Quyết định 1725/QĐ-UBND năm 2014 về kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020

Số hiệu 1725/QĐ-UBND
Ngày ban hành 30/07/2014
Ngày có hiệu lực 30/07/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Tây Ninh
Người ký Trần Lưu Quang
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1725/QĐ-UBND

Tây Ninh, ngày 30 tháng 7 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 215/QĐ-TTg, ngày 06 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh tại Tờ trình số 85/TTr-SVHTTDL, ngày 08 tháng 7 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tây Ninh, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Lưu Quang

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG QUỐC GIA VỀ PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1725/QĐ-UBND, ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Ủy ban Nhân dân tỉnh)

Qua hơn 3 năm, triển khai thực hiện Quyết định số 60/QĐ-UBND, ngày 13 tháng 01 năm 2010 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về Kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2010 - 2015 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Công tác phòng, chống bạo lực gia đình (sau đây viết tắt là PCBLGĐ) trong thời gian qua luôn được các ngành, các cấp quan tâm chú trọng, đặc biệt là công tác truyền thông, tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình được triển khai thực hiện một cách đồng bộ. Song, tình trạng bạo lực gia đình hiện nay tuy có giảm, nhưng ở từng địa phương tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) vẫn diễn ra với nhiều hình thức khác nhau, mức độ tính chất của từng vụ, từng hành vi ngày càng phức tạp, đa dạng hơn, nạn nhân bị bạo lực không chỉ dừng lại ở phụ nữ mà còn ở người già, trẻ em, thậm chí là nam giới.

Qua số liệu báo cáo của Tòa án Nhân dân tỉnh Tây Ninh hai năm 2008 - 2009 (Tòa án địa phương) đã thụ lý 4.369 vụ, đã giải quyết ly hôn 4.108 vụ; trong đó có 154 vụ do bị đánh đập, ngược đãi; vợ, chồng, ngoại tình: 128 vụ, mâu thuẫn kinh tế: 54 vụ; rượu chè, ma túy: 08 vụ. Đặc biệt, có 08 bản án xử lý hình sự về bạo lực gia đình (BLGĐ) trong đó có 04 vụ chồng giết vợ.

Các cơ quan tiến hành tố tụng 2 cấp (tỉnh, huyện) đã khởi tố 37 vụ án hình sự liên quan đến hành vi BLGĐ, trong đó có 6 vụ giết người, 26 vụ cố ý gây thương tích; Ngành Tòa án đã thụ lý và đưa ra giải quyết 13.085 vụ án hôn nhân gia đình (cấp tỉnh: 262 vụ; cấp huyện: 12.823 vụ); trong đó có 702 vụ án có hành vi BLGĐ (cấp tỉnh: 20 vụ; cấp huyện: 682 vụ) ….

Dù BLGĐ xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng xác định BLGĐ luôn là vấn nạn của xã hội, nếu không đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn hỗ trợ cho những hộ gia đình có nguy cơ BLGĐ thì tình trạng BLGĐ ngày càng tăng, dẫn đến cảnh gia đình tan vỡ, con cái là nạn nhân của BLGĐ … để lại hậu quả cho xã hội và trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể, cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác gia đình, PCBLGĐ ngày càng nhiều hơn.

Từ thực trạng trên, để công tác PCBLGĐ ngày càng đạt hiệu quả; nội dung triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia PCBLGĐ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2020 với những mục tiêu và giải pháp cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình; từng bước ngăn chặn và giảm dần số vụ bạo lực gia đình trên phạm vi toàn quốc.

2. Các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể

- Số hộ gia đình được tiếp cận thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình: Phấn đấu đến năm 2015 đạt trên 85% và đến năm 2020 đạt trên 95%

- Cán bộ tham gia phòng, chống bạo lực gia đình các cấp (huyện, thành phố) được tập huấn nâng cao năng lực phòng, chống bạo lực gia đình: Phấn đấu đến năm 2015 đạt trên 50% và đến năm 2020 đạt trên 90%.

- Lãnh đạo chính quyền, đoàn thể cấp xã được tập huấn bồi dưỡng, nâng cao năng lực phòng, chống bạo lực gia đình: Phấn đấu đến năm 2015 đạt trên 80% và đến năm 2020 đạt trên 90%.

[...]