Quyết định 2043/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Đề án Tuyên truyền về An toàn giao thông giai đoạn 2013 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 2043/QĐ-TTg
Ngày ban hành 05/11/2013
Ngày có hiệu lực 05/11/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Thiện Nhân
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải,Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 2043/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 05 tháng 11 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TUYÊN TRUYỀN VỀ AN TOÀN GIAO THÔNG GIAI ĐOẠN 2013 - 2015

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông và Nghị định số 50/2011/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi Nghị định số 187/2007/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 01 tháng 03 năm 2013 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động triển khai Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng;

Căn cứ Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm đảm bảo trật tự an toàn giao thông;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Tuyên truyền về An toàn giao thông giai đoạn 2013 - 2015 với những nội dung sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm:

a) Tuyên truyền về an toàn giao thông là nhiệm vụ thường xuyên cần phải thực hiện liên tục, bền bỉ trong một thời gian dài nhằm xây dựng văn hóa giao thông, nâng cao ý thức trách nhiệm của người thi hành công vụ và người tham gia giao thông;

b) Tuyên truyền về an toàn giao thông nhằm bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông; bảo đảm hệ thống giao thông vận tải hoạt động thông suốt phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế;

c) Tuyên truyền về an toàn giao thông là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho người tham gia giao thông, đồng thời kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông;

d) Huy động mọi nguồn lực và phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội trong đó nhà nước đóng vai trò chủ đạo và các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp cùng tham gia vào công tác tuyên truyền. Kết hợp có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và thu hút các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp hỗ trợ tài chính cho các hoạt động tuyên truyền.

2. Mục tiêu:

a) Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của các chủ thể tham gia giao thông, đặc biệt là các đối tượng trực tiếp tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giao thông vận tải. Xây dựng và hình thành nếp sống văn hóa khi tham gia giao thông;

b) Đến hết năm 2015, 95% người tham gia giao thông được phổ biến kiến thức, pháp luật về an toàn giao thông, 85% học sinh, sinh viên các bậc học được giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, 100% đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô được tuyên truyền kiến thức pháp luật về an toàn giao thông, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp cho các lái xe, 100% lãnh đạo các cấp chính quyền được tuyên truyền về an toàn giao thông, biện pháp đảm bảo an toàn giao thông.

II. ĐỐI TƯỢNG, NGUYÊN TẮC VÀ NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN

1. Đối tượng tuyên truyền

Nội dung thông tin tuyên truyền được thiết kế phù hợp cho các nhóm đối tượng sau:

a) Các đơn vị kinh doanh vận tải;

b) Học sinh, sinh viên;

c) Người điều khiển phương tiện giao thông, đặc biệt là đội ngũ lái xe khách, lái xe tải nặng, xe siêu trường, siêu trọng và người điều khiển mô tô, xe gắn máy;

d) Cán bộ, lãnh đạo, công nhân viên và người lao động tại các cơ quan nhà nước, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp;

đ) Các cấp chính quyền Trung ương và địa phương;

e) Các đối tượng tham gia giao thông khác.

2. Nguyên tắc tuyên truyền:

[...]