Nghị quyết 13-NQ/TW năm 2012 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 do Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành

Số hiệu 13-NQ/TW
Ngày ban hành 16/01/2012
Ngày có hiệu lực 16/01/2012
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Ban Chấp hành Trung ương
Người ký Nguyễn Phú Trọng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BAN CHẤP HÀNH
TRUNG ƯƠNG ĐẢNG
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 13-NQ/TW

Hà Nội, ngày 16 tháng 1 năm 2012

 

NGHỊ QUYẾT

HỘI NGHỊ LẦN THỨ 4 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA XI VỀ XÂY DỰNG HỆ THỐNG KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐỒNG BỘ NHẰM ĐƯA NƯỚC TA CƠ BẢN TRỞ THÀNH NƯỚC CÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG HIỆN ĐẠI VÀO NĂM 2020

I- TÌNH HÌNH VÀ NGUYÊN NHÂN

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã dành sự quan tâm lớn cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội. Nhờ đó, hệ thống kết cấu hạ tầng có bước phát triển, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước, góp phần bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giảm nhẹ thiên tai, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân, xoá đói, giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền. Một số công trình hiện đại được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước. Năng lực công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực trên các lĩnh vực xây dựng, quản lý và vận hành kết cấu hạ tầng được nâng lên.

Nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng lớn và đa dạng. Ngoài nguồn lực của Nhà nước, đã và đang mở rộng sự tham gia của toàn xã hội, nhất là đầu tư của các doanh nghiệp vào các dự án giao thông, khu công nghiệp, khu đô thị mới và đóng góp tự nguyện của nhân dân vào phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn. Các hình thức đầu tư, xây dựng, vận hành, kinh doanh được đa dạng hoá, mở rộng.

Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, lạc hậu, thiếu đồng bộ, kém tính kết nối, hiện đang là điểm nghẽn của quá trình phát triển. Hạ tầng đô thị kém chất lượng và quá tải. Hạ tầng xã hội thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, hiệu quả sử dụng chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là về y tế, giáo dục. Hạ tầng thông tin phát triển chưa đi đôi với quản lý, sử dụng một cách có hiệu quả. Cơ sở hạ tầng nông thôn phát triển chậm, chưa đồng đều, nhất là ở các tỉnh miền núi và đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều công trình chậm tiến độ, kém chất lượng, chi phí cao. Công tác quản lý, khai thác, sử dụng, dịch vụ hạ tầng còn yếu, hiệu quả thấp.

Hạn chế, yếu kém nêu trên có nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Tư duy về phát triển kết cấu hạ tầng chậm đổi mới, chưa phù hợp với cơ chế thị trường; nguồn lực đầu tư vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, chưa huy động được nhiều nguồn lực ngoài nhà nước, chưa tạo được sự ủng hộ mạnh mẽ và chia sẻ trách nhiệm của toàn dân. Công tác quản lý nhà nước về đầu tư còn nhiều bất cập; hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, nhiều quy định chưa phù hợp; phân cấp mạnh, nhưng thiếu cơ chế giám sát và quản lý có hiệu quả. Chất lượng quy hoạch còn thấp, thiếu tính đồng bộ, bao quát, kết nối và tầm nhìn dài hạn; quản lý thực hiện quy hoạch còn yếu. Phân bổ nguồn lực dàn trải, chưa có kế hoạch phân bổ vốn trung và dài hạn để tập trung vào các công trình trọng điểm thiết yếu; chi phí đầu tư còn cao, hiệu quả thấp; chưa có cơ chế, chính sách thích hợp để huy động tiềm năng và nguồn lực, nhất là đất đai cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Thiếu chế tài, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm.

II- QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1- Quan điểm

1. Quy hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội phải hiện đại, đồng bộ trên phạm vi cả nước, từng ngành, từng vùng và từng địa phương, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; có phân kỳ đầu tư, ưu tiên những dự án quan trọng tạo sự đột phá và có tác động lan toả lớn. Tăng cường công tác quản lý trong khai thác sử dụng công trình.

2. Huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực của xã hội, bảo đảm lợi ích hợp lý để thu hút các nhà đầu tư, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài vào phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội; đồng thời tiếp tục dành vốn nhà nước tập trung đầu tư vào các công trình thiết yếu, quan trọng, khó huy động các nguồn lực xã hội.

3. Phát triển kết cấu hạ tầng là sự nghiệp chung, vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ của toàn xã hội, mọi người dân đều có trách nhiệm tham gia đóng góp, trước hết là trong thực hiện chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng; bảo đảm lợi ích hài hoà giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư.

4. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phải kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh; thu hẹp khoảng cách vùng, miền; gắn với tiết kiệm đất canh tác, bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu.

2- Mục tiêu

Tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư giải quyết cơ bản những tắc nghẽn, quá tải, bức xúc và từng bước hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội tương đối đồng bộ với một số công trình hiện đại, bảo đảm cho phát triển nhanh và bền vững, tăng cường hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới, thu hẹp khoảng cách vùng, miền và nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh và giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia, đáp ứng yêu cầu nước ta cơ bản đạt được quy mô và trình độ của nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Cùng với yêu cầu phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, cần tập trung nguồn lực cho 4 lĩnh vực trọng tâm với các mục tiêu cụ thể như sau:

- Về hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối các trung tâm kinh tế lớn với nhau và với các đầu mối giao thông cửa ngõ bằng hệ thống giao thông đồng bộ, năng lực vận tải được nâng cao, giao thông được thông suốt, an toàn.

- Về hạ tầng cung cấp điện, bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; đi đôi với tiết kiệm, giảm tiêu hao điện năng.

- Về hạ tầng thuỷ lợi và ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm tưới, tiêu chủ động cho diện tích lúa 2 vụ, các vùng cây công nghiệp và nguyên liệu, nuôi trồng thuỷ sản tập trung. Chủ động phòng, tránh bão, lũ, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

- Về hạ tầng đô thị lớn, từng bước phát triển đồng bộ và hiện đại, giải quyết cơ bản tình trạng ách tắc giao thông, úng ngập; cung cấp ổn định điện, nước và xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường.

III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐỒNG BỘ

1- Định hướng phát triển hạ tầng giao thông

- Về đường bộ, ưu tiên đầu tư nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 1A, hoàn thành phần lớn vào năm 2015 và hoàn thành toàn tuyến vào năm 2020. Duy tu và nâng cấp để đảm bảo giao thông các tuyến quốc lộ. Đầu tư nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh và nâng cấp đoạn qua Tây Nguyên. Lựa chọn đầu tư những đoạn có hạ tầng yếu kém trên tuyến đường ven biển gắn với đê biển. Nối thông tuyến đường biên giới phía Bắc, phía Tây, Tây Nam. Nâng cấp một số tuyến giao thông hành lang kinh tế Đông Tây.

Ưu tiên đầu tư trước một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam, tuyến nối Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với các cửa ngõ và các đầu mối giao thông quan trọng. Phấn đấu đến năm 2015, hoàn thành khoảng 600 km và đến năm 2020 hoàn thành đưa vào sử dụng khoảng 2.000 km đường cao tốc.

- Về đường sắt, ưu tiên nâng cấp, hiện đại hoá hệ thống tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện có. Nghiên cứu các phương án khả thi đường sắt tốc độ cao để có kế hoạch đầu tư xây dựng phù hợp. Phát triển đường sắt đô thị, đường sắt nội ngoại ô tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Nghiên cứu đầu tư mới tuyến đường sắt khổ 1,435 m nối Thành phố Hồ Chí Minh với thành phố Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh với thành phố Vũng Tàu.

- Về đường thuỷ nội địa, nâng cấp các tuyến đường thuỷ nội địa chính; tăng chiều dài các đoạn tuyến sông được quản lý khai thác. Nâng cấp và xây dựng mới một số cảng đầu mối, bến hàng hoá và hành khách ở đồng bằng Sông Cửu Long và đồng bằng Sông Hồng. Ưu tiên hoàn thành nâng cấp các tuyến ở đồng bằng Sông Cửu Long kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh; các tuyến sông Tiền, sông Hậu, sông Hồng, sông Thái Bình.

- Về cảng biển quốc gia, rà soát, điều chỉnh quy hoạch, tiếp tục đầu tư phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, các cảng cửa ngõ quốc tế, các bến cảng nước sâu tại ba vùng kinh tế trọng điểm có khả năng tiếp nhận các tàu container thế hệ mới. Ưu tiên đầu tư đồng bộ, hiện đại hai cảng biển cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) và cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu); khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư phát triển cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong (Khánh Hoà).

- Về cảng hàng không, ưu tiên đầu tư nâng cấp đồng bộ, hiện đại 5 sân bay quốc tế: Nội Bài, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Cam Ranh. Xây dựng cảng hàng không quốc tế Nội Bài trở thành cảng cửa ngõ quốc tế của miền Bắc. Huy động nguồn vốn ODA và khuyến khích hợp tác công tư để đầu tư xây dựng mới cảng trung chuyển hàng không quốc tế Long Thành.

[...]
7
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ