Quyết định 1897/QĐ-UBND năm 2023 về Kế hoạch thanh tra của tỉnh Quảng Ngãi năm 2024

Số hiệu 1897/QĐ-UBND
Ngày ban hành 19/12/2023
Ngày có hiệu lực 19/12/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Đặng Văn Minh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1897/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 19 tháng 12 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH THANH TRA CỦA TỈNH NĂM 2024

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Thanh tra ngày 14/11/2022;

Căn cứ Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra;

Căn cứ Công văn số 8138/VPCP-V.I ngày 19/10/2023 của Văn phòng Chính phủ về Định hướng Chương trình thanh tra năm 2024;

Căn cứ Công văn số 2354/TTCP-KHTH ngày 23/10/2023 của Thanh tra Chính phủ về hướng dẫn xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2024;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra tỉnh tại Tờ trình số 1171/TTr-TTT ngày 05/12/2023 và Công văn số 1202/TTT-NV4 ngày 12/12/2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Kế hoạch thanh tra của tỉnh Quảng Ngãi năm 2024, cụ thể:

1. Nhiệm vụ chủ yếu

a) Công tác thanh tra:

- Tập trung triển khai hoàn thành 100% kế hoạch thanh tra năm 2024; thực hiện thanh tra phải đảm bảo quy trình, nội dung và thời hạn theo quy định của pháp luật; qua thanh tra kịp thời phát hiện vi phạm, yếu kém trong quản lý, đề xuất, kiến nghị các biện pháp xử lý đúng pháp luật đối với tập thể, cá nhân có khuyết điểm, vi phạm, kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật còn bất cập, sơ hở...

- Tổ chức thực hiện thanh tra theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Tỉnh ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và khi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố giao; thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; Thanh tra tỉnh thực hiện thanh tra lại vụ việc thanh tra hành chính đã có kết luận của Thanh tra cấp sở, Thanh tra cấp huyện nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật;

- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra. Thanh tra tỉnh thực hiện kiểm tra tính chính xác, hợp pháp kết luận thanh tra của Thanh tra cấp sở, Thanh tra cấp huyện và quyết định xử lý sau thanh tra của Giám đốc sở, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện khi cần thiết.

b) Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo:

- Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 ngày 07/10/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và Kế hoạch 1910/KH-TTCP ngày 29/10/2021 của Thanh tra Chính phủ về kiểm tra, rà soát, giải quyết khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài.

- Thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo; chủ động trong việc nắm tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn, đặc biệt là ở những địa phương đang có hoặc tiềm ẩn xảy ra vụ việc đông người, phức tạp để chủ động đôn đốc, phối hợp với địa phương giải quyết, xử lý. Tăng cường thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước để phát hiện, chấn chỉnh, xử lý những tồn tại, yếu kém, vi phạm pháp luật, thiếu trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo.

- Giải quyết kịp thời, dứt điểm, đúng pháp luật các vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh ngay từ cấp cơ sở, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 85%; thực hiện tốt các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu tỷ lệ giải quyết trên 90%; kiên quyết xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; cố tình né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, kéo dài thời gian giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo để công dân khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, thực hiện không nghiêm các quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; sử dụng có hiệu quả các phần mềm, hệ thống đang có; đồng thời, nghiên cứu, có phương án triển khai thực hiện Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo.

c) Công tác phòng, chống tham nhũng:

- Triển khai thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là Kết luận số 12-KL/TW ngày 06/4/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Luật Phòng, chống tham nhũng và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành về kê khai tài sản, thu nhập, kiểm tra, xác minh tài sản, thu nhập; kiểm soát xung đột lợi ích, phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước, thanh tra phát hiện, xử lý tham nhũng... tập trung xử lý nghiêm, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

- Triển khai thực Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 11/10/2023 của Chính phủ về ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống, tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Cơ sở dữ liệu Quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

- Tăng cường thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhất là những vụ việc có dấu hiệu vi phạm trong thực hiện các dự án đầu tư, kinh doanh gây thất thoát, thua lỗ lớn và bức xúc trong xã hội. Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, nhất là các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Tỉnh ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, dư luận xã hội quan tâm; kịp thời chuyển ngay các vụ việc có dấu hiệu tội phạm phát hiện qua thanh tra sang cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; triệt để thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; kiên quyết khắc phục tệ “tham nhũng vặt” và tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

2. Kế hoạch thanh tra trực tiếp năm 2024 có 125 cuộc thanh tra, trong đó:

a) Thanh tra tỉnh chủ trì thực hiện 09 cuộc thanh tra.

b) Thanh tra các sở, ban ngành chủ trì thực hiện 80 cuộc thanh tra.

[...]