Quyết định 532-TTg năm 1997 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 1996 - 2000 do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành

Số hiệu 532-TTg
Ngày ban hành 12/07/1997
Ngày có hiệu lực 12/07/1997
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Đầu tư,Bộ máy hành chính

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 532-TTg

Hà Nội, ngày 12 tháng 7 năm 1997

  

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH THỜI KỲ 1996 - 2010

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Xét đề nghị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tại Tờ trình số 4552/UB-TH ngày 23 tháng 12 năm 1996 và đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 1891-BKH/VPTĐ ngày 3 tháng 4 năm 1997,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 1996 - 2010 với định hướng chủ yếu sau:

I. VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG:

Thành phố Hồ Chí Minh là một đô thị lớn, một trung tâm nhiều chức năng trong vùng phát triển kinh tế trọng điểm thành phố Hồ Chí Minh - Sông Bé - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng tàu; là trung tâm phát triển của khu vực phía Nam và cả nước. Từng bước phát triển thanh phố thành trung tâm hiện đại; liên kết chặt chẽ về quy hoạch, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội với các tỉnh Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long, Nam Tây Nguyên và Nam Trung bộ để thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và bảo vệ môi trường, góp sức cùng cả nước mở rộng hợp tác, nâng cao sức cạnh tranh của kinh tế nước ta trên thị trường khu vực và quốc tế.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN CHUNG:

1. Duy trì tốc độ tăng trưởng của thành phố cao hơn mức bình quân chung của cả nước và phát triển một cách toàn diện, cân đối và bền vững về kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo đảm vững chắc an ninh quốc phòng.

2. Tạo sự chuyển biến đồng bộ, mạnh mẽ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế (đặc biệt là các ngành sản xuất và dịch vụ then chốt) với cơ cấu kinh tế hướng mạnh về xuất khẩu. Hình thành một cơ cấu các thành phần kinh tế hợp lý, liên kết hỗ trợ lẫn nhau, bao gồm kinh tế Nhà nước, kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân và kinh tế tư bản Nhà nước.

3. Hạn chế tăng dân số và phân bố lại hợp lý dân cư trong vùng và trên địa bàn thành phố. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bao gồm học vấn, nghề nghiệp và thể chất. Coi trọng phát triển khoa học, công nghệ, văn hoá - nghệ thuật tương xứng với một trung tâm của khu vực. Khắc phục các tiêu cực và tệ nạn xã hội, phân hoá giàu nghèo.

4. Phát triển đồng bộ và đi trước một bước hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là giao thông đô thị. Song song với việc chỉnh trang, cải tạo nâng cấp khu vực đô thị cũ, phát triển nhanh các khu vực đô thị mới, đô thị hoá vùng nông thôn nhằm hạn chế mật độ dân cư tập trung quá mức ở các khu trung tâm; gia tăng mật độ cây xanh, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường sinh thái, tiến tới xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại.

5. Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, nâng cao năng lực điều hành và quản lý Nhà nước ở các cấp chính quyền thành phố; nghiên cứu đề xuất điều chỉnh, bổ sung những vấn đề thuộc cơ chế, chính sách và luật pháp để tạo động lực mới, động viên sức dân tham gia xây dựng thành phố.

6. Giữ vững kỷ cương, trật tự công cộng, an toàn xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng.

III. MỤC TIÊU CỤ THỂ VÀ CHỈ TIÊU CHỦ YẾU:

1. Về dân số và nguồn lao động.

Hạn chế mức tăng dân số không quá 2,80%

Đến năm 2010, quy mô dân số thành phố đạt khoảng 7,5 đến 8 triệu người, trong đó có khoảng 5 đến 6 triệu lao động. Giảm tỷ lệ lao động chưa có việc làm còn khoảng 5%.

2. Về kinh tế:

Tốc độ tăng trưởng GDP của thành phố bình quân từ nay đến năm 2000 là 13% và duy trì được tốc độ này trong những năm tiếp theo. Trong đó khu vực dịch vụ khoảng 14,4%; khu vực công nghiệp và xây dựng khoảng 14%; khu vực nông lâm ngư và khai thác khoảng 4% (năm 2010);

GDP bình quân đầu người đạt khoảng 1600 USD (năm 2000) và khoảng 4540 USD (năm 2010);

Đến năm 2010, cơ cấu GDP của thành phố tiếp tục phát triển theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, trong đó dịch vụ chiếm 54%; công nghiệp 45,3%; nông - lâm - ngư và khai thác 0,7%; chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế: quốc doanh khoảng 30%, ngoài quốc doanh khoảng 40% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khoảng 30%;

Tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu bình quân từ nay đến năm 2000 và đến năm 2010 khoảng 22%; tốc độ tăng tổng kim ngạch nhập khẩu bình quân từ nay đến năm 2000 khoảng 24% và từ năm 2000 đến năm 2010 khoảng 19%;

Tổng vốn đầu tư thời kỳ 1996 - 2000 khoảng 133.641 tỷ đồng (khoảng 12,149 tỷ USD) và thời kỳ 2000 - 2010 khoảng 782.141 tỷ đồng (khoảng 71,103 tỷ USD).

3. Về phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng:

- Lượng điện nhận từ lưới: khoảng 8.073 triệu Kwh (năm 2000) và khoảng 23.913 triệu Kwh (năm 2010);

- Lượng nước sản xuất: 1.250.000 m3/ngày (năm 2000) và 2.820.000 m3/ngày (năm 2010);

[...]