Quyết định 219/QĐ-UBND năm 2022 về Đề án Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh An Giang

Số hiệu 219/QĐ-UBND
Ngày ban hành 11/02/2022
Ngày có hiệu lực 11/02/2022
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh An Giang
Người ký Lê Văn Phước
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 219/QĐ-UBND

An Giang, ngày 11 tháng 02 năm 2022

BAN HÀNH ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ NHÀ GIÁO VÀ CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC ĐÁP ỨNG YÊU CẦU TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG 2018 GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;

Căn cứ Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 23 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;

Căn cứ Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ Quy định Lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở;

Căn cứ Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình Giáo dục phổ thông;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 236/TTr-SGDĐT ngày 07 tháng 02 năm 2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh An Giang.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Đề án đảm bảo theo đúng quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- CVP, PCVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Phước

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN ĐỘI NGŨ NHÀ GIÁO VÀ CÁN BỘ QUẢN LÝ GIÁO DỤC ĐÁP ỨNG YÊU CẦU TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG 2018 GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
(Kèm theo Quyết định số 219/QĐ-UBND ngày 11/02/2022 của UBND tỉnh An Giang)

Phần thứ nhất

TÍNH CẤP THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. Tính cấp thiết xây dựng đề án

Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Quốc Hội (Khóa XIII) “Tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy nghề và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa trí, đức, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh”.

Phát triển đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông công lập là giải pháp đặc biệt quan trọng, then chốt trong việc thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển giáo dục. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo “Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp” Một trong những nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 29-NQ/TW là phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo “Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và hội nhập quốc tế. Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo”.

Luật Giáo dục 2019, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 quy định trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên như sau: Giáo viên Mầm non có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên; giáo viên Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo trở lên. Hiện nay phần lớn giáo viên mầm non, tiểu học, trung học của tỉnh đạt chuẩn đào tạo, tuy nhiên vẫn còn 12,74 % giáo viên tiểu học chưa đạt chuẩn đào tạo theo qui định.

Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở gồm hai giai đoạn: Giai đoạn một từ 01/7/2020 đến 31/12/2025 đảm bảo ít nhất đạt 60% số giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, 50% giáo viên tiểu học đạt chuẩn về trình độ đào tạo; Giai đoạn hai thực hiện từ 01/01/2026 đến 31/12/2030 đảm bảo số giáo viên còn lại đạt chuẩn về trình độ đào tạo.

Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 (CTGDPT 2018) ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bổ sung một số môn học bắt buộc và một số môn học tự chọn mới trong chương trình phổ thông nhằm phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp học sinh phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, trở thành người học tích cực, biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh các tri thức và kỹ năng nền tảng, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời; có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động có văn hóa, cần cù, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong sự nghiệp toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm bất hợp lý trong cơ cấu về môn học trong đội ngũ giáo viên.

Vì vậy, việc xây dựng Đề án “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh An Giang” là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng và từng bước đồng bộ về cơ cấu đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông công lập, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của học sinh, vừa phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường lớp của ngành giáo dục, vừa đảm bảo thực hiện tốt CTGDPT 2018 trên địa bàn tỉnh An Giang.

[...]