Quyết định 1922/QĐ-BGTVT năm 2013 phê duyệt đề án "Phân cấp, xã hội hóa công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải" do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 1922/QĐ-BGTVT
Ngày ban hành 05/07/2013
Ngày có hiệu lực 05/07/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Đinh La Thăng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1922/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 05 tháng 07 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN "PHÂN CẤP, XÃ HỘI HÓA CÔNG TÁC DUY TU, BẢO DƯỠNG KẾT CẤU HẠ TẦNG HÀNG HẢI"

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Đấu thầu ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Luật số 38/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009 sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản;

Căn cứ Nghị định số 21/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải;

Căn cứ Nghị định số 114/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về bảo trì công trình xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;

Căn cứ Nghị định số 31/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Quyết định số 256/2006/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch thực hiện sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích.

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án "Phân cấp, xã hội hóa công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải" với các nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU VÀ QUAN ĐIỂM

1. Mục tiêu của Đề án

1.1. Đổi mới bộ máy tổ chức làm công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải theo định hướng phân cấp rõ ràng; tăng cường quản lý, kiểm tra và giám sát các nhà thầu duy tu, bảo dưỡng công trình, quản lý tới từng địa bàn, công trình.

1.2. Phân cấp và tăng cường quản lý tại các đơn vị cơ sở, cơ quan quản lý cấp trên tập trung thực hiện các nhiệm vụ xây dựng chính sách pháp luật, chiến lược, quy hoạch và các công việc vĩ mô. Phân cấp cơ quan quản lý nguồn vốn duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải nhằm sử dụng hiệu quả, kịp thời, thống nhất nguồn vốn duy tu, bảo trì công trình, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Hàng hải. Đồng thời đổi mới phương thức thực hiện, kiểm tra, giám sát, thanh toán và hợp đồng thực hiện.

1.3. Đề xuất xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về quản lý, xã hội hóa, phân cấp công tác duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải để làm cơ sở lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ chất lượng cao, tạo môi trường bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực này.

1.4. Tăng nguồn lực thực hiện bảo trì công trình hàng hải từ xã hội hóa, giảm sự lệ thuộc vào ngân sách nhà nước; triệt để phân cấp, xã hội hóa công tác duy tu, bảo dưỡng các tuyến luồng hàng hải trên nguyên tắc hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và lợi ích của nhà đầu tư.

1.5. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ giới hóa trong các lĩnh vực quản lý duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải.

2. Quan điểm xây dựng Đề án

2.1. Quán triệt chủ trương đổi mới toàn diện công tác phân cấp, xã hội hóa duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải để nâng cao chất lượng công trình và hiệu quả quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.

2.2. Việc thực hiện phân cấp, xã hội hóa có lộ trình phù hợp để bảo đảm khả năng tài chính và tính ổn định, liên tục trong việc duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng hàng hải, bảo đảm chất lượng công trình và sử dụng an toàn, thông suốt, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

2.3. Kế thừa và phát huy những kết quả tích cực đã đạt được, tiếp thu có chọn lọc những thành tựu, kinh nghiệm của các nước tiên tiến vận dụng vào điều kiện thực tế của Việt Nam phù hợp xu thế hội nhập và phát triển.

[...]