Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2015 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 19/NQ-CP
Ngày ban hành 12/03/2015
Ngày có hiệu lực 12/03/2015
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Thương mại

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 19/NQ-CP

Hà Nội, ngày 12 tháng 03 năm 2015

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHỮNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU TIẾP TỤC CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH QUỐC GIA HAI NĂM 2015 - 2016

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị quyết số 10/2011/QH13 ngày 08 tháng 11 năm 2011 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2012 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 và Phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm 2011 - 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia;

Trên cơ sở thảo luận của các Thành viên Chính phủ và Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2015,

QUYẾT NGHỊ:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

Để cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2014 yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; giai đoạn 2014 - 2015 tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện, giảm chi phí hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước. Chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là cải cách thủ tục hành chính về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, cấp phép xây dựng, đất đai, thủ tục đầu tư, tiếp cận điện năng, thành lập, giải thể, phá sản doanh nghiệp.... Phấn đấu đến năm 2015 đạt mức trung bình của Nhóm nước ASEAN-6.

Các Bộ, cơ quan, địa phương đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết; cụ thể hóa mục tiêu theo lộ trình cải cách các quy định về thủ tục và trách nhiệm của cơ quan thực thi các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Nhiều nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong năm 2014 - 2015 đã được triển khai thực hiện có hiệu quả và đạt kết quả tích cực. Môi trường sản xuất kinh doanh được cải thiện, năng lực cạnh tranh được nâng lên một bước.

Đã ban hành và sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp luật, đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính về thuế và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Ngay trong năm 2014, tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử đã tăng từ 65% lên 95%; thời gian nộp thuế của doanh nghiệp giảm được 290 giờ, từ 537 giờ/năm xuống còn 247 giờ/năm. Thực hiện Luật sửa đổi một số điều của các Luật Thuế đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2015 thì sẽ giảm thêm được 80 giờ, từ 247 giờ/năm xuống còn 167 giờ/năm (mức bình quân của các nước ASEAN-6 là 121 giờ/năm).

Đã rà soát, đơn giản hóa quy trình thủ tục và chính thức triển khai Cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển quốc tế, phấn đấu đến năm 2015 thời gian thông quan hàng hóa giảm bình quân từ 21 ngày xuống còn 14 ngày đối với xuất khẩu, 13 ngày đối với nhập khẩu, giảm được 10 - 20% chi phí và 30% thời gian thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu cho doanh nghiệp.

Quy trình nộp bảo hiểm xã hội, thành lập, giải thể doanh nghiệp và tiếp cận điện năng đã được rút gọn. Thời gian nộp bảo hiểm xã hội giảm được 100 giờ, từ 335 giờ/năm xuống còn 235 giờ/năm. Thời gian thực hiện thủ tục hành chính về thành lập, tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp giảm 50%, trong đó thời gian thực hiện các thủ tục khởi sự kinh doanh giảm từ 34 ngày xuống còn 17 ngày. Thời gian tiếp cận điện năng của doanh nghiệp giảm từ 115 ngày xuống còn 70 ngày.

Theo Báo cáo cập nhật về Môi trường kinh doanh công bố tháng 10 năm 2014 của Ngân hàng Thế giới (số liệu tính đến tháng 6 năm 2014), xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đã cải thiện đáng kể. Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu công bố tháng 9 năm 2014 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 2 bậc, từ 70 lên 68/148 nền kinh tế. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đã nâng mức xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam (Moody’s nâng từ mức B2 lên B1, Fitch nâng từ B+ lên BB- và đều đánh giá với triển vọng ổn định).

Tuy nhiên, một số Bộ, cơ quan, địa phương chưa thực sự tích cực triển khai hoặc chưa bám sát các chỉ tiêu, cách thức cải thiện môi trường kinh doanh theo thông lệ quốc tế. Nhiều nhiệm vụ, giải pháp chưa được triển khai theo yêu cầu, tác động của Nghị quyết vào thực tế sản xuất và đời sống vẫn còn chậm.

Một số cam kết của các Bộ, cơ quan, địa phương về cải thiện môi trường kinh doanh chậm được triển khai đến cấp cơ sở, doanh nghiệp. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, mặc dù môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta có bước được cải thiện nhưng so với các nước trong khu vực thì vẫn còn thấp. Thể chế luật pháp, cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, thực thi công vụ... vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc, gây khó khăn, phiền hà, tốn kém thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Một số Bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa coi việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết của ngành, địa phương. Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới về năng lực cạnh tranh, Singapore xếp thứ 02, Malaysia thứ 20, Thái Lan thứ 31, Indonesia thứ 34, Philippines thứ 52, Việt Nam thứ 68. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh, Singapore xếp thứ 01, Malaysia thứ 18, Thái Lan thứ 26, Việt Nam thứ 78 còn Philippines thứ 95, Indonesia thứ 114.

Giai đoạn 3 - 5 năm tới, sau khi chúng ta hoàn tất đàm phán và bắt đầu triển khai thực hiện hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác chủ yếu, đồng thời chuẩn bị hoàn tất việc triển khai các cam kết kinh tế trong khuôn khổ WTO và Lộ trình xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN, sẽ có ý nghĩa rất quan trọng và then chốt đối với tiến trình hội nhập quốc tế và sự phát triển kinh tế - xã hội nước ta. Việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là yêu cầu cấp thiết nhằm tranh thủ hiệu quả các cơ hội và lợi ích của các cam kết hội nhập.

Để tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong hai năm 2015 - 2016, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan và địa phương tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sau:

II. MỤC TIÊU VÀ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH HAI NĂM 2015 - 2016

1. Mục tiêu tổng quát

Tập trung thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phấn đấu cải thiện điểm số và vị trí xếp hạng về môi trường kinh doanh (theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới) và năng lực cạnh tranh quốc gia (theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới). Bảo đảm các loại thị trường hàng hóa, lao động, chứng khoán, bất động sản, khoa học công nghệ... vận hành đầy đủ, thông suốt và ngày càng trở thành yếu tố quyết định trong huy động và phân bố các nguồn lực cho phát triển. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh và đời sống, coi đây là phương thức phát triển mới để đổi mới quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp, của quốc gia.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu

Trong hai năm 2015 - 2016 tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính. Bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước. Cải cách toàn diện các quy định về điều kiện kinh doanh, về quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu, phù hợp với thông lệ quốc tế, chuyển mạnh sang hậu kiểm.

a) Năm 2015, phấn đấu các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của nước ta đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN-6:

- Rút ngắn thời gian nộp thuế còn không quá 121,5 giờ/năm, thời gian nộp bảo hiểm xã hội không quá 49,5 giờ/năm; tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế điện tử đạt trên 95%; tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt tối thiểu 90%; xây dựng và công khai cơ sở dữ liệu về hoàn thuế, bảo đảm ít nhất 90% hoàn thuế theo đúng thời gian quy định.

- Tiếp tục giảm mạnh thời gian thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu ngang bằng với các nước ASEAN-6, bảo đảm Hải quan Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn hải quan hiện đại; thời gian hàng hóa xuất nhập khẩu giao lưu qua biên giới đạt mức tối đa 13 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu, 14 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu. Cơ bản hoàn thành và vận hành hiệu quả Hải quan một cửa quốc gia, kết nối Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) với các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Quốc phòng (Bộ đội Biên phòng), Công an (Cục Quản lý xuất nhập cảnh), Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ...

[...]
9
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ