Quyết định 194/2005/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010 do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 194/2005/QĐ-UBND
Ngày ban hành 25/10/2005
Ngày có hiệu lực 25/10/2005
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Lê Thanh Hải
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 194/2005/QĐ-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 10 năm 2005 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI QUẬN BÌNH TÂN, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2010

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 532/TTg ngày 12 tháng 7 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 1996-2010”;
Căn cứ Quyết định số 123/1998/QĐ-TTg ngày 10 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010”;
Căn cứ Chỉ thị số 32/1998/CT-TTg ngày 23 tháng 9 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về “Công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội thời kỳ đến năm 2010”;
Theo Quyết định số 1946/QĐ-UB-KT ngày 05 tháng 4 năm 1999 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về tổ chức triển khai đề án “Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội ngày 23 tháng 9 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ”;
Theo Quyết định số 6993/QĐ-UB-QLĐT ngày 24 tháng 12 năm 1998 của Ủy ban nhân dân thành phố về “Phê duyệt quy hoạch chung huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020”;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân quận Bình Tân tại Công văn số 573/UB ngày 11 tháng 8 năm 2005 và của Viện Kinh tế thành phố tại Công văn số 416/VKT ngày 08 tháng 9 năm 2005;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010 với những nội dung định hướng chính sau :

1. Vị trí, chức năng

Quận Bình Tân tiếp giáp cửa ngõ phía Tây của thành phố, là nơi tiếp nối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Cơ cấu giá trị sản xuất của các ngành kinh tế trên địa bàn quận đến năm 2010 là công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp và sẽ có sự chuyển dịch tăng nhanh tỷ trọng ngành dịch vụ, đặc biệt là giai đoạn sau năm 2010.

2. Mục tiêu phát triển chung

Đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; giữ tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, hiệu quả và bền vững; thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ và công nghiệp có hàm lượng khoa học-kỹ thuật cao; nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. Ưu tiên phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo quy hoạch, đặc biệt là hệ thống giao thông, cấp-thoát nước; hệ thống giáo dục, y tế; thu hẹp khoảng cách về điều kiện dân sinh với các quận nội thành.

3. Mục tiêu cụ thể và các chỉ tiêu chủ yếu

3.1- Dân số và lao động

3.1.1- Giai đoạn 2006-2010 : Kiểm soát tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở mức 1,15%/năm, tỷ lệ tăng cơ học ở mức 4,49%/năm.

3.1.2- Giảm tỷ lệ lao động chưa có việc làm từ 6,12% năm 2003 xuống còn5,57% năm 2010. Tăng tỷ lệ lao động đang làm việc trong độ tuổi từ 73,15% năm 2003 lên 74,76% năm 2010.

3.2- Phát triển kinh tế

3.2.1- Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2006-2010:

Công nghiệp và xây dựng trên địa bàn quận tăng bình quân từ 22,5%/năm trở lên (trong đó, công nghiệp chế biến tăng từ 23%/năm trở lên; xây dựng tăng từ 20%/năm trở lên); các ngành dịch vụ tăng bình quân 43,2%/năm; ngành nông-lâm-ngư nghiệp tăng bình quân 2%/năm.

3.2.2- Cơ cấu các ngành kinh tế năm 2010 :

Tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trên địa bàn đạt 81% (trong đó, công nghiệp chiếm 84%%; xây dựng 16%); tỷ trọng các ngành dịch vụ đạt 18%; tỷ trọng nông-lâm-ngư nghiệp đạt 1%.

a) Ngành nông nghiệp :

Phát triển nông nghiệp theo hướng phục vụ đô thị xanh sạch, bền vững, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, tạo cảnh quan đẹp, đáp ứng cho nhu cầu của một quận đô thị mới. Kết hợp phát triển nông nghiệp phù hợp với phát triển du lịch sinh thái. Khai thác và tận dụng hết diện tích đất nông

nghiệp và các khu vực kinh tế vườn, trồng những cây có hiệu quả kinh tế cao như hoa lan, cây kiểng. Duy trì và tiến tới giảm dần quy mô đàn bò sữa, đàn heo.

Về lâu dài, khi quận phát triển thành một trung tâm thương mại và dịch vụ, ngành nông nghiệp sẽ tập trung vào những lĩnh vực mang lại hiệu quả kinh tế cao, phát triển sinh vật cảnh và nuôi trồng theo định hướng chung của thành phố. Phấn đấu đạt tốc độ tăng bình quân về giá trị sản xuất của ngành nông-lâm-thủy sản là 2%/năm.

b) Ngành công nghiệp đến năm 2010 :

Phấn đấu tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt từ 22,5%/năm trở lên.

Phát triển công nghiệp theo hướng đa dạng hóa ngành nghề, ưu tiên đầu tư phát triển những ngành tạo ra sản phẩm có hàm lượng công nghệ, kỹ thuật cao hoặc sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại (sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử, máy tính, máy gia dụng, sản xuất phần mềm, lắp ráp ôtô, xe máy và thiết bị điện, công nghệ sinh học, sản xuất vật liệu mới). Ổn định và duy trì các ngành công nghiệp giày da, may mặc, dệt, chế biến thực phẩm và đồ uống, sản xuất hóa chất, chế biến gỗ, sản phẩm từ cao su và plastic, sản xuất kim loại, sản xuất giấy để tăng giá trị hàng xuất khẩu.

Phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp sạch, không gây ô nhiễm. Kiên quyết thực hiện di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nặng mà không có khả năng xử lý ô nhiễm vào các khu công nghiệp tập trung, hoặc chuyển đổi chức năng hoạt động.

Tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất các ngành công nghiệp chính :

[...]