UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1936/QĐ-UBND
|
Yên
Bái, ngày 23 tháng 10 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI CÔNG TÁC CAI
NGHIỆN MA TÚY TỈNH YÊN BÁI ĐẾN NĂM 2020
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn Luật Phòng, chống ma túy
ngày 09/12/2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma
túy ngày 03/6/2008;
Căn cứ Nghị định số
221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp
xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
Căn cứ Nghị định 96/2012/NĐ-CP
ngày 15/11/2012 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc
phiện bằng thuốc thay thế;
Căn cứ Quyết định số
32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển
nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020;
Căn cứ Quyết định số
1001/QĐ-TTg ngày 27/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc
gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến
năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 2596/QĐ-TTg
ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đổi mới công
tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số
1008/QĐ-TTg ngày 20/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu bệnh
nhân được điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone năm
2014 và 2015;
Căn cứ Thông tư số
12/2013/TT-BYT ngày 12/4/2013 của Bộ Y tế về hướng dẫn chi tiết thi hành một số
điều của Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ về điều trị
nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao
động -Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 122/TTr-LĐTBXH ngày 08/9/2014,
QUYẾT
ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án "Đổi
mới công tác cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái đến năm 2020" với các nội dung
chủ yếu sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung: Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dự phòng và điều trị nghiện nhằm
giảm tác hại của nghiện ma túy, kiềm chế gia tăng người nghiện mới; góp phần bảo
đảm trật tự, an toàn xã hội và nâng cao sức khỏe cho nhân dân, hỗ trợ người
nghiện tái hòa nhập cộng đồng.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Giai đoạn 2014-2015
- Nâng cao nhận thức cấp uỷ Đảng, chính quyền và
các tầng lớp nhân dân về dự phòng và điều trị nghiện, phấn đấu 50% cán bộ chính
quyền các cấp và 50% người dân ở độ tuổi trưởng thành hiểu biết cơ bản về nghiện
ma túy, các biện pháp điều trị nghiện.
- Nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội
ngũ cán bộ làm công tác dự phòng và điều trị nghiện, phấn đấu 50% cán bộ dự
phòng và điều trị nghiện được đào tạo kiến thức cơ bản về điều trị nghiện; 50%
cán bộ làm công tác tư vấn về dự phòng và điều trị nghiện được đào tạo và được
cấp chứng chỉ; 60% cán bộ y tế công tác tại các cơ sở điều trị nghiện có văn bằng
chứng chỉ theo quy định về điều trị nghiện.
- Nâng tỷ lệ số người nghiện được điều trị so với
số người nghiện có hồ sơ quản lý từ trên 30,0% hiện nay lên 50% vào năm 2015 và
nâng số người nghiện được điều trị thay thế bằng Methadone lên 1.200 vào năm
2015.
- Tăng tỷ lệ người nghiện hoà nhập cộng đồng có
việc làm đạt 40% vào năm 2015.
b) Giai đoạn 2016-2020
- Nâng cao nhận thức cấp uỷ Đảng, chính quyền và
các tầng lớp nhân dân về dự phòng và điều trị nghiện, phấn đấu 75% trở lên cán
bộ chính quyền các cấp và 75% trở lên người dân ở độ tuổi trưởng thành hiểu biết
cơ bản về nghiện ma túy, các biện pháp, mô hình dự phòng và điều trị nghiện.
- Nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội
ngũ cán bộ làm công tác dự phòng và điều trị nghiện, phấn đấu 75% cán bộ dự
phòng và điều trị nghiện được đào tạo kiến thức cơ bản về điều trị nghiện; 80%
cán bộ làm công tác tư vấn về dự phòng và điều trị nghiện được đào tạo và được
cấp chứng chỉ; 80% cán bộ y tế công tác tại các cơ sở điều trị nghiện có đầy đủ
văn bằng chứng chỉ theo quy định về điều trị nghiện.
- Nâng tỷ lệ số người nghiện được điều trị so với
số người nghiện có hồ sơ quản lý từ 50% vào năm 2015 lên lên 80% vào năm 2020.
Tăng dần số lượng, tỷ lệ người nghiện được điều trị thay thế bằng Methadone
hàng năm.
- Tăng tỷ lệ người nghiện hòa nhập cộng đồng tìm
kiếm được việc làm từ 40% vào năm 2015 lên 70% vào năm 2020.
II. NỘI DUNG CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA
ĐỀ ÁN
1. Duy trì Trung tâm Chữa
bệnh- Giáo dục- Lao động xã hội tỉnh
- Phấn đấu trở thành mô hình kiểu
mẫu vừa chữa bệnh, vừa giáo dục, lao động và có thái độ ứng xử phù hợp với đối
tượng theo đúng chính sách nhà nước Xây dựng phương án, lộ trình giảm dần
tỷ lệ cai nghiện bắt buộc, tăng dần tỷ lệ cai nghiện tự nguyện với chỉ tiêu năm
2015: cai nghiện bắt buộc là 350, tự nguyện là 100 đối tượng; đến năm 2020: cai
nghiện bắt buộc là 250, tự nguyện là 200 đối tượng.
Tăng cường công tác dạy và học nghề cho học
viên, đồng thời thực hiện nghiêm quy định về cai nghiện ma túy và quản lý sau
cai.
- Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy
nghề: thực hiện các hoạt động dạy nghề cho người sau cai nghiện ma túy; nội
dung, hạng mục cụ thể do Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái phê duyệt cụ thể cho từng
giai đoạn.
2. Phát triển các cơ sở điều
trị nghiện tự nguyện tại huyện
Duy trì các cơ sở điều trị thay thế nghiện các
chất dạng thuốc phiện bằng Methadone đã có và thành lập mới các cơ sở điều trị
Methadone tại Bệnh viện đa khoa, Trung tâm y tế cấp huyện với quy mô từ 200-
300 bệnh nhân/01 cơ sở; đảm bảo mỗi huyện có từ 01- 02 cơ sở điều trị Methadone
tùy theo quy mô số lượng người nghiện các chất dạng thuốc phiện của huyện (đến
năm 2015 toàn tỉnh có 11 cơ sở điều trị Methadone).
Thành lập các cơ sở cấp, phát thuốc thay thế vệ
tinh từng bước phát triển thành điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ người nghiện tại
cộng đồng gắn với trạm y tế cấp xã, vùng địa bàn rộng, nơi có nhiều bệnh nhân
điều trị thay thế bằng Methadone.
3. Bổ sung chức năng, nhiệm
vụ về công tác xã hội với người nghiện cho Trung tâm Dạy nghề- Giáo dục thường
xuyên cấp huyện
Thành lập Phòng công tác xã hội thuộc Trung tâm
Dạy nghề- Giáo dục thường xuyên cấp huyện, thực hiện các nhiệm vụ tư vấn về điều
trị nghiện và các nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng đối với cán bộ làm nghề công tác
xã hội đối với người nghiện (biên chế sử dụng trong tổng số viên chức hiện có).
4. Thành lập điểm tư vấn,
chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện cộng đồng
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn
xã, phường, thị trấn có nhiều người nghiện ma túy chủ động đề xuất với Chủ tịch
Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố Quyết định thành lập điểm tư vấn, chăm
sóc, hỗ trợ điều trị nghiện hoặc điểm cấp phát, thuốc thay thế phù hợp với tình
hình thực tế.
- Mục đích: Huy động các tổ chức, cá nhân tham
gia hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện nâng cao nhận thức, tuân thủ việc điều trị lâu
dài tại cộng đồng.
- Nguyên tắc: sử dụng cơ sở vật chất hiện có của
trạm y tế cấp xã để hoạt động, nhưng phải đảm bảo các quy định của cơ sở cấp
phát thuốc điều trị thay thế và các quy định về tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều
trị nghiện.
- Nhân sự: cán bộ làm việc tại các điểm tư vấn
chăm sóc hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng: cán bộ y tế kiêm nhiệm, tình
nguyện viên không hưởng tiền công, tiền lương từ ngân sách nhà nước.
- Lộ trình:
+ Giai đoạn đến
2015: thành lập 02 điểm thuộc huyện Văn Chấn và thành phố Yên Bái.
+ Giai đoạn 2016- 2020: phát triển thêm các điểm
thuộc thị xã Nghĩa Lộ, huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu.
5. Xây dựng và thực hiện kế
hoạch đào tạo về dự phòng và điều trị nghiện
a) Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên cấp
huyện, các Trường Trung cấp nghề thực hiện nội dung:
- Đào tạo cơ bản về dự phòng và tư vấn điều trị
nghiện.
+ Đối tượng: Là nhân viên công tác xã hội, đội
viên tình nguyện cấp xã, cán bộ quản lý, cán bộ trực tiếp tham gia công tác điều
trị nghiện.
+ Hình thức: các lớp đào tạo, bồi dưỡng đối với
cán bộ làm việc trong lĩnh vực này.
- Đào tạo về tư vấn điều trị nghiện.
+ Đối tượng: Là cán bộ làm công tác tư vấn tại
các cơ sở điều trị nghiện, điểm chăm sóc, hỗ trợ, điều trị nghiện tại cộng đồng.
+ Hình thức: các lớp đào tạo bồi dưỡng và cấp chứng
chỉ về tư vấn điều trị nghiện.
b) Trung tâm Y tế cấp huyện thực hiện đào tạo về
điều trị thay thế, điều trị hội chứng cai và các rối loạn tâm thần, thể chất ở
người
- Đối tượng: là cán bộ y tế làm công tác tại các
cơ sở điều trị nghiện, điểm chăm sóc, hỗ trợ, điều trị nghiện tại cộng đồng.
- Hình thức: các lớp đào tạo bồi dưỡng và cấp chứng
chỉ về điều trị thay thế và cắt cơn điều trị.
6. Nghiên cứu, triển
khai thí điểm điều trị cai nghiện bằng thuốc CEDEMEX
Nghiên cứu xây dựng Kế hoạch triển khai thí điểm
thực hiện điều trị cai nghiện bằng thuốc CEDEMEX tại các huyện có nhiều người
nghiện các chất dạng thuốc phiện theo hướng:
- Ngân sách tỉnh hỗ trợ hoạt động bảo đảm các nội
dung của kế hoạch.
- Đề nghị Viện nghiên cứu điều trị bệnh hiểm
nghèo trung ương cấp thuốc và hỗ trợ kỹ thuật về chuyên môn.
- Người nghiện tham gia điều trị đóng góp.
III. GIẢI PHÁP
THỰC HIỆN
1. Công tác
chỉ đạo, tuyên truyền vận động xã hội
- Tăng cường công tác chỉ đạo của
cấp ủy, chính quyền các cấp; hoạt động hướng dẫn, phối hợp của các sở, ngành,
các tổ chức đoàn thể thực hiện các nội dung đổi mới công tác cai nghiện ma túy
tỉnh Yên Bái đến năm 2020.
- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên
truyền, công tác truyền thông nâng cao nhận thức về nghiện ma túy, dự phòng và
điều trị nghiện, điều trị thay thế bằng trị Methadone.
- Xây dựng chương trình, tài liệu
truyền thông tuyên truyền về tác hại của ma túy và nghiện ma túy, các biện pháp
dự phòng, điều trị nghiện ma túy phù hợp, điều trị thay thế bằng Methadone.
2. Về tổ chức
bộ máy
- Đối với Trung tâm Chữa bệnh-
Giáo dục- Lao động xã hội tỉnh: Tiếp tục là đơn vị sự nghiệp công lập
theo Quyết định số 478/QĐ-UBND ngày 11/4/2014 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc
kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy Trung tâm Chữa bệnh- Giáo dục- Lao động xã hội
trực thuộc Sở Lao động – TB&XH.
- Đối với các cơ sở điều trị
Methadone:
+ Các
cơ sở trực thuộc ngành Y tế: bổ sung nhiệm vụ, biên chế về điều trị thay thế
nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone cho các Bệnh viện đa khoa, Trung
tâm Y tế cấp huyện; mỗi cơ sở tương đương như một khoa chuyên môn của đơn vị và
đảm bảo có ít nhất 5 nhân viên làm việc 100% cho công tác điều trị Methadone.
Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh là cơ quan đầu mối hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật
triển khai điều trị Methadone trên địa bàn tỉnh.
+ Cơ sở trực thuộc Chi cục phòng
chống tệ nạn xã hội tỉnh: bổ sung chức năng, nhiệm vụ cơ sở điều trị Methadone
là một đơn vị sự nghiệp trực thuộc Chi cục; bổ sung biên chế cho Chi cục đảm bảo
có ít nhất 5 nhân viên làm việc 100% cho công tác điều trị Methadone.
3. Xây dựng
cơ sở vật chất, huy động kinh phí
- Thực hiện đầu tư cơ sở vật chất,
trang thiết bị dạy nghề thực hiện các nhiệm vụ dạy và học nghề cho người sau
cai nghiện ma túy, theo lộ trình, nội dung phê duyệt cụ thể của Uỷ ban nhân dân
tỉnh Yên Bái từng giai đoạn.
- Thực hiện lộ trình xây dựng mới
một số cơ sở điều trị Methadone, cải tạo công năng một số cơ sở y tế, trạm y tế
xã; đầu tư trang thiết bị để đảm bảo cơ bản yêu cầu của cơ sở điều trị
Methadone, cơ sở cấp phát thuốc vệ tinh.
- Huy động các nguồn lực cho công
tác dự phòng và điều trị nghiện: tăng cường sự hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà
nước; huy động sự tham gia của cộng đồng, khuyến khích xã hội hóa công tác điều
trị nghiện.
4. Giải pháp
về chuyên môn
- Xây dựng, ban hành cơ chế, chính
sách, chế độ về điều trị nghiện và triển khai thực hiện nghiêm các quy định.
- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ: Tập
huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm
việc tại Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động xã hội tỉnh, các cơ sở điều trị
Methadone, cán bộ công tác xã hội làm việc tại các Trung tâm dạy nghề- giáo dục
thường xuyên cấp huyện, cán bộ Văn hóa- Lao động Thương binh xã hội, nhân viên
công tác xã hội các xã, phường, thị trấn.
- Nghiên cứu, ứng dụng các bài thuốc
và các phương pháp điều trị nghiện.
IV. KINH PHÍ THỰC
HIỆN
Kinh phí thực hiện Đề án đổi mới
công tác cai nghiện ma túy tỉnh Yên Bái đến năm 2020 bao gồm các nguồn:
1. Ngân sách địa phương: được bố trí trong kinh phí chi thường xuyên của các cơ quan, địa phương
và hỗ trợ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ:
- Duy trì hoạt động của Trung tâm
Chữa bệnh- Giáo dục- Lao động xã hội tỉnh theo lộ trình giảm cai nghiện bắt buộc
và tăng cai nghiện tự nghiện; hỗ trợ đầu tư trang thiết bị và công tác đào tạo
nghề cho người sau cai.
- Đầu tư kinh phí về cơ sở vật chất,
mua sắm trang thiết bị, đào tạo cán bộ, chi trả lương, phụ cấp cho người lao động,
chi phí vận hành cho các cơ sở điều trị Methadone.
- Hỗ trợ đào tạo về nghề công tác
xã hội với người nghiện; phát triển điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện
tại cộng đồng; truyền thông.
2. Ngân sách trung ương và các
nguồn viện trợ quốc tế: hỗ trợ thuốc Methadone,
CEDEMEX, thực hiện mô hình.
3. Nguồn xã hội hóa: kinh phí thu của bệnh nhân sử dụng dịch vụ điều trị Methadone và đối
tượng cai nghiện tự nguyện tập trung theo mức được cấp có thẩm quyền quy định.
V. PHÂN CÔNG
TRÁCH NHIỆM
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh
tổ chức thực hiện các nội dung của Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến
năm 2020; định kỳ báo cáo kết quả tiến độ thực hiện Đề án và đề xuất khó khăn,
vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện để có giải pháp kịp thời tháo gỡ
khó khăn.
2. Sở Y tế chủ trì thực hiện
Chương trình điều trị thay thế bằng Methadone; quản lý, cung ứng, nghiên cứu về
thuốc điều trị nghiện; phối hợp tổ chức đào tạo tập huấn về phương pháp điều trị
nghiện.
3. Các sở, ngành, Uỷ ban nhân dân
các huyện, thị xã, thành phố trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được
phân công có trách nhiệm phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong
quá trình thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án đã được phê duyệt.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh văn phòng Ủy
ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Chủ tịch Uỷ
ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan chịu trách
nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận:
- TT. Tỉnh uỷ;
- TT. HĐND tỉnh;
- CT&PCT UBND tỉnh;
- Cục PCTNXH- Bộ LĐTBXH;;
- Như Điều 3;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Phó CVPTH- VPUBND tỉnh;
- Phòng Công báo-CNTT;
- Lưu: VT, VX, TH.
|
CHỦ TỊCH
Phạm Duy Cường
|