Quyết định 139/2002/QĐ-UB phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010 do Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu | 139/2002/QĐ-UB |
Ngày ban hành | 29/11/2002 |
Ngày có hiệu lực | 29/11/2002 |
Loại văn bản | Quyết định |
Cơ quan ban hành | Thành phố Hồ Chí Minh |
Người ký | Lê Thanh Hải |
Lĩnh vực | Xây dựng - Đô thị |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 139/2002/QĐ-UB |
TP.Hồ Chí Minh, ngày 29 tháng 11 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ VỀ PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI QUẬN THỦ ĐỨC, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2010
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994 ;
Căn cứ Quyết định số 532/TTg ngày 12 tháng 7 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 1996-2010 và Quyết định số 123/1998/QĐ-TTg ngày 10 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010 ;
Căn cứ Chỉ thị số 32/1998/CT-TTg ngày 23 tháng 9 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về Công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ đến năm 2010 ;
Theo Quyết định số 1946/QĐ-UB-KT ngày 05 tháng 4 năm 1999 của Ủy ban nhân dân thành phố về Tổ chức triển khai đề án : Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội ngày 23 tháng 9 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 3815/QĐ-UB-QLĐT ngày 14 tháng 9 năm 1999 của Ủy ban nhân dân thành phố về Phê duyệt quy hoạch chung quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 ;
Xét đề nghị của Thường trực Ban chỉ đạo Hậu quy hoạch tại Tờ trình số 136/HQH ngày 21 tháng 10 năm 2002 ;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.- Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010, với những nội dung định hướng sau :
1- Vị trí, chức năng :
Quận Thủ Đức là một khu đô thị mới, là cửa ngõ phía Đông Bắc của thành phố, có vị trí địa lý, giao thông thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt và đường thủy ; là một trong những trung tâm công nghiệp quan trọng của thành phố. Ngoài ra, quận Thủ Đức còn là một trung tâm giáo dục đại học, cao đẳng lớn của phía Nam.
Cơ cấu kinh tế-xã hội trong tương lai của quận là công nghiệp - dịch vụ- nông nghiệp.
2- Mục tiêu phát triển chung :
Mục tiêu phát triển của quận là : Đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế trên cơ sở khai thác tốt nhất thế mạnh của địa bàn ; thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ- nông nghiệp ; phát triển giáo dục nhằm nâng cao trình độ dân trí và góp phần giải quyết việc làm ; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội ; bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, lành mạnh hóa môi trường sống.
3- Mục tiêu cụ thể và các chỉ tiêu chủ yếu :
3.1- Dân số và lao động :
3.1.1- Giai đoạn 2002-2005 : Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đạt 1%/năm, tỷ lệ tăng cơ học 4,4%. Giai đoạn 2006-2010 : Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đạt 1%/năm và tỷ lệ tăng cơ học 1,7%.
3.1.2- Giảm tỷ lệ lao động chưa có việc làm từ 5,6% năm 2001 xuống còn 2,9% năm 2005 và 2,4% năm 2010.
3.2- Phát triển kinh tế :
3.2.1- Tốc độ tăng trưởng :
+ Giai đoạn 2002-2005 : Tốc độ tăng trưởng của khu vực II (công nghiệp và xây dựng) tăng bình quân 19%/năm ; khu vực III (các ngành thương mại-dịch vụ) tăng bình quân 24,7%/năm ; khu vực I (các ngành nông, lâm, thủy sản) tăng bình quân 0,4%/năm.
+ Giai đoạn 2006-2010 : Khu vực II tăng bình quân 18,6%/năm ; khu vực III bình quân tăng 28,9%/năm ; khu vực I giảm bình quân 6,5%/năm.
3.2.2- Cơ cấu kinh tế :
Tỷ trọng khu vực II đạt 81,8% năm 2005 và 74,9% năm 2010. Tỷ trọng khu vực III đạt 18% năm 2005 và 25% năm 2010. Tỷ trọng khu vực I đạt 0,3% năm 2005 và 0,1% năm 2010.
* Ngành công nghiệp :
Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp : Thiết bị điện tử, sản xuất thực phẩm và đồ uống ; sản xuất trang phục, thuộc da ; sản xuất giấy bao bì ; vật liệu xây dựng ; sản phẩm khoáng phi kim loại.
* Thương mại - dịch vụ - du lịch :
Chú ý phát triển dịch vụ thương mại, xuất-nhập khẩu, các dịch vụ tài chính-ngân hàng, vận tải hàng hóa trên cơ sở khai thác những thế mạnh về hệ thống khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn quận. Phát triển các loại hình vui chơi giải trí, các dịch vụ khoa học-kỹ thuật trên cơ sở phát triển mở rộng khu đại học phía Nam.
3.3- Các lĩnh vực xã hội :
3.3.1- Giáo dục :
a) Hệ mầm non : Từng bước nâng cao tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến trường trên cơ sở đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất như trường lớp, phương tiện học tập.
b) Hệ phổ thông :
+ Cấp tiểu học : Phấn đấu đến năm 2005, trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt 95% và đến năm 2010 đạt 98% ; xây dựng thêm 244 phòng học đến năm 2005 và 101 phòng học đến năm 2010.
+ Cấp trung học cơ sở : Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đạt 95% vào năm 2005 và đạt 97% vào năm 2010 ; xây dựng thêm 244 phòng học đến năm 2005 và 101 phòng học đến năm 2010.
+ Phổ thông trung học : Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đạt 75% vào năm 2005 và đạt 85% vào năm 2010 ; xây dựng thêm 145 phòng học cho thời kỳ từ 2002 - 2005 và 93 phòng học cho thời kỳ từ 2006-2010.
3.3.2- Y tế :
Phấn đấu đến năm 2005 thanh toán bệnh bại liệt, uốn ván, hạn chế tối đa các bệnh sốt xuất huyết, sốt rét ; đến năm 2010 đạt tỷ lệ 10 bác sĩ/1 vạn dân và tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt 95%.
Nâng cấp bệnh viện Đa Khoa hiện nay lên 350 giường vào năm 2005 và lên 500 giường vào năm 2010 ; xây dựng 1 Trung tâm y tế quận, phòng khám đa khoa 50 giường.
3.3.3- Văn hóa, Thể dục-thể thao :
a) Văn hóa :
Trong giai đoạn 2002-2005, nâng cấp cải tạo nhà truyền thống quận, nâng cấp mở rộng khu tượng đài phía Bắc quận ; xây dựng mới 01 thư viện và nhà triển lãm quận.
b) Thể dục-thể thao :
Trong giai đoạn 2002-2005, nâng cấp trung tâm thể dục-thể thao quận theo tiêu chuẩn quốc gia ; xây dựng mới một trung tâm thể dục-thể thao, kết hợp với khu công viên trung tâm khu vực phía Bắc quận tại phường Linh Trung. Ngoài ra, kết hợp xây dựng các cơ sở luyện tập thể dục-thể thao trong công viên, trong các trường đại học, trường phổ thông, nâng diện tích đất dành cho thể dục-thể thao toàn quận lên trên 35 ha đến năm 2010 (tăng khoảng 40% so diện tích đất cho thể dục-thể thao hiện nay).
3.4- Phát triển cơ sở hạ tầng đô thị :
3.4.1- Giao thông :
Từ nay đến năm 2010, phát triển hoàn chỉnh mạng lưới giao thông khu vực và các tuyến đường vành đai trong, đường Xuyên á, các tuyến giao thông chính cấp thành phố (đường đô thị cấp 1 theo quy hoạch tổng mặt bằng được duyệt), phần đi qua địa bàn quận để đảm bảo nối kết giao thông các tuyến đường vành đai trong và vành đai ngoài với giao thông trên địa bàn quận cùng với toàn thành phố.
3.4.2- Cấp nước :
Từ nay đến năm 2005, tiếp tục cải tạo, nâng cấp và phát triển mới hệ thống cấp nước toàn quận. Bảo đảm đến năm 2010, đủ nước sinh hoạt cho dân cư và nước cho sản xuất-kinh doanh trên địa bàn quận, trong đó có khu dân cư tập trung mới phát triển và các khu công nghiệp trên địa bàn quận.
3.4.3- Thoát nước và vệ sinh đô thị :
Từ nay đến năm 2010, tập trung đầu tư nạo vét các kinh rạch trên địa bàn quận, kết hợp củng cố nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống kè sông Sàigòn và một số kinh rạch chính, củng cố nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống bờ bao ven sông rạch phục vụ thủy lợi, chống úng ngập và chống ô nhiễm môi trường.
Xây dựng hệ thống mương, cống thoát nước, riêng các khu công nghiệp và khu đại học Quốc gia xây dựng hệ thống các cấp tiêu thoát nước từ các sườn đồi nối kết các mương và hệ thống cống thoát nước với chiều dài khoảng 68 km gắn với hệ thống xử lý nước công nghiệp, nước sinh hoạt ; hoàn thiện hệ thống thu gom rác thải và các giải pháp đồng bộ để kiểm tra và hạn chế ô nhiễm môi trường trên địa bàn quận và vùng lân cận của các địa phương bạn.
3.4.4- Cấp điện :
Phấn đấu phát triển mạng lưới điện theo hướng hiện đại hóa, xây dựng các trạm cung cấp điện, trạm biến thế, cải tạo mạng lưới điện hạ thế, đảm bảo an toàn, mỹ quan, phù hợp với kiến trúc đô thị và giao thông trên địa bàn.
3.4.5- Thông tin liên lạc :
Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng các nghiệp vụ truyền thống hiện có, phát triển các nghiệp vụ mới ; nâng cấp tổng đài điện tử thành tổng đài đa dịch vụ ; mật độ điện thoại là 15 máy/100 dân vào năm 2005 và 30 máy/100 dân vào năm 2010.
3.4.6- Nhà ở :
Triển khai các chương trình xây dựng nhà ở cho những người có thu nhập thấp, nhà ở cho sinh viên, cho công nhân ở các khu công nghiệp tập trung. Các khu đô thị phát triển mới phải đảm bảo yêu cầu đồng bộ về quy hoạch kiến trúc và các dịch vụ công cộng văn minh, chuẩn bị đủ điều kiện để tiếp tục phát triển hiện đại ; các khu đô thị chỉnh trang được triển khai đồng thời với chương trình phát triển các khu đô thị mới. Cố gắng đạt mức diện tích nhà ở bình quân 12m2 /người từ năm 2005. Phấn đấu xây dựng các khu chung cư tập trung ở các vùng phát triển đô thị mới ở 3 phường phía Bắc quận.
3.4.7- Bảo vệ môi trường :
Quận kết hợp với các ngành chức năng của thành phố xây dựng kế hoạch theo dõi, quản lý tốt và có các giải pháp xử lý nghiêm ngặt tất cả các nguồn chất thải từ sản xuất-kinh doanh và sinh hoạt nhằm bảo đảm môi trường sống lành mạnh và bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Quận dành thêm 341 ha đất để xây dựng các công viên, cây xanh trên địa bàn quận.
4- Các giải pháp và chính sách thực hiện mục tiêu quy hoạch :
Quận cần phối hợp chặt chẽ với Viện Kinh tế, Sở Xây dựng, Kiến trúc sư Trưởng thành phố, Viện Quy hoạch, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chánh-Vật giá và các sở-ngành thành phố có liên quan để xây dựng các giải pháp và chính sách cụ thể, nhằm thực hiện thành công các mục tiêu đề ra cho từng giai đoạn trong đề án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội và quy hoạch chung của quận được phê duyệt.
4.1- Những điểm cần chú ý khi thực hiện quy hoạch :
4.1.1- Cần tiến hành xây dựng kế hoạch thực thi thống nhất, đồng bộ và có hiệu quả trên cơ sở kết hợp cả hai đề án : Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội quận đến năm 2010 và quy hoạch chung của quận đến năm 2020 đã được phê duyệt.
4.1.2- Cần sớm quy hoạch chi tiết, xác định và quản lý chặt chẽ phần diện tích đất dành cho việc mở đường, xây dựng giao lộ, bến xe, hành lang kỹ thuật, công trình phúc lợi công cộng, công viên cây xanh, v.v...
4.1.3- Quản lý chặt chẽ các vấn đề về xử lý nước thải, chất khí và thu gom rác,... của các đơn vị sản xuất công nghiệp trên địa bàn quận, nhằm đảm bảo môi trường sống và đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.
4.2- Ủy ban nhân dân quận có trách nhiệm phối hợp với các sở-ngành thành phố có liên quan tập trung nghiên cứu và trình Ủy ban nhân dân thành phố danh mục các chương trình đầu tư, các dự án phát triển kinh tế-xã hội theo thứ tự ưu tiên nhằm thực hiện có hiệu quả quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội và quy hoạch chung (mặt bằng xây dựng) của quận đã được phê duyệt và dựa vào danh mục các chương trình, dự án đã được luận chứng theo thứ tự ưu tiên này để lập kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và từng năm của quận.
Trong quá trình thực hiện quy hoạch, phải cập nhật tình hình, nếu phát sinh những vấn đề không phù hợp, cần sớm trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét để có quyết định điều chỉnh kịp thời.
Điều 2.- Ủy ban nhân dân quận có kế hoạch kiểm tra, theo dõi việc thực hiện quy hoạch một cách chặt chẽ. Các sở-ngành thành phố có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ Ủy ban nhân dân quận trong quá trình thực hiện nhằm đảm bảo sự thống nhất giữa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội và quy hoạch chung của quận với quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội và quy hoạch chung của thành phố.
Điều 3.- Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 4.- Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Thủ trưởng các sở-ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Thủ Đức chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |