Công văn 2354/TTCP-KHTH năm 2023 hướng dẫn xây dựng Kế hoạch thanh tra năm 2024 do Thanh tra Chính phủ ban hành

Số hiệu 2354/TTCP-KHTH
Ngày ban hành 23/10/2023
Ngày có hiệu lực 23/10/2023
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Thanh tra Chính phủ
Người ký Đoàn Hồng Phong
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

THANH TRA CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2354/TTCP-KHTH
V/v hướng dẫn xây dựng Kế hoạch thanh tra năm 2024

Hà Nội, ngày 23 tháng 10 năm 2023

 

Kính gửi:

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ;
- Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Chánh thanh tra Bộ, Cơ quan ngang bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ;
- Chánh thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Căn cứ Luật Thanh tra; Thông tư số 01/2014/TT-TTCP ngày 23/4/2014 của Tổng Thanh tra Chính phủ quy định việc xây dựng, phê duyệt định hướng chương trình thanh tra, kế hoạch thanh tra; căn cứ Định hướng chương trình thanh tra năm 2024 đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phê duyệt (tại Văn bản số 8138/VPCP-V.I ngày 19/10/2023 của Văn phòng Chính phủ); Thanh tra Chính phủ hướng dẫn xây dựng Kế hoạch thanh tra năm 2024 như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Luật Thanh tra năm 2022 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật; các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến hoạt động thanh tra. Hoạt động thanh tra phải thực hiện đúng thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trình tự, thủ tục pháp luật quy định, bảo đảm nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của các cấp, các ngành và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước và thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, công vụ được giao, tập trung vào các ngành, lĩnh vực, địa phương có nhiều dấu hiệu vi phạm, tham nhũng, tiêu cực hoặc phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm. Qua thanh tra kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những yếu kém, thiếu sót trong quản lý nhà nước; có biện pháp xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực; kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật còn bất cập, sơ hở. Chú trọng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra; tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 76-NQ/BCSĐ ngày 6/6/2023 của Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thanh tra và việc phát hiện, xử lý vi phạm qua thanh tra.

2. Thực hiện nghiêm các quy định Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật tố cáo, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật và các Nghị quyết, Chỉ thị, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; nâng cao trách nhiệm và chủ động tích cực phối hợp với các ngành, các cấp để triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền, quan tâm kiểm tra, rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

3. Triển khai thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống tham nhũng, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật và các Nghị quyết, Chỉ thị và chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tăng cường phát hiện và xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng theo quy định của pháp luật. Quan tâm triển khai các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập; kiểm soát xung đột lợi ích; phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước; các biện pháp về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tích cực, chủ động thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

4. Nâng cao năng lực và đổi mới phương pháp, cách thức chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục hoàn thiện thể chế và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định mới. Tập trung hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước và các hoạt động nghiệp vụ thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra đủ phẩm chất, năng lực, trình độ và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

II. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Công tác thanh tra

a) Thanh tra Chính phủ

- Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tập trung thanh tra trên các lĩnh vực quan trọng để góp phần chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước, phát hiện, phòng ngừa, xử lý vi phạm và hoàn thiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực được thanh tra;

- Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng; quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản; thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng;

- Tiếp tục thanh tra chuyên đề quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng; thanh tra chuyên đề việc chấp hành pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng nguồn tiền từ trái phiếu doanh nghiệp (theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực);

- Thanh tra, kiểm tra hoạt động công vụ, cải cách hành chính trong các cơ quan nhà nước (theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 304/TB-VPCP ngày 02/8/2023, Thông báo số 318/TB-VPCP ngày 10/8/2023 của Văn phòng Chính phủ và Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 20/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ);

- Thanh tra theo chuyên đề đối với công tác thăm dò, khảo sát, quy hoạch, đấu thầu, quản lý, cấp phép, khai thác, vận chuyển đối với các mỏ vật liệu xây dựng, làm rõ các sai phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để kiến nghị và để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật (theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Văn bản số 3454/VPCP-CN ngày 21/9/2023 của Văn phòng Chính phủ);

- Thanh tra việc quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước khi được Thủ tướng Chính phủ giao;

- Thanh tra vụ việc phức tạp, liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của Thanh tra Bộ, Thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ hoặc Thanh tra tỉnh nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật;

- Thanh tra vụ việc khác theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ và khi được Thủ tướng Chính phủ giao; thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật;

- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ; kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ, Thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, Thanh tra tỉnh và quyết định xử lý sau thanh tra của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ (sau đây gọi chung là Bộ trưởng), Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi cần thiết.

b) Bộ

- Thanh tra hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ trưởng trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, bao gồm thanh tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc bộ và thanh tra công tác quản lý tài chính, tài sản, dự án đầu tư của các cơ quan, đơn vị trực thuộc bộ; Thanh tra chuyên ngành đối với các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quản lý ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ (Nội dung Định hướng thanh tra của từng Bộ có Phụ lục kèm theo);

- Thanh tra, kiểm tra hoạt động công vụ, cải cách hành chính trong các cơ quan nhà nước (theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 304/TB-VPCP ngày 02/8/2023, Thông báo số 318/TB-VPCP ngày 10/8/2023 của Văn phòng Chính phủ và Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 20/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ);

- Thanh tra việc quản lý vốn, tài sản, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước thuộc bộ (nếu có);

- Thanh tra về nội dung có liên quan đến nhiều lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của Thanh tra Tổng cục, Cục, của cơ quan khác thuộc Bộ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; vụ việc thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ đã có kết luận của Thanh tra sở nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật qua xem xét, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;

- Thanh tra vụ việc khác theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và khi được Bộ trưởng giao; thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; thanh tra lại, kiểm tra tính chính xác, khách quan của các kết luận thanh tra của Thanh tra Tổng cục, Thanh tra Cục, Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ.

- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Thanh tra Bộ, quyết định xử lý về thanh tra của Bộ trưởng; kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra của Thanh tra Tổng cục, Cục, của cơ quan khác thuộc Bộ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và quyết định xử lý sau thanh tra của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với vụ việc thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ khi cần thiết.

c) Cơ quan thuộc Chính phủ

- Thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đối với tổ chức, cá nhân trong phạm vi quản lý của Cơ quan thuộc Chính phủ;

[...]