cầu nhiệm vụ của UBND các cấp, các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc triển khai thực hiện đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

2. Yêu cầu

- Kế hoạch triển khai thể hiện việc trước mắt và lâu dài. Thực hiện nghiêm túc chế độ thống kê, báo cáo đánh giá tình hình và kết quả thực hiện, trên cơ sở đó đề ra những giải pháp phù hợp để thực hiện có hiệu quả nội dung của Nghị quyết.

- Các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố, thị xã, các cơ quan, đơn vị được giao trách nhiệm chủ trì hoặc tham gia phối hợp phải đảm bảo thực hiện tốt nội dung công việc được phân công tại Kế hoạch này.

II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM VÀ PHÂN CÔNG THỰC HIỆN

1. Nhiệm vụ chung

Các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và UBND huyện, thành phố, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức thực hiện những nội dung của Đề án Phát triển thương mại nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 53/2013/NQ-HĐND ngày 13/7/2013.

Đề nghị Ủy ban mặt trận tổ quốc tỉnh chỉ đạo các tổ chức thành viên phối hợp với các sở, ngành liên quan, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tham gia tổ chức thực hiện Nghị quyết.

2. Sở Công Thương

2.1. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại; khuyến khích, vận động các doanh nghiệp đưa hàng Việt Nam chất lượng cao về phục vụ ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng tái định cư gắn với thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tổ chức giao thương, hợp tác, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, bao bì, nhãn mác, đảm bảo chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm để đưa các sản phẩm vào hệ thống tiêu thụ hàng hóa; hỗ trợ tham gia các hội chợ, các hội nghị xúc tiến giao thương để giới thiệu, quảng bá sản phẩm; hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường nhằm giúp định hướng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

2.2. Phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh bố trí kinh phí, sắp xếp biên chế, phương tiện để Sở Công Thương, UBND huyện, thành phố, thị xã thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại ở địa bàn nông thôn; chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác chống buôn lậu, đầu cơ găm hàng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, không đảm bảo VSATTP tại nông thôn...

2.3. Chủ trì triển khai xây dựng các quy hoạch, đề án, dự án:

a) Quy hoạch, đề án:

- Năm 2013: Hoàn chỉnh quy hoạch phát triển thương mại nông thôn tỉnh Hà Tĩnh đến 2020.

- Năm 2014: Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 tầm nhìn đến 2025.

- Năm 2014 - 2015: Xây dựng Đề án chuyển đổi mô hình quản lý chợ.

b) Các dự án nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực thương mại nông thôn:

- Giai đoạn 2014 - 2015:

+ Đào tạo, bồi dưỡng 5.000 hộ kinh doanh, thành viên hợp tác xã (HTX) thương mại dịch vụ (TMDV) và thương nhân.

- Đào tạo nghiệp vụ cho 100 cán bộ quản lý chợ, thời gian đào tạo từ 01 - 2,5 tháng, hình thức đào tạo tập trung. Sau khóa học học viên được cấp chứng nhận, chứng chỉ nghiệp vụ quản lý chợ.

+ Bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ quản lý chợ cho 300 cán bộ quản lý chợ, thời gian bồi dưỡng từ 2 - 5 ngày, hình thức tập trung. Sau khóa học cấp chứng nhận, chứng chỉ bồi dưỡng, tập huấn.

[...]