Quyết định 2029/QĐ-BKHCN năm 2015 ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016 do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Số hiệu 2029/QĐ-BKHCN
Ngày ban hành 12/08/2015
Ngày có hiệu lực 12/08/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Khoa học và Công nghệ
Người ký Nguyễn Quân
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

BỘ KHOA HỌC VÀ
CÔNG NGHỆ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2029/QĐ-BKHCN

Hà Nội, ngày 12 tháng 08 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 19/NQ-CP NGÀY 12 THÁNG 3 NĂM 2015 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU TIẾP TỤC CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH
DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA HAI NĂM 2015-2016

BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Căn cứ Nghị định số 20/2013/NĐ-CP ngày 26/02/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tổng hợp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ KH&ĐT;
- Lưu: VT, VP, KHTH.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Quân

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 19/NQ-CP NGÀY 12 THÁNG 3 NĂM 2015 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU TIẾP TỤC CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA HAI NĂM 2015-2016
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2029/QĐ-BKHCN ngày 12 tháng 8 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ)

Ngày 12 tháng 3 năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015-2016. Để triển khai Nghị quyết số 19/NQ-CP, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) xây dựng chương trình hành động với những nội dung chính sau đây:

I. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Tăng cường hoạt động quản lý về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm và hàng hóa

a) Tổ chức triển khai thực hiện Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, áp dụng dịch vụ công trực tuyến phù hợp với cơ chế Hải quan một cửa; khắc phục tình trạng trùng lặp về các yêu cầu quản lý, kiểm tra chất lượng sản phẩm. Sửa đổi, bổ sung Nghị định 89/2006/NĐ-CP về ghi nhãn hàng hóa, bổ sung hướng dẫn về công nhận sự phù hợp của các nước có tiêu chuẩn kỹ thuật cao và nhãn hiệu nổi tiếng. Triển khai thủ tục “kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN thực hiện trên hệ thống một cửa quốc gia”.

b) Thúc đẩy hoạt động nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa thông qua các hoạt động: tuyên truyền, phổ biến kiến thức về năng suất chất lượng; tư vấn áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng cho doanh nghiệp; đào tạo nhân lực về năng suất chất lượng cho các doanh nghiệp; hoàn thiện phương pháp tính toán năng suất cấp quốc gia, cấp ngành, cấp địa phương và doanh nghiệp.

c) Phát triển hệ thống tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia theo hướng tăng cao tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực. Tăng cường áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về đo lường, chất lượng đối với hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu; tăng cường hoạt động khảo sát nắm tình hình và diễn biến chất lượng trên thị trường, tổ chức kiểm tra đột xuất khi có phản ánh của báo chí, người tiêu dùng. Xây dựng mạng lưới tổ chức đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, phù hợp tiêu chuẩn quốc gia đối với sản phẩm, hàng hóa chủ lực.

d) Tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống TCVN đến năm 2020. Xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia đáp ứng yêu cầu quản lý các sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn, vệ sinh và ô nhiễm môi trường. Đào tạo nâng cao năng lực xây dựng tiêu chuẩn cho các Bộ, ngành và doanh nghiệp.

đ) Đầu tư nâng cao năng lực của Viện năng suất Việt Nam thành Viện Năng suất quốc gia đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

e) Tổ chức và quản lý hoạt động mạng lưới cơ quan thông báo và hỏi đáp hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT); Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của các Bộ, ngành; hệ thống thông tin cảnh báo trong nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa kết nối với hệ thống cảnh báo quốc tế.

2. Đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý và hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

a) Rà soát sửa đổi các quy định về sở hữu trí tuệ để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, thông thoáng cho các nhà đầu tư.

b) Tăng cường hỗ trợ, xác lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho tổ chức, cá nhân. Triển khai các giải pháp nâng cao năng lực, hiệu quả của hệ thống bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, góp phần lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, thu hút các nguồn đầu tư vào các hoạt động sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

c) Đề xuất chính sách tiếp tục hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020; hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp, địa phương đăng ký xác lập quyền và bảo vệ tài sản trí tuệ cho hàng xuất khẩu, đặc biệt ở các thị trường tiềm năng của Việt Nam. Tiếp tục nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ; đẩy mạnh việc nghiên cứu những vấn đề cấp thiết hiện nay về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; tăng cường công tác đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ trong hệ thống sở hữu trí tuệ.

[...]