Quyết định 1929/QĐ-UBND năm 2014 về Chương trình hành động tỉnh Thái Nguyên thực hiện Nghị quyết 49/NQ-CP tiếp tục thực hiện chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới

Số hiệu 1929/QĐ-UBND
Ngày ban hành 03/09/2014
Ngày có hiệu lực 03/09/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Nguyên
Người ký Dương Ngọc Long
Lĩnh vực Thương mại,Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1929 /QĐ-UBND

Thái Nguyên, ngày 03 tháng 9 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG TỈNH THÁI NGUYÊN THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 49/NQ-CP CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TIẾP TỤC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ 4 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA X VỀ MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH LỚN ĐỂ NỀN KINH TẾ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG KHI VIỆT NAM LÀ THÀNH VIÊN CỦA TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 10/7/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới;

Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 1128/TTr-SKHĐT ngày 20/8/2014,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Chương trình hành động tỉnh Thái Nguyên thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, bao gồm các nội dung sau:

I. Mục tiêu:

Thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-CP ngày 10/7/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, Chương trình hành động này được xây dựng nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên với các mục tiêu cụ thể như sau:

- Phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, không để bị lệ thuộc và bị động trong quá trình hội nhập. Xây dựng lộ trình để có những bước đi phù hợp, bảo đảm thực hiện thắng lợi các chủ trương của Đảng với mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

- Tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế gắn với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tiếp tục đẩy mạnh thu hút nguồn lực bên ngoài về vốn, về kỹ năng quản trị doanh nghiệp, về khoa học công nghệ phục vụ cho việc nâng cao chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.

II. Những nhiệm vụ chủ yếu

Để đạt được mục tiêu nêu trên, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức triển khai những nhiệm vụ cơ bản như sau:

1. Hoàn thiện pháp luật và thể chế kinh tế

a) Tăng cường công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế đặc biệt là các thể chế liên quan đến phát triển kinh tế xã hội. Nâng cao chất lượng xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, chất lượng tham gia ý kiến vào văn bản quy phạm pháp luật.

b) Thường xuyên rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm phát luật liên quan đến các chính sách phát triển kinh tế xã hội do Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tình ban hành. Thực hiện Nghị quyết số 43/NQ-CP ngày 06/6/2014 của Chính phủ về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Kiên quyết loại bỏ những văn bản, quy định chồng chéo, không còn phù hợp của các ngành để kịp thời báo cáo UBND tỉnh quyết định điều chỉnh, sửa đổi bổ sung cho phù hợp với tình hình mới.

c) Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung thực hiện tốt kế hoạch số 49/KH-UBND ngày 22/8/2013 của UBND tỉnh về Thực hiện Kết luận số 66-KL/TU, ngày 08/4/2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Chỉ thị số 31-CT/TU ngày 08/4/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, đảm bảo đồng bộ, bao trùm trên tất cả các lĩnh vực: Cải cách thể chế đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính; Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; Cải cách tài chính công.

d) Cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến từng lĩnh vực vào cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính được kịp thời trên cơ sở căn cứ theo các văn bản mới ban hành của Nhà nước; Quán triệt các bộ phận có liên quan, cán bộ làm công tác tiếp nhận và trả kết quả của các đơn vị thực hiện nghiêm các thủ tục hành chính đã công bố công khai, đầy đủ, rõ ràng và thực hiện đúng nội dung những thủ tục hành chính đã được công bố.

đ) Kiện toàn tổ chức bộ máy gắn với việc xây dựng chính quyền địa phương nhằm tăng cường nâng cao hiệu lực, hiệu quả nhà nước.

2. Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm

a) Triển khai hiệu quả Chương trình hành động tỉnh Thái Nguyên thực hiện Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2013-2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội chủ yếu theo cơ chế thị trường vào các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, nâng cao năng suất lao động, năng suất các yếu tố tổng hợp và năng lực cạnh tranh.

b) Điều chỉnh quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp phù hợp với điều kiện và yêu cầu mới, gắn với yêu cầu thị trường, đẩy mạnh đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ người lao động, đổi mới sản phẩm và tăng cường quản lý chất lượng để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, trên cơ sở đòi hỏi của hội nhập quốc tế, phát triển khoa học công nghệ; quan tâm phát triển các loại hình doanh nghiệp công nghiệp sạch, công nghiệp vừa và nhỏ với mô hình quản lý liên kết kinh tế hiệu quả bền vững trên địa bàn nông thôn.

c) Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài, các dự án trọng điểm, các lĩnh vực mà địa phương chưa có nguồn thực hiện; bố trí nguồn ngân sách hợp lý phù hợp với địa phương để thực hiện đối ứng, thực hiện các chương trình dự án.

d) Tích cực triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, du lịch; hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm tỉnh Thái Nguyên; chương trình hành động, đề án hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2016 - 2020... Chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá đầu tư, cung cấp thông tin, tài liệu về tiềm năng thế mạnh của tỉnh đến các nhà đầu tư, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

đ) Xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển các sản phẩm, hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm; ưu tiên đầu tư, đổi mới công nghệ tạo sản phẩm chất lượng cao có khả năng cạnh tranh trên thị trường đối với ngành công nghiệp, công nghệ thông tin. Phát triển mạnh công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin gắn với việc hình thành các tổ hợp điện tử và công nghệ cao Samsung, các ngành công nghiệp phụ trợ.

e) Chú trọng nâng cao chất lượng công tác xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận, xúc tiến đầu tư vào thị trường trong và ngoài nước để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; tư vấn giúp các doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu, hỗ trợ về vốn, đào tạo, tiếp cận thông tin, ứng dụng công nghệ mới, tìm kiếm thị trường; phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các chính sách, chương trình hỗ trợ về vốn, đào tạo, tiếp cận thông tin, công nghệ và thị trường.

3. Phát triển đồng bộ các yếu tố của nền kinh tế thị trường

[...]