Quyết định 2245/QĐ-UBND năm 2014 về Kế hoạch thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Số hiệu 2245/QĐ-UBND
Ngày ban hành 09/05/2014
Ngày có hiệu lực 09/05/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Hứa Ngọc Thuận
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2245/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 05 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI CÔNG TÁC CAI NGHIỆN MA TÚY Ở VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy năm 2008;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 96/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế;

Căn cứ Quyết định số 1001/QĐ-TTg ngày 27 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược Quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội tại Tờ trình số 3986/TTr-LĐTBXH-PCTNXH ngày 07 tháng 4 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 5952/QĐ-UBND ngày 31 tháng 11 năm 2012 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Kế hoạch cai nghiện phục hồi, quản lý sau cai nghiện ma túy từ nay đến năm 2015 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Công an Thành phố, Thủ trưởng các Sở - ngành, đơn vị có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam;
- Bộ LĐ-TB&XH; Bộ Công an;
- Văn phòng Chính phủ;
- Cục Phòng chống tệ nạn xã hội;
- TTTU, TT HĐND/TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam/TP;
- Văn phòng Thành ủy và các Ban Thành ủy;
- Ban Văn hóa Xã hội - HĐND/TP;
- Các Sở - ngành, Đoàn thể Thành phố;
- Thành viên BCĐ PCTP và TNXH/TP;
- Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội/TP;
- VP UB: CPVP; Các phòng CV;
- Lưu: VT (VX-TC)

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hứa Ngọc Thuận

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI CÔNG TÁC CAI NGHIỆN MA TÚY Ở VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2245/QĐ-UBND ngày 09 tháng 5 năm 2014 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố)

Nhằm kiểm soát, kéo giảm tỷ lệ tái nghiện ma túy và phòng ngừa phát sinh người nghiện mới trên địa bàn Thành phố; đồng thời, nâng cao chất lượng các dịch vụ cai nghiện để giúp cho người nghiện ma túy được chăm sóc, phục hồi về sức khỏe, nhận thức, tâm lý, hành vi và nhân cách, giảm tác hại của ma túy đến gia đình, xã hội và góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, theo chủ trương đổi mới công tác cai nghiện tại Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Đề án “Đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020”; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2012 - 2015; Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề ra Kế hoạch thực hiện Đề án trên địa bàn Thành phố, cụ thể như sau:

I. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH:

Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố, sự triển khai đồng bộ của các Sở - ngành và chính quyền địa phương các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Đoàn thể thành viên trong việc áp dụng các biện pháp đưa người vào cơ sở chữa bệnh, quản lý sau cai nghiện ma túy và các vấn đề có liên quan đến đối tượng ma túy, đã góp phần quan trọng trong việc kéo giảm tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn Thành phố; tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân, thể hiện qua những kết quả đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết số 16/2003/QH11 ngày 17 tháng 6 năm 2003 của Quốc hội khóa XI về cho phép thực hiện thí điểm “Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện” trên địa bàn Thành phố, Kế hoạch số 6572/KH-UBND ngày 14 tháng 9 năm 2005 của Ủy ban nhân dân Thành phố về giải quyết tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện chấp hành tốt thời gian quản lý; đặc biệt, đã khống chế được đại dịch HIV/AIDS trong đối tượng có nguy cơ cao, giữ vững ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố.

Tuy nhiên, với đặc thù là một đô thị lớn, tập trung đông dân cư nên tình hình tội phạm và tệ nạn liên quan đến ma túy có nhiều tiềm ẩn và diễn biến phức tạp, số người nghiện mới có chiều hướng gia tăng và trẻ hóa, đặc biệt là người nghiện ma túy tổng hợp. Thực hiện Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi, bổ sung), Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn của Trung ương, Thành phố đã tập trung đưa các đối tượng nghiện ma túy vào các cơ sở chữa bệnh bắt buộc với số lượng ngày một tăng (năm 2010 đưa vào cơ sở chữa bệnh là 3.754 người; năm 2011 là 4.530 người; năm 2012 là 5.527 người và năm 2013 là 5.251 người). Theo số liệu thống kê năm 2013, trong 5.251 người được đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc, có 2.048 người hộ khẩu Thành phố (chiếm tỷ lệ 39%) và 3.203 người nghiện thuộc diện lang thang và có hộ khẩu ở các tỉnh, thành phố khác (chiếm tỷ lệ 61%); số người nghiện mới chiếm tỷ lệ 74%.

Đến cuối năm 2013, Thành phố Hồ Chí Minh có 16 cơ sở cai nghiện ma túy, trong đó có 12 cơ sở cai nghiện bắt buộc (09 cơ sở trú đóng trên địa bàn các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Đắk Nông, Lâm Đồng và 03 cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh), 01 Trung tâm thực hiện thí điểm điều trị lệ thuộc ma túy tại cộng đồng và 03 cơ sở cai nghiện ma túy tư nhân, đang tập trung quản lý và điều trị cai nghiện ma túy cho 9.506 người nghiện (trong đó có 8.930 cai nghiện ma túy bắt buộc); không có Trung tâm nào quản lý thường xuyên dưới 50% đối tượng so với quy mô thiết kế. Số người nghiện có hồ sơ quản lý là 13.010 người, tỷ lệ người cai nghiện bắt buộc so với người có hồ sơ quản lý là 68,63%.

Dự báo tình hình mua bán và sử dụng trái phép các chất ma túy trong những năm tới tiếp tục tiềm ẩn và diễn biến phức tạp, đặc điểm của người nghiện ma túy trong giai đoạn tới sẽ có những thay đổi, bên cạnh số lượng lớn người sử dụng heroin qua tiêm chích, thì số người sử dụng các loại ma túy tổng hợp có chiều hướng gia tăng mạnh trong nhóm đối tượng là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên ở khu vực đô thị; tỷ lệ tái nghiện vẫn còn cao, số người tự nguyện đăng ký cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng còn thấp và đặc biệt là người nghiện ma túy từ các tỉnh, thành phố khác, người lang thang không có nơi cư trú nhất định đến Thành phố Hồ Chí Minh vi phạm tiếp tục có xu hướng gia tăng. Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã có hiệu lực thi hành nhưng các văn bản hướng dẫn thực hiện chậm được ban hành sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác xử lý các vấn đề liên quan đến người nghiện ma túy. Dự kiến đến cuối năm 2014 số học viên, người sau cai nghiện đang quản lý bắt buộc trong các Trường, Trung tâm còn lại là 4.620 người (không bao gồm số tăng mới năm 2014) và dự báo số người đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo Luật Xử lý vi phạm hành chính hàng năm khoảng từ 2.500 - 3.000 người.

II. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU:

- Đổi mới quan điểm cai nghiện theo hướng xem người nghiện ma túy là người bệnh mãn tính do rối loạn của não bộ và điều trị nghiện ma túy một quá trình lâu dài, bao gồm tổng thể các quy trình can thiệp, hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội làm thay đổi nhận thức, hành vi nhằm giảm tác hại của nghiện ma túy và giảm tình trạng sử dụng ma túy trái phép.

- Thực hiện đa dạng hóa các biện pháp và mô hình điều trị nghiện ma túy, trong đó, tăng dần điều trị nghiện tự nguyện tại gia đình, tại cộng đồng và giảm dần điều trị nghiện bắt buộc tại các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội (sau đây gọi tắt là Trung tâm), với lộ trình phù hợp với đặc thù của người nghiện ma túy trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Tạo điều kiện cho người nghiện ma túy dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ điều trị nghiện thích hợp tại cộng đồng. Điều trị nghiện bắt buộc chỉ áp dụng đối với người nghiện ma túy có hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội theo Quyết định của Tòa án nhân dân.

[...]