Quyết định 2231/QĐ-UBND năm 2020 về Phương án bảo vệ khoáng sản, bảo vệ cát, sỏi lòng sông chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Yên Bái

Số hiệu 2231/QĐ-UBND
Ngày ban hành 29/09/2020
Ngày có hiệu lực 29/09/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Yên Bái
Người ký Nguyễn Văn Khánh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2231/QĐ-UBND

Yên Bái, ngày 29 tháng 9 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ KHOÁNG SẢN, BẢO VỆ CÁT, SỎI LÒNG SÔNG CHƯA KHAI THÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 17 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản;

Căn cứ Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ Quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông;

Căn cứ Quyết định số 21/2017/QĐ-UBND ngày 31 tháng 10 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái ban hành Quy định về quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Yên Bái;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái tại Tờ trình s 665/TTr-STNMT ngày 22 tháng 9 năm 2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Phương án bảo vệ khoáng sản, bảo vệ cát, sỏi lòng sông chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1748/QĐ-UBND ngày 21 tháng 9 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc ban hành Phương án Bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Công Thương, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông; Giám đốc Công an tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; Cục trưởng Cục Quản lý thị trường; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Văn phòng Chính phủ (báo cáo);
- Bộ Tài nguyên và Môi trường (báo cáo);
- Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh;
- Chủ tịch UBND tỉnh (báo cáo);
- Các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh Yên Bái;
- Báo Yên Bái;
- Đài Phát thanh và Truyền hình
tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, XD, TH, CN, TNMT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Khánh

 

PHƯƠNG ÁN

BẢO VỆ KHOÁNG SẢN, BẢO VỆ CÁT, SỎI LÒNG SÔNG CHƯA KHAI THÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI
(Kèm theo Quyết định số
2231/QĐ-UBND ngày 29 tháng 9 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái)

Thực hiện quy định của Luật Khoáng sản năm 2010, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2015 về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản. Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã ban hành Phương án Bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Yên Bái tại Quyết định số 1748/QĐ-UBND ngày 21 tháng 9 năm 2015. Qua đó, công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đã được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm, tạo chuyển biến tích cực rõ nét, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép cơ bản từng bước được kiểm soát chặt chẽ.

Tuy nhiên, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép đối với một số loại khoáng sản (cát, sỏi lòng sông, đất san lấp, đá quý...) ở một số khu vực vẫn tái diễn và tiềm ẩn nguy cơ tái phát nếu không thường xuyên kiểm tra, kiểm soát; một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa thật sự vào cuộc quyết liệt trong công tác bảo vệ khoáng sản; sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và lực lượng Công an chưa chặt chẽ, thống nhất.

Việc ban hành Phương án bảo vệ khoáng sản, bảo vệ cát, sỏi lòng sông chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Yên Bái (sau đây gọi tắt là Phương án) nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế và chấn chỉnh công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; thống nhất, phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành, các địa phương, các tổ chức, cá nhân liên quan để triển khai thực hiện công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh; kịp thời triển khai các giải pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Đồng thời phù hợp với yêu cầu, quy định của Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản và Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ Quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU PHƯƠNG ÁN; ĐỐI TƯỢNG CẦN BẢO VỆ

1. Quan điểm

- Khoáng sản là tài nguyên không tái tạo nên phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả.

- Thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách, pháp luật, chiến lược của Nhà nước trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

- Chỉ cho phép tổ chức, cá nhân hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản khi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái) cấp Giấy phép thăm dò, Giấy phép khai thác khoáng sản (còn hiệu lực) và hoàn thiện các thủ tục khác có liên quan.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (sau đây viết tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện), Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (sau đây viết tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã) không được thỏa thuận, cho phép các tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác khoáng sản trái pháp luật dưới mọi hình thức. Không cho phép bất cứ tổ chức, cá nhân nào lợi dụng việc triển khai Dự án đầu tư khác hoặc lợi dụng việc được phép sử dụng đất để thăm dò, khai thác khoáng sản trái pháp luật.

- Kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác khoáng sản không có giấy phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (sau đây gọi chung là hoạt động Khoáng sản trái phép); người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn, trong phạm vi, lĩnh vực quản lý.

[...]