Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 1715/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tạo động lực cho phát triển, giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Quảng Ngãi ban hành

Số hiệu 1715/QĐ-UBND
Ngày ban hành 29/10/2021
Ngày có hiệu lực 29/10/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Đặng Văn Minh
Lĩnh vực Đầu tư,Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1715/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 29 tháng 10 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐỒNG BỘ, HIỆN ĐẠI TẠO ĐỘNG LỰC CHO PHÁT TRIỂN, GIAI ĐOẠN 2021-2025

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 24/8/2021 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ tư, khóa XX về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tạo động lực cho phát triển

Căn cứ Nghị quyết số 78/NQ-HĐND ngày 12/10/2021 của HĐND tỉnh Quảng Ngãi, khóa XIII- kỳ họp thứ 4 về Đề án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tạo động lực cho phát triển, giai đoạn 2021-2025;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 118/TTr-SGTVT ngày 27/10/2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại tạo động lực cho phát triển, giai đoạn 2021-2025, với những nội dung cụ thể như sau:

I. Quan điểm, mục tiêu của Đề án

1. Quan điểm

a) Đổi mới mạnh mẽ về tư duy, đa dạng hóa các hình thức đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp với quy hoạch, gắn kết chặt chẽ với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch ngành, lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

b) Nguồn lực nhà nước tập trung đầu tư cho các công trình, dự án có tác dụng lan tỏa lớn, thật sự cần thiết, cấp bách; các công trình an sinh xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn mà các thành phần kinh tế khác không đầu tư; khuyến khích thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư trên cơ sở bảo đảm hiệu quả đầu tư, cân bằng lợi ích của các chủ thể.

c) Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là sự nghiệp của toàn dân; Nhà nước khuyến khích tổ chức, công dân đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

d) Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội phải kết hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh và ứng phó với biến đổi khí hậu.

2. Mục tiêu

Tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, với một số công trình hiện đại, bảo đảm cho phát triển nhanh và bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, thu hẹp khoảng cách vùng, miền và nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Phấn đấu đến năm 2025, Quảng Ngãi trở thành tỉnh phát triển khá của Vùng miền Trung.

II. Nhiệm vụ chủ yếu

1. Về phát triển hạ tầng giao thông

Đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, bảo đảm kết nối tỉnh Quảng Ngãi với các tỉnh trong khu vực; kết nối trung tâm của tỉnh tới trung tâm các huyện; khu kinh tế, các khu công nghiệp; phấn đấu đến năm 2025 nhựa hóa, cứng hóa 100% đường huyện và 90% đường xã; trong đó:

a) Ngân sách nhà nước và vốn hợp pháp khác đầu tư:

- Hoàn thành các dự án chuyển tiếp: Nâng cấp, mở rộng đường tỉnh Quảng Ngãi - Chợ Chùa; Nâng cấp, mở rộng tuyến ĐT.623B (Quảng Ngãi - Thạch Nham), giai đoạn 2; Nâng cấp tuyến đường ĐT.624B (Quán Lát - Đá Chát), đoạn Km0+00 - Km8+00; cầu Sông Rin, thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà; Nâng cấp tuyến đường từ tránh Đông đi Thu Xà; Đường tránh lũ, cứu hộ, cứu nạn các huyện vùng Tây Quảng Ngãi (Ba Tơ - Minh Long - Sơn Hà), đoạn Km17+750 - Km22+336.

- Hoàn thành các dự án: Đường ni từ cầu Thạch Bích đến Tịnh Phong; tuyến đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn IIa, Ilb, thành phần 1; Đường nối từ trung tâm huyện lỵ Sơn Tịnh đến huyện Tư Nghĩa (cầu Trà Khúc 3); Đê chắn sóng cảng Bến Đình huyện Lý Sơn; Nạo vét, chỉnh trị sông Trà Khúc khu vực từ cầu Trường Xuân đến Cửa Đại (giai đoạn 1, đoạn từ cầu Trường Xuân đến Đập dâng). Triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ dự án đường Tịnh Phong - cảng Dung Quất II, giai đoạn 1; Đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi.

b) Huy động nguồn lực xã hội đầu tư: Đầu tư nâng cấp các bến xe hoặc bãi đỗ xe tại các huyện, thị xã, thành phố; bãi đậu xe công cộng tại các trung tâm kinh tế, thương mại; tàu vận tải hành khách phục vụ nhu cầu đi lại và du lịch tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn, đảo Lớn - đảo Bé, Vạn Tường - Lý Sơn phục vụ nhu cầu đi lại và phát triển du lịch.

2. Về phát triển hạ tầng đô thị

- Đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị từng bước đồng bộ, hiện đại; đồng thời, dành quỹ đất cho giao thông theo quy định khi xây dựng các khu đô thị mới để cải thiện nhu cầu giao thông trong giai đoạn trước mắt và lâu dài.

- Phát triển thành phố Quảng Ngãi về hướng biển, phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hoàn chỉnh đô thị loại II, đạt một số tiêu chí đô thị loại I và đến năm 2030 cơ bản đạt chuẩn đô thị loại I. Quan tâm đầu tư phát triển trung tâm huyện lỵ mới Sơn Tịnh và các đô thị trung tâm ở các huyện. Phấn đấu đến năm 2025, thị xã Đức Phổ đạt chuẩn đô thị loại IV và đạt một số tiêu chí của đô thị loại III; xây dựng thị trấn Di Lăng thành trung tâm phát triển vùng phía Tây của tỉnh và đạt tiêu chí đô thị loại IV; phát triển huyện Bình Sơn đạt tiêu chí đô thị loại IV và tiến đến thành lập thị xã.

- Quy hoạch phát triển đô thị du lịch ven biển, ven sông gắn với nạo vét, đầu tư hạ tầng để phục vụ phát triển cảnh quan đô thị dọc 2 bên sông Trà Khúc, thành phố Quảng Ngãi để kêu gọi nhà đầu tư đầu tư các khu du lịch, dịch vụ, vui chơi, nghỉ dưỡng cao cấp, hiện đại.

[...]