Quyết định 2162/QĐ-UBND năm 2021 về Phương án bảo vệ cát, sỏi lòng sông chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Hà Giang

Số hiệu 2162/QĐ-UBND
Ngày ban hành 19/10/2021
Ngày có hiệu lực 19/10/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Giang
Người ký Hoàng Gia Long
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2162/QĐ-UBND

Hà Giang, ngày 19 tháng 10 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ CÁT, SỎI LÒNG SÔNG CHƯA KHAI THÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi bổ sung một số Điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 17 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản;

Căn cứ Nghị định số 67/2018/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thủy lợi;

Căn cứ Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước;

Căn cứ Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông;

Căn cứ Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản;

Theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 2982/TTr- STNMT ngày 15 tháng 10 năm 2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Phương án bảo vệ cát, sỏi lòng sông chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Giao thông vận tải, Nội vụ; Thủ trưởng các cơ quan: Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang, Báo Hà Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn; các tổ chức, cá nhân sử dụng đất, mặt nước; các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản cát, sỏi; các tổ chức, cá nhân kinh doanh, tập kết cát, sỏi và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam;
- Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh;
- Các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, KTTH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Hoàng Gia Long

 

PHƯƠNG ÁN

BẢO VỆ CÁT, SỎI LÒNG SÔNG CHƯA KHAI THÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 2162/QĐ-UBND ngày 19 tháng 10 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang)

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH PHƯƠNG ÁN

Thời gian qua, công tác quản lý và hoạt động khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực, nhiều khu vực cát, sỏi được quản lý chặt chẽ, khai thác có tổ chức và dần đi vào nề nếp, tạo việc làm cho nhân dân địa phương, phục vụ nhu cầu vật liệu để xây dựng cơ sở hạ tầng của địa phương và đóng góp vào ngân sách của tỉnh. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về cát, sỏi và tình hình hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, lòng suối, lòng hồ thủy điện (sau đây gọi chung là lòng sông) trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số bất cập như: Công tác kiểm tra, xử lý của các cấp, các ngành đã được tăng cường nhưng hiệu quả chưa cao; vẫn còn tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác cát, sỏi chưa chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về khoáng sản và các quy định của pháp luật khác có liên quan; tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép vẫn còn diễn ra tại một số khu vực, gây ảnh hưởng đến môi trường, sạt lở bờ bãi ven sông suối, thất thoát tài nguyên khoáng sản, thất thu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, gây mất trật tự an ninh khu vực.

Trước thực trạng hoạt động khai thác, tập kết cát, sỏi lòng sông và công tác quản lý nhà nước về cát, sỏi trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Nhằm đảm bảo công tác quản lý, bảo vệ có hiệu quả cát, sỏi lòng sông chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Hà Giang, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, bảo vệ môi trường, sinh thái, đảm bảo an ninh trật tự..., việc ban hành Phương án bảo vệ cát, sỏi lòng sông chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Hà Giang là hết sức cần thiết nhằm cụ thể hóa một số nội dung của Nghị định số 23/2020/NĐ- CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.

II. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUY HOẠCH VÀ CẤP PHÉP HOẠT ĐỘNG CÁT, SỎI LÒNG SÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

1. Về Quy hoạch khoáng sản

- HĐND tỉnh Hà Giang thông qua Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tỉnh Hà Giang giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại Nghị quyết số 170/NQ-HĐND ngày 11/12/2014; UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 06/QĐ-UBND ngày 05/01/2015.

Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Hà Giang tiếp tục thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Ngày 08/12/2017 Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang đã thông qua việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tại Nghị quyết số 107/2017/NQ-HĐND, UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt tại Quyết định số 26/QĐ-UBND ngày 04/01/2018, cụ thể: Tổng số các điểm mỏ được quy hoạch 451 điểm mỏ, trong đó trong đó có 171 điểm mỏ cát, sỏi (trong đó thành phố Hà Giang có 18 điểm;huyện Vị Xuyên 39 điểm; huyện Bắc Quang 38 điểm; huyện Quang Bình 18 điểm; huyện Bắc Mê 07 điểm; huyện Xín Mần 25 điểm; huyện Hoàng Su Phì 25 điểm; Mèo Vạc 01 điểm), tổng diện tích là 436,22 ha, tổng trữ lượng dự kiến là 11.583.75 nghìn m3; giai đoạn 2015-2020 là 121 điểm mỏ, tổng diện tích là 277,692ha, trữ lượng 8.009,351 nghìn m3; Giai đoạn 2021-2030 là 50 điểm mỏ, với tổng diện tích là 158,537 ha, trữ lượng 3.574,400 nghìn m3.

[...]