Quyết định 2023/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Đề án Phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020

Số hiệu 2023/QĐ-UBND
Ngày ban hành 13/06/2016
Ngày có hiệu lực 13/06/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Nguyễn Đức Quyền
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2023/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 13 tháng 6 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH THANH HÓA, GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18/6/2013; Nghị định số 08/2014/ NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Quyết định số 1318/QĐ-BKHCN ngày 05/6/2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu giai đoạn 2016 - 2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 425/TTr-SKHCN ngày 30 tháng 5 năm 2016 về việc phê duyệt Đề án: Phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 - 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án: Phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016 - 2020.

Điều 2. Giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cá nhân, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Quyền

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH THANH HÓA, GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
(Kèm theo Quyết định số: 2023/QĐ-UBND ngày 13/6/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa)

Phần thứ nhất

THỰC TRẠNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ, GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

1. Những kết quả đạt được

- Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ (KH&CN) đã đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực, nhất là trong nông nghiệp, y dược… đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Tiềm lực KH&CN được tăng cường cả về tổ chức, nhân lực, cơ sở vật chất và kinh phí đầu tư; các tổ chức KH&CN công lập bước đầu hoạt động có kết quả trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH&CN. Các tổ chức KH&CN ngoài công lập, nhất là một số doanh nghiệp, như: Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn, Công ty cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông, Công ty cổ phần Dược - Vật tư y tế Thanh Hóa… bước đầu đã quan tâm đến đầu tư cho hoạt động KH&CN. Nhân lực KH&CN tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng so với giai đoạn trước. Cơ sở vật chất và thiết bị được đầu tư, nhất là đối với các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng thuộc ngành nông nghiệp.

- Thị trường KH&CN đã có những khởi động bước đầu; hệ thống doanh nghiệp KH&CN đã được hình thành và phát triển. Hợp tác về KH&CN trong và ngoài nước đã được quan tâm mở rộng hơn.

- Bộ máy quản lý nhà nước về KH&CN, Hội đồng KH&CN được kiện toàn từ tỉnh đến huyện, hoạt động ngày càng hiệu quả hơn. Quản lý nhà nước về KH&CN đã có những đổi mới tích cực; một số lĩnh vực được đánh giá thuộc nhóm đầu toàn quốc.

2. Hạn chế, yếu kém và nguyên nhân

2.1. Hạn chế, yếu kém

- Hoạt động KH&CN chưa tạo được sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đổi mới công nghệ, thiết bị trong các doanh nghiệp còn chậm; sản phẩm công nghệ cao, sản phẩm ứng dụng công nghệ cao còn ít; chưa có sản phẩm, lĩnh vực sản xuất đạt trình độ quốc gia và khu vực.

- Tiềm lực KH&CN vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động KH&CN còn thiếu thốn, lạc hậu, thiếu đồng bộ; nhân lực KH&CN trong các tổ chức KH&CN còn mỏng; năng lực và hiệu quả hoạt động KH&CN của đa số các tổ chức KH&CN còn thấp.

[...]