Quyết định 123/1998/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 123/1998/QĐ-TTg
Ngày ban hành 10/07/1998
Ngày có hiệu lực 25/07/1998
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 123/1998/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 10 tháng 07 năm 1998 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Xét đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ xây dựng tại Công văn số 1047/UB.TP-BXD ngày 23/03/1998
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 với nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu:

Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 nhằm xác định vị trí, vai trò đặc biệt của thành phố trong mối quan hệ với vùng trọng điểm phiá Nam, với cả nước và quốc tế; đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; kết hợp tốt giữa xây dựng, phát triển với bảo đảm an ninh, quốc phòng, giữa cải tạo với xây dựng mới, để khắc phục những bất hợp lý trong cấu trúc của thành phố do lịch sử để lại, nhằm xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành một đô thị hiện đại, vừa có bản sắc dân tộc, là một trung tâm kinh tế, một trung tâm giao dịch quốc tế và du lịch của cả nước, có vị trí chính trị quan trọng của nước ta ở phía Nam, với các nước trong khu vực và quốc tế.

2. Phạm vi điều chỉnh lập Quy hoạch và định hướng phát triển không gian:

Phạm vi nghiên cứu quy hoạch bao gồm thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị xung quanh thuộc các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu có bán kính ảnh hưởng từ 30 – 50 Km.

- Hướng phát triển của thành phố chủ yếu về phía Đông Bắc, gắn với Thuận An (Bình Dương), Biên Hòa (Đồng Nai); bổ sung thêm hướng phát triển về phía Nam, Đông Nam tiến ra biển, gắn với khu Nhà Bè, Bình Chánh, Hiệp Phước, Cần Giờ, đô thị mới Nhơn Trạch – Long Thành và hướng phụ khác về phía Bắc, Tây Bắc gắn với Củ Chi, Hóc Môn, dọc quốc lộ 22 và trục xuyên Á nối với Tây Ninh, Campuchia.

- Trung tâm thành phố được mở rộng qua Thủ Thiêm nhằm khai thác các lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, đất đai, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và môi trường.

3. Quy mô dân số:

Đến năm 2020 và lâu dài, quy mô dân số thành phố khoảng 10 triệu người, trong đó khu vực nội thành khống chế khoảng 6 triệu người.

4. Quy hoạch sử dụng đất đai và kiến trúc cảnh quan đô thị:

a) Về chỉ tiêu sử dụng đất:

Chỉ tiêu sử dụng đất đô thị bình quân 100 m2/người, trong đó đất giao thông là 20 – 22 m2/ người, đất cây xanh là 10 – 15 m2/người và xây dựng các công trình phục vụ lợi ích công cộng là 5 m2/người.

b) Về phân khu chức năng:

- Các khu dân cư bao gồm khu nội thành cũ (12 quận), khu nội thành phát triển (5 quận mới) khống chế khoảng 6 triệu người và khu vực ngoại thành bao gồm các thị trấn, thị tứ, các đo thị mới và dân cư nông thôn với số dân từ 3 đến 4 triệu người;

- Các khu công nghiệp hiện có được cải tạo, nâng cấp và sắp xếp lại cho phù hợp với Quy hoạch xây dựng thành phố, đồng thời phát triển mới một số khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất và khu công nghệ cao để sản xuất các mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn, Tại các khu dân cư có thể bố trí các xí nghiệp công nghiệp có quy mô nhỏ, sạch, kỹ thuật cao;

Diện tích đất dành cho xây dựng các khu công nghiệp tâp trung khoảng 6.000 ha.

- Hệ thống các trung tâm dịch vụ của thành phố được tổ chức theo hướng đa tâm, gồm trung tâm hành chính, lịch sử, văn hóa, thương mại, ngân hàng tại các quận 1, 3, 5 (chợ lớn), 10, Bình Thạnh (Gia Định) và được mở rộng về phía quận 2 (Thủ Thiêm) với diện tích khoảng 1.700 ha; các trung tâm thương mại, dịch vụ, tài chính, ngân hàng khác được bố trí tại khu A – Nam Sài Gòn (quận 7), dọc đường Hà Nội (quận 9), ngã tư An Sương (quận 12 và Hóc Môn) gắn với quốc lộ 22 và Tân Kiên (huyện Bình Chánh) gắn với quốc lộ 1A, với diện tích đất mỗi khu khoảng 200 ha.

Hỗ trợ cho các trung tâm dịch vụ của thành phố là trung tâm các quận và bố trí gắn với các khu dân cư.

- Các trung tâm chuyên ngành gồm:

+ Các trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, y tế, văn hóa, cây xanh, thể dục thể thao,... hiện có được cải tạo, nâng cấp phù hợp với quy mô, tính chất, yêu cầu sử dụng theo quy hoạch thành phố;

+ Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh bố trí tại quận Thủ Đức khoảng 800 ha, trong đó 600 ha thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương và một số khu đại học, đào tạo nghề và cơ sở nghiên cứu khoa học quy mô nhỏ, bố trí ở khu Nam Sài Gòn (quận 7), quận 9, quận 12, huyện Hóc Môn và tại nội thành cũ, với diện tích dự kiến khoảng 300 ha;

+ Các cơ quan quản lý nhà nước được bố trí gắn với các trung tâm thành phố, quận, phường, Trụ sở của các công ty, các tổ chức và các cơ quan đại diện nước ngoài bố trí trên các trục phố chính;

+ Các bệnh viện đa khoa hiện đại và các bệnh viện chuyên khoa bố trí tại các quận ven, các quận mới và huyện ngoại thành;

[...]